Việc chấm dứt chiến lược zero-Covid và đảo ngược chính sách đối với lĩnh vực bất động sản được xem là khởi đầu tốt cho kinh tế Trung Quốc năm 2023. Bước tiếp theo cần làm là phục hồi sức mua của các hộ gia đình.
Bước ngoặt của Trung Quốc trong chính sách về COVID là một dấu mốc quan trọng. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế lên gần mức 6% như giai đoạn tiền đại dịch.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các cố vấn kinh tế hàng đầu gần như đã gạt vấn đề COVID sang một bên khi tổ chức cuộc họp tại Bắc Kinh trong tháng 12/2022 để tập trung vào kế hoạch vực dậy nền kinh tế trong năm 2023.
“Chủ tịch Tập rất quyết tâm trong việc vực dậy đà tăng trưởng,” Yao Yang, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia, một viện chính sách đang tư vấn cho chính phủ Trung Quốc, cho hay.
Mặc dù một làn sóng ca nhiễm mới đang lây lan khắp cả nước – làm kìm hãm hoạt động kinh tế, hiện tượng lao động vắng mặt tại các nhà máy và văn phòng tăng lên – các nhà kinh tế học vẫn kỳ vọng rằng những hiệu ứng tiêu cực xuất phát từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Giới chuyên gia tin rằng số ca nhiễm COVID-19 sẽ đạt đỉnh trong vòng vài tháng và, như từng diễn ra ở Hong Kong và Đài Loan trong năm ngoái, chi tiêu hộ gia đình sẽ lấy lại sức bật nhanh chóng sau đó. Nhưng vấn đề thực sự nằm ở tốc độ của sự hồi phục này.
‘Chìa khóa’ tăng trưởng
Theo ước tính trung vị của các nhà kinh tế học mà Bloomberg khảo sát, tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 của Trung Quốc có thể ở mức 4,9%. Con số này nằm trong khoảng 4,5-5,5% mà các cố vấn của chính phủ Trung Quốc đã khuyến nghị.
Để thúc đẩy đà tăng trưởng, chính phủ cần phải thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng thêm khoảng 6%, theo ông Yao. “Đó có phải mục tiêu dễ dàng? Chắc chắn là không,” ông nói.
Một trong số những hiệu ứng tích cực của chính sách zero-COVID chính là việc các hộ gia đình Trung Quốc có được khoản tiết kiệm trong năm 2022, bởi họ không thể đi du lịch hay chi tiêu cho các mục đích giải trí khác: 13,2 nghìn tỉ NDT (1,9 nghìn tỉ USD) tiền gửi ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2022. Đây là con số lớn hơn cả GDP hàng năm của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, tiền tiết kiệm phần lớn bắt nguồn từ người giàu, và họ rất có thể dùng số tiền đó để đầu tư thay vì để mua hàng hóa và dịch vụ.
Niềm tin và hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng đã chịu cú sốc trong năm 2022 do các lệnh phong tỏa và việc chính phủ kiểm soát nghiêm ngặt lĩnh vực bất động sản và công nghệ. Lương ở các khu vực đô thị của Trung Quốc chỉ tăng 2,2%, đã điều chỉnh theo lạm phát, trong 9 tháng đầu năm 2022. Tình trạng người trẻ thất nghiệp lên tới gần 20%. Chính những căng thẳng về kinh tế này đã giúp chính phủ nhận ra rằng họ phải thay đổi chính sách zero-COVID.
Mặc dù những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được nhanh chóng gỡ bỏ, nhưng tâm lý bất trắc của người tiêu dùng vẫn còn đó.
Sau 3 năm tăng trưởng trong thu nhập bị kìm hãm, sẽ phải mất thời gian để thuyết phục các hộ gia đình Trung Quốc rằng tương lai sẽ tốt hơn nhiều so với trước đây,” Houze Song, nhà kinh tế học đến từ MacroPolo, cho hay.
Kích thích tiêu dùng, cách nào?
Chi tiêu tiêu dùng suy yếu, cộng với nhu cầu hàng xuất khẩu Trung Quốc của châu Âu và Mỹ giảm, sẽ khiến chính quyền Bắc Kinh phải tìm cách tăng tiêu thụ trong năm 2023.
Một biện pháp mà họ chắc chắn sẽ áp dụng là chi tiền cho cơ sở hạ tầng, mà theo một số nhà kinh tế học dự báo là sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2023, tức gấp đôi so với tiền đại dịch. Giới chức Trung Quốc cũng sẽ kêu gọi các ngân hàng trong nước cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho doanh nghiệp để họ có thể thuê nhân công và đầu tư.
Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc dường như đang quyết tâm đứng về phía các doanh nghiệp, ngay cả các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Điều này sẽ giúp tăng tỷ lệ có việc làm và tăng lương.
Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, ngân hàng trung ương sẽ giữ lãi suất ở mức thấp hoặc có thể là giảm lãi suất, ngay trong khi các đối tác của họ ở châu Âu và Mỹ tiếp tục nâng lãi suất.
Ông Yao cho rằng, Trung Quốc sẽ cần phải tiếp tục kiến tạo sức bật trong hoạt động tiêu dùng. Một trong số các biện pháp là đảo ngược chính sách và kích thích xây dựng trong lĩnh vực bất động sản. Nhiều quan chức hiện đã muốn ngừng nỗ lực chặn nguồn vốn đổ tới các doanh nghiệp bất động sản và giảm cho vay thế chấp đối với các hộ gia đình. Nhưng điều đó là chưa đủ để làm tăng doanh số bán căn hộ, vốn đã giảm 31% trong tháng 11/2022, so với cùng thời điểm năm trước đó.
Sự kết thúc của zero-COVID có thể thúc đẩy ngành bất động sản đôi chút, do di chuyển từ vùng nông thôn lên thành phố được nối lại. Và khi nguồn thu nhập phục hồi lại, sẽ có thêm chủ sở hữu nhà ở Trung Quốc muốn nâng cấp ngôi nhà của họ.
Tại cuộc họp về chính sách kinh tế trong tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cho hay họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản “thay đổi mô hình kinh doanh.” Điều này có thể là tín hiệu cho thấy sự kết thúc của mô hình thu lợi nhuận đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua của các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc: Bán trước, xây sau.
Trong vài tháng qua, các ngân hàng ở Trung Quốc cũng công bố khoản tiền cho vay 2,7 nghìn tỉ NDT dành cho các doanh nghiệp lớn, theo hãng tin Caixin. “Chúng tôi cho rằng, điều này sẽ tạo nền móng để các doanh nghiệp thoát khỏi mô hình bán trước nhà ở,” Andrew Polk, đồng sáng lập hãng tư vấn Trivium, nói. “Doanh số sẽ không dẫn dắt việc xây dựng. Mà xây dựng sẽ dẫn dắt doanh số.”
Những tín hiệu trên đều là tích cực, tuy nhiên, ông Yao cho rằng chính quyền Bắc Kinh cần phải nhanh chóng thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình để nâng đà tăng trưởng trở lại mức 6%.
Cách chắc chắn nhất để làm như vậy là đưa ra gói hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình, điều mà một số chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc đã kêu gọi thực hiện kể từ khi bắt đầu đại dịch. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc từ lâu đã bác bỏ ý tưởng hỗ trợ trực tiếp như vậy.
T.P