Monday, November 25, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThất bại của ông Tập trong chống Covid

Thất bại của ông Tập trong chống Covid

Trong suốt ba năm ròng rã, chủ tịch Tập Cận Bình đã hoàn toàn đánh cược uy tín chính trị của bản thân vào chiến dịch Zero covid.

Ông Tập Cận Bình.

Tự cho mình là “tổng tư lệnh” của “cuộc chiến tranh nhân dân” chống lại virus, ông Tập đã ca ngợi chính sách cứng rắn “đặt con người và tính mạng của người dân lên hàng đầu” và coi thành công này là bằng chứng về tính ưu việt của hệ thống độc tài ở Trung Quốc.

Giờ đây, khi chiến lược tốn kém của ông ta bị phá bỏ đột ngột sau các cuộc biểu tình phản đối trên toàn quốc, ông Tập đã không nói được lời nào.

Trên khắp đất nước, các quầy xét nghiệm Covid, biển báo quét mã y tế và hàng rào phong tỏa đang được nhanh chóng dỡ bỏ. Khi tình trạng lây nhiễm lan tràn, chính quyền các cấp đã loại bỏ ứng dụng theo dõi vi-rút và hoàn toàn ngừng việc cáo các trường hợp lây nhiễm không có triệu chứng. Còn phần được báo cáo cũng trở nên vô nghĩa khi các thành phố ngừng xét nghiệm hàng loạt và cho phép mọi người sử dụng xét nghiệm kháng nguyên và cách ly tại nhà.

Mặc dù việc nới lỏng các chính sách quản lý tĩnh là một giải pháp được người dân mong đợi từ lâu vì các chi phí kinh tế xã hội kéo theo; nhưng sự loại bỏ việc phong tỏa một cách đột ngột đã khiến người dân giật mình, bối rối, thậm chí lo lắng.

Cuộc sống hàng ngày của người dân bị chi phối rất nhiều bởi các biện pháp kiểm soát Covid do nhà nước áp đặt và nỗi sợ hãi về vi rút do tuyên truyền trong suốt đại dịch; giờ đây công chúng được cho là “người trực tiếp tự chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của chính bản thân” – hay về cơ bản, phải tự bảo vệ chính mình.

Thay vì cần minh bạch về mức độ nguy hiểm của vi rút thì các phương tiện truyền thông nhà nước và các quan chức y tế đã quay sang hạ thấp các mối nguy cơ tiềm ẩn. Bác sĩ Chung Nam Sơn, một chuyên gia hàng đầu về Covid-19 và là người có phát ngôn quan trọng đối với công chúng trong đại dịch, hôm thứ Năm đã nhấn mạnh rằng Omicron thực sự nên được gọi là “virus corona cảm lạnh”, với lý do tỷ lệ tử vong tương tự như bệnh cúm theo mùa và khả năng lây nhiễm hạn chế.

Tại Bắc Kinh, người dân đổ xô mua các loại thuốc không kê đơn và xét nghiệm kháng nguyên, dẫn đến tình trạng thiếu hụt tại các hiệu thuốc và trên các trang mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên thì đường phố và trung tâm mua sắm phần lớn vẫn vắng vẻ vì mọi người ở nhà để phục hồi sau Covid hoặc để tránh bị nhiễm bệnh.

Dự kiến sau Bắc Kinh thì lần lượt các vùng khác của Trung Quốc sẽ phải vật lộn với làn sóng covid, nếu nói chính xác, thì họ cũng sớm đang đi vào làn sóng đó rồi.

Lần cuối cùng ông Tập được truyền thông nhà nước trích dẫn trong chiến dịch chống lại covid là vào ngày 10 tháng 11 trong một cuộc họp của Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản. Khi đó, ông Tập thề sẽ “kiên quyết” thực hiện “năng động zero-Covid”, đồng thời giảm thiểu tác động của nó đối với nền kinh tế và xã hội. Ông kêu gọi các quan chức định hướng dư luận đúng đắn và định hướng tình cảm của công chúng, cam kết “quyết chiến quyết thắng.”

Ngày hôm sau, chính phủ Trung Quốc đã ban hành 20 hướng dẫn mới để “tối ưu hóa” các biện pháp phòng chống Covid nhằm hạn chế sự gián đoạn đối với cuộc sống hàng ngày và nền kinh tế, đồng thời khẳng định “đó không phải là nới lỏng kiểm soát, chứ chưa nói đến việc mở cửa trở lại hay ‘nằm ngửa’” – một cụm từ thường được sử dụng để mô tả làm việc một cách tối thiểu.

