Sunday, January 12, 2025
Trang chủBiển nóngTQ sẽ bị “gậy ông đập lưng ông”?

TQ sẽ bị “gậy ông đập lưng ông”?

Trong bài phân tích có tên “South China Sea’s first victim: China’s AIIB?” (tạm dịch: Nạn nhân đầu tiên của Biển Đông: Ngân hàng AIIB của Trung Quốc) trên trang mạng nghiên cứu Euroasia (Mỹ) mới đây, tác giả Stewart Taggart – chuyên gia thuộc Tổ chức Nghiên cứu Grenatec cảnh báo, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc sáng lập, rất có thể sẽ là nạn nhân đầu tiên của các yêu sách chủ quyền lãnh thổ quá đáng của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Theo ông Taggart, ngân hàng do Trung Quốc khởi xướng này dự trù sẽ cung cấp các khoản vay đầu tiên sớm nhất là vào giữa năm nay. Đó cũng là thời điểm mà Tòa án Trọng tài thường trực ở La Haye (Hà Lan), được thành lập dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà Trung Quốc cũng đã ký kết, dự trù sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện các yêu sách lãnh thổ quá đáng của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông.

Tuy nhiên, Trung Quốc khăng khăng lập trường không chấp nhận bất kỳ phán xét nào của bất kỳ cơ chế trọng tài hay tòa án quốc tế nào về tranh chấp Biển Đông. Kể từ khi Philippines khởi động vụ kiện đầu năm 2013, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn tuyên bố tẩy chay tiến trình tranh tụng, với lập luận là Tòa án Trọng tài không có thẩm quyền trên hồ sơ Biển Đông, bất chấp điều này đã định chế tư pháp quốc tế bác bỏ trong một phán quyết gần đây, khi tiếp tục xúc tiến các cuộc điều trần về đơn Philippines kiện Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu bác bỏ phán quyết của tòa án và thẩm quyền của một định chế quốc tế được công nhận giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quốc có nguy cơ bị phản đòn dữ dội.

Lý do rất đơn giản: Khi chính Bắc Kinh tạo ra tiền lệ coi thường một cơ chế trọng tài quốc tế, những quốc gia con nợ của Trung Quốc trong tương lai, những nước sẽ vay tiền của AIIB, hoàn toàn có thể vin vào đó để không trả nợ.

Bắc Kinh lúc đó sẽ khó có thể cầu viện các cơ chế trọng tài quốc tế để nhờ giải quyết hay áp đặt các biện pháp trừng phạt, vì chính Trung Quốc đã tự mình bác bỏ những phán quyết từ những định chế có uy tín trong việc giải quyết các tranh chấp đa phương.

Không những Trung Quốc sẽ bị “muối mày muối mặt” với thế giới bên ngoài mà tình hình xã hội trong nước của họ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong nhiều thập niên trước đây, Trung Quốc chủ yếu là nước nhận đầu tư từ nước ngoài trên quy mô lớn. Ở tư cách đó, Bắc Kinh đã viết ra và tùy tiện thay đổi các quy tắc. Thế nhưng, trong những năm tới đây, Trung Quốc sẽ ngày càng trở thành nước đi đầu tư, nhờ vào kho dự trữ ngoại tệ hơn 3.000 tỉ USD mà họ tích lũy được trong nhiều thập niên qua.

Về cơ bản, AIIB được tạo ra để thực hiện tầm nhìn chiến lược sâu xa của Bắc Kinh trong việc tạo ra một “đường vành đai” kinh tế nhằm liên kết Trung Quốc với toàn bộ châu Á và châu Âu. Tuy nhiên, mục tiêu thiết thực đầu tiên khi sản sinh ra AIIB của Bắc Kinh chính là để sử dụng kho dự trữ đó, vào mục tiêu duy trì được công ăn việc làm cho người Trung Quốc, chủ yếu là tại hai đại tập đoàn trong lĩnh vực hạ tầng là Tổng Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (SGCC) và Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).

Hiện nay, nhu cầu cơ sở hạ tầng cơ sở tại Trung Quốc phần lớn đã bão hòa. Do đó, các doanh nghiệp nhà nước này cần hợp đồng ở nước ngoài để tránh phải sa thải nhân công gây mất ổn định chính trị. Việc chuyển từ tư thế người nhận đầu tư sang vị trí người đầu tư ra bên ngoài toàn cầu là một sự thay đổi lớn đối với Trung Quốc. Điều đó buộc người Trung Quốc phải thay đổi tư duy và cung cách làm ăn.

