Dù Tập là người đưa ra lựa chọn cuối cùng, nhưng các đồng nghiệp của ông trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn nắm giữ quyền lực rất lớn, trên bình diện tập thể và cá nhân.
Cố gắng cân bằng giữa lòng trung thành với nhà lãnh đạo và lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị đã phải tìm cách để chấm dứt chính sách zero-Covid của nước này. Cả nền kinh tế lẫn người dân Trung Quốc đều không thể chịu đựng lâu hơn được nữa.
Từ việc xét nghiệm, cách ly, và theo dõi 1,4 tỷ người, cho đến việc thay đổi hoàn toàn chính sách đã bao trùm Trung Quốc trong gần ba năm, trách nhiệm ứng phó với Covid hiện đã được tinh chỉnh, theo lời một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân cho biết, chính phủ nước này hiện đã “ban hành hướng dẫn để xem Covid-19 là bệnh truyền nhiễm loại B thay vì bệnh truyền nhiễm loại A, chuyển trọng tâm ứng phó từ ngăn ngừa lây nhiễm sang ngăn ngừa các trường hợp nghiêm trọng và chăm sóc sức khỏe. Bước chuyển dịch này là có cơ sở khoa học, kịp thời, và cần thiết.”
Tập Cận Bình, người đã nhận mọi công lao sau khi triển khai zero-Covid và theo đó đã gắn danh tiếng cá nhân của mình với nó, cuối cùng cũng chịu công khai nhắc đến sự thay đổi ngoạn mục ở Trung Quốc trong vài tuần qua. Ông kêu gọi các quan chức “phát động chiến dịch y tế yêu nước theo cách có mục tiêu rõ ràng hơn… củng cố tuyến phòng thủ cộng đồng để phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời bảo vệ tính mạng, sự an toàn, và sức khỏe của người dân.”
Phải chăng đây là quyết định của một mình Tập? Nhiều khả năng là không. Một sự thay đổi chính sách hệ trọng và không thể đảo ngược ở cấp độ này sẽ phải có những bình luận và lời khuyên từ sáu ủy viên còn lại trong Ban Thường vụ, cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ, theo đó cũng là cơ quan ra quyết định cao nhất của đất nước.
Có lý do để tin rằng sự đảo ngược các biện pháp zero-Covid đã minh chứng sức mạnh của Bộ Chính trị trong việc tác động và thay đổi không chỉ các chính sách và quyết định, mà còn cả các chỉ thị của vị lãnh đạo quyền lực nhất, Tổng Bí thư ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước, Tập Cận Bình.
Cần phải nhớ rằng Tập không cai trị trong môi trường chân không. Dù không có gì ngạc nhiên khi ông bổ nhiệm những người trung thành với mình vào Bộ Chính trị, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả họ đều là những người “chỉ biết gật đầu.”
Thật vậy, có khả năng là Tập đã nhận được những chia sẻ thẳng thắn từ sáu Ủy viên Thường vụ, những người chia sẻ quyền lực tối cao ở Trung Quốc với ông. Về các biện pháp phòng chống Covid, không có khả năng họ sẽ đối đầu với ông, vì điều đó là không cần thiết. Hầu hết họ đã làm việc với ông trong nhiều năm, trong một số trường hợp là hàng chục năm. Hai bên biết rõ phong cách và kỳ vọng của nhau, cũng như giới hạn về những gì họ có thể nói với sếp.
Một trong số các ủy viên có xuất thân khác với những người còn lại. Vương Hỗ Ninh, vị giáo sư chuyển hướng trở thành chính trị gia, được Giang Trạch Dân “phát hiện” và đưa đến Bắc Kinh vào năm 1995, đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở thủ đô với tư cách là Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Trung ương. Quá trình thăng tiến của ông trong ĐCSTQ cũng nhanh như khi còn ở trong giới học thuật (ở độ tuổi 30, Vương đã được giao những vị trí tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải vốn chỉ dành cho những giảng viên lớn tuổi hơn, dày dạn kinh nghiệm hơn). Năm 2017, Tập đã chọn Vương làm thành viên của Ban Thường vụ, và đã lặp lại lựa chọn đó vào tháng 10 vừa qua.
Vương đóng vai trò là một nhà trí thức trong dàn lãnh đạo. Ông đã làm cố vấn và nhà tư tưởng cho ba đời chủ tịch nước liên tiếp của Trung Quốc, từ Giang Trạch Dân trở đi. Như Yi Wang đã viết trên tờ The Diplomat năm 2017, quá trình thăng tiến trong chính giới của Vương Hỗ Ninh đã đi ngược lại xu hướng điển hình – “thăng tiến dần dần qua các cấp bậc quan chức chính thức.” Ngược lại, “ảnh hưởng của ông có phần khó thấy và lan tỏa hơn, sử dụng sức mạnh của ý tưởng và khả năng thuyết phục của ông, thay vì sử dụng vũ lực và quyền lực cứng, vốn là điều phổ biến trong chính trị chuyên chế. Ông được ghi nhận là người đứng sau các tuyên ngôn ý thức hệ của ba thế hệ lãnh đạo liên tiếp, từ “Ba Đại diện” của Giang Trạch Dân, đến “Quan điểm Phát triển Khoa học” của Hồ Cẩm Đào, và “Trung Hoa mộng” của Tập Cận Bình.
“Thể diện” mà nhiều người cho rằng Tập đã đánh mất khi thay đổi đường lối ứng phó quốc gia đối với Covid-19 có thể là kết quả của việc sáu ủy viên đã thuyết phục Tập từ bỏ vị trí lãnh đạo chính sách Covid. Sau cùng, sự lựa chọn là ở Tập, nhưng các đồng nghiệp của ông trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị cũng nắm giữ quyền lực rất lớn, và cùng với nhau, nếu không muốn nói là từng cá nhân các vị ủy viên, có thể gây ảnh hưởng.
Hậu quả đối với Tập và các đồng minh thân cận nhất của ông là gì? Họ sẽ phải trả cái giá chính trị nào, nếu có, cho việc phong tỏa dân số khổng lồ của Trung Quốc suốt ba năm để tìm cách ngăn virus lây lan, để rồi giờ đây, chỉ trong vòng vài tuần, hàng triệu ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày trên khắp đất nước, các bệnh viện phải vật lộn để đối phó, và hàng nghìn ca tử vong đã được báo cáo?
Câu trả lời có lẽ là một cái giá thấp hơn so với việc áp dụng các hạn chế hà khắc nhất để chống Covid. Bằng cách chuyển trách nhiệm sang cho các cơ quan y tế và người dân, công dân Trung Quốc giờ đây sẽ tập trung vào việc giữ cho bản thân an toàn và khỏe mạnh – như phần còn lại của thế giới đã làm trong năm 2020 và 2021 – vì thế không còn năng lượng để lên tiếng hoặc tham gia vào hoạt động chính trị.
Thật vậy, thiệt hại từ lệnh phong tỏa của Trung Quốc, cả về kinh tế cũng như tâm lý, có thể sẽ phai nhạt trong tâm trí người dân, vì giờ đây họ phải đối mặt với hậu quả khủng khiếp hơn khi làn sóng lây nhiễm lan rộng: mất gia đình và bạn bè.
Không nghi ngờ gì, điều này đã được Ban Thường vụ tính toán trước. Nếu các đồng chí của Tập trong Ban Thường vụ đủ mạnh để giành quyền kiểm soát cách thức đối phó với Covid từ tay ông, thì sẽ rất thú vị nếu chúng ta thử ngẫm xem họ nắm giữ bao nhiêu quyền lực đối với các vấn đề quan trọng khác, thứ quyền lực thường chỉ được trao cho một mình Tập. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực trong Ban Thường vụ, nhưng dường như ông cũng đã tạo ra một lực lượng có thể nhẹ nhàng kiềm chế những hành vi thái quá của chính ông. Sự đảo ngược chính sách zero-Covid của Trung Quốc đã cho thấy điều đó, và nhiều khả năng Vương Hỗ Ninh đã để lại dấu ấn trong chính sách mới.
T.P