Nhưng các chỉ thị của ông Tập về cả việc loại bỏ vi rút và ổn định kinh tế đã chứng tỏ đó là một nhiệm vụ bất khả thi đối với chính quyền địa phương, do khả năng lây nhiễm cao của Omicron. Khi các ca bệnh gia tăng khắp Bắc Kinh, Quảng Châu và Trùng Khánh, chính quyền địa phương quay trở lại phong tỏa và kiểm dịch nghiêm ngặt, dập tắt hy vọng của công chúng về một thời gian tạm thoát khỏi các biện pháp phong tỏa cực đoan đã làm đảo lộn cuộc sống, đóng cửa các doanh nghiệp và dẫn đến ngày một nhiều bi kịch

Sau đó, một vụ cháy chung cư làm chết người ở thành phố U rum chi ở khu tự trị Tân Cương đã trở thành giọt nước tràn ly, châm ngòi cho sự náo loạn tập thể. Các cuộc biểu tình chống Zero Covid-19 nổ ra khắp cả nước, đặt ra thách thức lớn nhất đối với chính quyền của ông Tập kể từ khi ông lên nắm quyền.

Những gì tiếp theo là sự sụp đổ nhanh chóng và sâu rộng của chính sách zero-Covid và các thông điệp tuyên truyền nhanh chóng bị thay đổi. Tổn thất kinh tế, gánh nặng tài chính và bản chất không thể ngăn chặn khả năng lây nhiễm của một loại vi rút như corona là tất cả những yếu tố cơ bản dẫn đến sự thay đổi. Nhưng chỉ khi có sự phản kháng chưa từng có từ phía công chúng xảy ra thì chính phủ mới đẩy nhanh quá trình đáng lẽ phải thực hiện từ lâu.

Hoàng Nghiêm Trung, một thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, cho biết: “Điều đó cho thấy tầm quan trọng của những cuộc biểu tình từ phía quần chúng trong việc thuyết phục chủ tịch Tập đã đến lúc phải thay đổi. Vì ngay trước các cuộc biểu tình, chính quyền đã cam kết hạ quyết tâm với chính sách Zero-covid và siết chặt hơn thay vì nới lỏng”.

Mặc dù một mặt người ta thấy chính phủ đã kiểm soát rất chặt chẽ dịch bệnh, nhưng mặt khác người ta lại cực kỳ thất vọng khi biết rằng chính phủ cũng đã hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào khi kết thúc chính sách này một cách đột ngột. Các ví dụ điển hình có thể kể đến là không thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng cho người lớn tuổi, nâng cao năng lực chăm sóc đặt biệt, thực hiện các biện pháp hậu cần cho bệnh viện và dự trữ thuốc kháng vi rút.

Trong khi các chuyên gia bên ngoài Trung Quốc cảnh báo về một mùa đông ảm đạm sắp đến – với dự báo hơn một triệu người sẽ chết vì covid, thì bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ vẫn đang khắc hoạ đất nước đang hành quân từ chiến thắng này đến chiến thắng khác trong cuộc cách mạng Zero-covid.

Hôm thứ Năm, một bài bình luận trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận hàng đầu của đảng, đã đưa ra một đánh giá tích cực về cuộc chiến chống lại Covid-19 của đất nước trong ba năm qua. Kết luận: Chính sách của Tập Cận Bình từ lâu đã “hoàn toàn đúng đắn”.

“Thực tế đã chứng minh chính sách chống dịch của chúng ta là đúng đắn, khoa học và hiệu quả. Nó đã giành được sự tán thành của người dân và có thể đứng vững trước thử thách của lịch sử,” bài báo dài 11.000 từ cho biết, trích dẫn hai tháng phong tỏa mệt mỏi của Thượng Hải là một thành tựu đáng chú ý.

Bài bình luận cho rằng “Sau ba năm nỗ lực, chúng ta có các điều kiện, cơ chế, hệ thống, đội ngũ và thuốc men để đặt nền móng cho chiến thắng toàn diện trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh”.

Theo tường thuật chính thức, đảng – và trên hết là nhà lãnh đạo tối cao của đảng, ông Tập Cận Bình – là không thể sai lầm.

Nhưng cho dù đảng có cố gắng viết lại lịch sử và cố gắng “tẩy não” người dân Trung Quốc đến mức nào đi nữa, thì một bộ phận công chúng sẽ luôn nhớ về cuộc sống của họ trong thời gian không có Covid – sự thất vọng khi bị giam cầm trong nhà hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng trời, nỗi tuyệt vọng khi mất việc làm và thu nhập, sự đau lòng khi chứng kiến những người thân yêu gặp nguy hiểm, thậm chí mất mạng vì không được tiếp nhận chăm sóc y tế khẩn cấp do lệnh phong tỏa hà khắc. Đối với một số người, họ mãi mãi đã mất niềm tin vào chính phủ.

Ông Dương Đại Lực, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Chicago, cho biết: “Ở Trung Quốc, trong nhiều thập kỷ trở lại đây, xã hội đã trải qua rất nhiều biến cố. “Đã có khá nhiều những “vết sẹo” cho cả một thế hệ, và đây có thể coi là một trong số đó, đó là sự phẫn nộ của gần như toàn bộ xã hội đối với chính sách Zero-covid”.