Hiện nay, Trung Quốc cho rằng các nước láng giềng là – hoặc nên là – một phần mở rộng của Trung Quốc, nơi áp dụng các quy định của bộ máy cầm quyền Bắc Kinh.

Theo Eurasia, yêu sách chủ quyền dựa trên cái gọi là “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) của Trung Quốc ở Biển Đông là một biểu hiện của điều này. Nó được đặt trên hai giả định mang tính chất hồi tố: Khẳng định không chứng cứ là chủ quyền Trung Quốc đã có từ thời xa xưa và tuyên bố cũng không chứng cứ rằng đấy là chủ quyền không thể tranh cãi.

Vì điều này, những con nợ tiềm năng của AIIB không thể không tự hỏi là liệu các tiêu chuẩn tương tự có thể được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến các khoản vay của AIIB hay không? Liệu đất đai ở các nước thứ ba, dùng trong các công trình hạ tầng xây bằng tiền vay của AIIB có bị tuyên bố là thuộc cái gọi là chủ quyền “không thể chối cãi” của Trung Quốc theo kiểu hồi tố tùy tiện vậy không?

Do đó, những nước định vay tiền của AIIB cần phải đánh giá các nguy cơ và rủi ro trên từ bây giờ. Còn Bắc Kinh thì cũng chẳng tránh được nguy cơ “gậy ông đập lưng ông” từ chính những chiêu trò “nói không sách, mách không chứng” của họ.

Đơn cử như vụ Tổng Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc bị “ăn quả đắng” hồi năm ngoái ở Philippines – một nước có tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền đối với một số đảo, bãi ngầm, thực thể ở Biển Đông.

Số là, Tổng Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc đã trúng thầu năm 2007 và giành được hợp đồng quan trọng nâng cấp và vận hành mạng lưới điện quốc gia của Philippines với thời hạn 25 năm. Tuy nhiên, đến cuối tháng 2/2015, Bộ Năng lượng Philippines bất ngờ thông báo sẽ chấm dứt công việc của toàn bộ 16 chuyên gia kỹ thuật người Trung Quốc đang làm việc cho Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines và buộc những người này phải hồi hương. Lý do được đưa ra là Manila rất lo ngại nguy cơ an ninh khi để người Trung Quốc điều hành hệ thống điện quốc gia.

Một nhà lập pháp Philippines còn mô tả ngành công nghiệp điện lực Philippines “đã bị virus an ninh xâm nhập” khi Tổng Công ty Lưới điện Quốc gia Trung Quốc (SGCC) nắm giữ tới 40% cổ phần Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines. Số cổ phiếu mà SGCC nắm giữ vượt trội hơn hẳn 2 cổ đông khác là One Taipan Holdings Corp. và Calaca High Power Corp. của Philippines, mỗi tập đoàn chỉ chiếm 30% cổ phần.

Trong khi đó, Bộ Năng lượng Philippines tin tưởng rằng, các kỹ thuật viên nước này giờ hoàn toàn có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để đảm trách các phần việc do người Trung Quốc thực hiện. Ngoài lý do an ninh nói trên, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines cũng thừa nhận rằng tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo nên mối quan ngại về sự có mặt của chuyên gia Trung Quốc trong một cơ quan chiến lược như Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines.

Philippines rõ ràng đã và đang hưởng lợi từ các khoản đầu tư nước ngoài của Trung Quốc và sau nhiều tháng lưỡng lự, Manila cũng đã quyết định gia nhập AIIB do Trung Quốc khởi xướng vào hạn chót, tức ngày 31/12/2015. Thế nhưng, rõ ràng, vì lợi ích và an ninh quốc gia, Manila cũng có thể ra những quyết định trên cơ sở hồi tố như Trung Quốc đã làm để đối phó với Bắc Kinh khi làm ăn với họ.

Trong những năm tới, Trung Quốc buộc phải đầu tư ra nước ngoài để giảm sự mất cân bằng phát triển kinh tế nội bộ và tạo công ăn việc làm cho người dân trong nước để duy trì sự ổn định chính trị. Điều này tạo ra cơ hội cho những người đi vay và rủi ro đối với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh cứ tiếp tục hành xử theo cái thứ luật và quy tắc của riêng họ, mà bất chấp luật pháp quốc tế, coi thường điều ước và cam kết quốc tế mà bản thân họ đã ký kết như bây giờ, sớm hay muộn, họ cũng sẽ phải trả giá.

RELATED ARTICLES

Tin mới