Tại Trung Quốc, các quan chức, chuyên gia y tế và phương tiện truyền thông nhà nước đã cho rằng việc kết thúc phong tỏa một cách đột ngột là có cơ sở khoa học với lý do bản chất ít gây chết người hơn của biến thể Omicron.

Nhưng Omicron đã xuất hiện cách đây gần một năm và các chuyên gia cho rằng ĐCSTQ đã lãng phí nhiều nguồn lực và thời gian trong những tháng qua để thử nghiệm và xây dựng các cơ sở cách ly tạm thời, thay vì tiêm chủng cho người già hoặc cải thiện năng lực của ICU.

“Thôi đừng biện minh. Anh có biết vì sao lại dỡ bỏ phong tỏa nhanh như vậy không?” một bình luận trên Weibo.

“Thế thì, làm ơn hãy cho biết vì sao đảng lại chọn dỡ bỏ phong tỏa vào mùa đông, mà không phải là mùa xuân hay mùa hè? Tại sao lại phải đợi đến sau đại hội?” một bình luận trên Weibo cho biết, đề cập đến Đại hội Đảng vào tháng 10.

Một số người không bị ảnh hưởng nhiều – hoặc coi tác động đó là một điều đương nhiên – vẫn ủng hộ zero-Covid và đang khiếp sợ khi phải đối mặt với covid trong giai đoạn này. Thay vì đặt câu hỏi tại sao chính phủ không có sự chuẩn bị tốt trước khi đột ngột dỡ bỏ phong tỏa, họ lại đổ lỗi cho những người đòi kết thúc phong toả – bao gồm cả những người biểu tình.

Một số chuyên gia tin rằng Bắc Kinh cần có một bước đột phá chính trị để thoát khỏi Zero-Covid, và các cuộc biểu tình đã đưa ra một cái cớ kịp thời – mặc dù chính quyền không thể công khai thừa nhận đã có các cuộc biểu tình. Ngoài việc chấm dứt phong tỏa vì Covid, một số người biểu tình còn kêu gọi các quyền tự do chính trị và yêu cầu đảng cũng như ông Tập từ chức – một hành động thách thức chính trị không thể tưởng tượng được đối với nhà lãnh đạo độc tài và quyền lực nhất của đất nước trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, cũng không có gì ngạc nhiên khi một nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã cáo buộc các lực lượng nước ngoài “nắm bắt cơ hội để chính trị hóa” và thổi bùng một “cuộc cách mạng”.

“Ban đầu, người dân xuống đường bày tỏ sự không hài lòng với việc chính quyền địa phương không thể thực hiện đầy đủ và chính xác các biện pháp do chính quyền trung ương đưa ra, nhưng các cuộc biểu tình đã nhanh chóng bị các thế lực nước ngoài lợi dụng,” Lư Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Pháp nói với các nhà báo Pháp tại một sự kiện vào tuần trước.

Đổ lỗi cho chính quyền địa phương và các thế lực ngoại bang là cách phản ứng của đảng đối với sự bất đồng chính kiến của công chúng. Nhưng khi tập trung quá nhiều quyền lực vào tay mình, ông Tập chắc chắn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với các chính sách của đảng và công tác thực hiện chúng. Và vì gần như chỉ đạo toàn bộ chiến dịch Zero-covid từ đầu, nên ông ta cũng gần như bị ràng buộc chặt chẽ vào bất kỳ hậu quả nào mà nó đem lại.

Nếu làn sóng lây nhiễm hàng loạt dẫn đến số ca tử vong tăng mạnh, đặc biệt là ở những người cao tuổi dễ bị tổn thương, thì việc ĐCSTQ khoe khoang về công cuộc “đặt mạng sống của người dân lên hàng đầu” sẽ trở nên vô nghĩa. Các nhà chức trách có thể cố gắng che giấu số người chết vì Covid, nhưng sẽ khó khăn hơn để che giấu hàng dài các phương tiện đưa thi thể đi hoả táng và túi đựng thi thể tại các nhà tang lễ.

Cho đến nay, ông Tập vẫn tiếp tục im lặng – như ông vẫn thường làm trong những thời điểm bất ổn, chẳng hạn như những ngày đầu bùng phát dịch bệnh ở Vũ Hán và những tuần căng thẳng của lệnh phong tỏa ở Thượng Hải.

Ông Hoàng, chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết ông Tập dường như đang tạm giữ khoảng cách với chiến dịch Zero-covid.

Vào ngày 7 tháng 12, ngày chính phủ tuyên bố dỡ bỏ phong tỏa hà khắc và kết thúc chiến dịch Zero-covid. Ông Tập đã lên máy bay tới Ả Rập Saudi để thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước và tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực.

Ông Hoàng nói thêm “Có lẽ ông Tập muốn đưa ra một tín hiệu rằng không phải do ông ấy chỉ tay. Ông ấy tỏ ý không dính dáng gì đến việc đột ngột dỡ bỏ phong tỏa, chẳng may khi trường hợp có quá nhiều người chết”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới