Tại sao giải pháp tốt nhất là không đưa ra giải pháp nào cả?
70 năm qua, Trung Quốc và Mỹ đã tránh được thảm họa tại Đài Loan. Nhưng có một sự đồng thuận đang hình thành trong giới hoạch định chính sách Mỹ, rằng nền hòa bình này có lẽ sẽ không kéo dài thêm nữa. Hiện nay, nhiều nhà phân tích và hoạch định chính sách cho rằng Mỹ phải sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự để chuẩn bị cho một cuộc chiến với Trung Quốc ở Eo biển Đài Loan. Tháng 10/2022, Mike Gilday, người đứng đầu Hải quân Mỹ, cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang chuẩn bị xâm lược Đài Loan trước năm 2024. Nhiều thành viên của Quốc hội Mỹ, gồm Hạ nghị sĩ Dân chủ Seth Moulton và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Mike Gallagher, cũng chia sẻ quan điểm của Gilday.
Có những lý do hợp lý để Mỹ tập trung vào việc bảo vệ Đài Loan. Quân đội Mỹ bị ràng buộc bởi Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979: duy trì năng lực ngăn chặn việc sử dụng vũ lực hoặc cưỡng chế đối với Đài Loan. Washington cũng có những lý do chiến lược, kinh tế, và đạo đức mạnh mẽ để giúp hòn đảo đứng vững. Là một nền dân chủ hàng đầu ở trung tâm châu Á, Đài Loan nắm giữ vị trí cốt lõi của chuỗi giá trị toàn cầu. An ninh của hòn đảo là một lợi ích cơ bản của Mỹ.
Tuy nhiên, Washington đang phải đối mặt với một vấn đề chiến lược có chứa yếu tố quân sự, không phải là một vấn đề quân sự với một giải pháp quân sự. Người Mỹ càng giới hạn trọng tâm trong lĩnh vực quân sự, thì rủi ro đối với lợi ích của chính họ, cũng như lợi ích của các đồng minh và chính Đài Loan sẽ càng lớn. Trong khi đó, các trò chơi chiến tranh được tổ chức tại Lầu Năm Góc và các viện chính sách ở Washington có nguy cơ chuyển hướng sự tập trung khỏi các đe dọa và thách thức lớn nhất trong ngắn hạn đến từ Bắc Kinh.
Thước đo duy nhất để đánh giá chính sách của Mỹ là liệu nó có giúp duy trì hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan hay không – chứ không phải liệu nó có giải quyết được vấn đề Đài Loan một lần và mãi mãi, hay giữ Đài Loan vĩnh viễn đứng về phe của Mỹ hay không. Khi được nhìn nhận theo cách này, mục đích thực sự sẽ hiện rõ: thuyết phục các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh và Đài Bắc rằng thời gian đang đứng về phía họ, góp phần ngăn chặn xung đột. Mọi hành động của Mỹ nên hướng tới mục tiêu đó.
Để bảo vệ hòa bình, Mỹ phải hiểu điều gì sẽ khiến Trung Quốc bất an, đảm bảo rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không bị dồn vào chân tường, và thuyết phục Bắc Kinh tin rằng thống nhất thuộc về một tương lai xa. Mỹ cũng phải hiểu rõ tính toán hiện tại của Bắc Kinh, vượt ra ngoài suy đoán đơn giản và thiếu chính xác rằng Tập đang đẩy nhanh kế hoạch xâm chiếm Đài Loan. Hỗ trợ cho Đài Loan không chỉ nhằm tăng cường an ninh của hòn đảo, mà còn tăng cả tính dẻo dai và sự thịnh vượng của nó. Hỗ trợ Đài Loan cũng sẽ đòi hỏi các khoản đầu tư mới của Mỹ vào các công cụ mang lại lợi ích cho hòn đảo ngoài lĩnh vực quân sự, bao gồm một chiến lược răn đe toàn diện hơn để đối phó với các chiến thuật vùng xám mang tính cưỡng chế của Bắc Kinh. Các nhà phê bình có thể cho rằng cách tiếp cận này né tránh câu hỏi hóc búa vốn là gốc rễ của cuộc đối đầu, nhưng đó chính xác là điều nên làm: đôi khi, chính sách tốt nhất là tránh lao đầu vào những thách thức không thể giải quyết, thay vào đó, hãy trì hoãn việc ra quyết định.
THAY ĐỔI NGOẠN MỤC
Trong những năm cuối cùng của Nội chiến Trung Quốc 1945-1949, phe Quốc Dân Đảng thua trận đã rút về Đài Loan, thiết lập một hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ vào năm 1954. Tuy nhiên, vào năm 1979, Washington đã cắt đứt quan hệ với hòn đảo để có thể bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh. Kể từ đó, người Mỹ cố gắng giữ hòa bình ở Eo biển Đài Loan bằng cách ngăn chặn hai hành động có thể kích động xung đột: tuyên bố độc lập của Đài Bắc và quyết định thống nhất bằng vũ lực của Bắc Kinh. Đã có những lúc Mỹ kiềm chế Đài Loan vì lo ngại hòn đảo đang tiến quá gần đến nền độc lập. Năm 2003, Tổng thống George W. Bush đứng cạnh Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và công khai phản đối “các bình luận và hành động” do Đài Bắc đề xuất mà Mỹ cho là sẽ gây bất ổn. Trong những trường hợp khác, Mỹ lại phô trương sức mạnh quân sự của mình trước Bắc Kinh, chẳng hạn như trong Khủng hoảng Eo biển Đài Loan 1995-1996, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton gửi một tàu sân bay đến vùng biển ngoài khơi Đài Loan để đáp trả các vụ thử tên lửa của Trung Quốc.
Những tuyên bố trấn an cũng có vai trò quan trọng trong cách tiếp cận của Mỹ. Đối với Đài Loan, Mỹ đã đưa ra một cam kết chính thức theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 nhằm “duy trì và thúc đẩy các mối quan hệ sâu rộng, gần gũi, và thân thiện về thương mại, văn hóa, cũng như các lĩnh vực khác” với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo “những vũ khí có tính chất phòng thủ.” Đối với Bắc Kinh, Mỹ luôn tuyên bố không ủng hộ nền độc lập của Đài Loan, kể cả trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2022. Mục tiêu là tạo không gian cho Bắc Kinh và Đài Bắc trì hoãn xung đột vô thời hạn, hoặc đạt được một giải pháp chính trị nào đó.
Suốt hàng chục năm, cách tiếp cận này đã hoạt động hiệu quả nhờ ba yếu tố. Thứ nhất, Mỹ đã duy trì lợi thế lớn so với Trung Quốc về sức mạnh quân sự, khiến Bắc Kinh không muốn dùng lực lượng thông thường để thay đổi đáng kể mối quan hệ giữa hai bờ eo biển. Thứ hai, Trung Quốc đã chủ yếu tập trung vào phát triển kinh tế và hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, tạm gác lại vấn đề Đài Loan. Thứ ba, Mỹ đã khéo léo xử lý các thách thức đối với sự ổn định ở eo biển, cho dù chúng bắt nguồn từ Đài Bắc hay Bắc Kinh, qua đó dập tắt mọi nguy cơ nổ ra xung đột.
Tuy nhiên, chí ít là trong 10 năm qua, cả ba yếu tố này đã thay đổi ngoạn mục. Có lẽ sự thay đổi rõ ràng nhất là việc quân đội Trung Quốc phát triển đáng kể năng lực của mình, nhờ vào hàng thập niên tăng cường đầu tư và cải cách. Năm 1995, khi Mỹ điều tàu USS Nimitz tiến về phía Eo biển Đài Loan, tất cả những gì Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) có thể làm là đứng nhìn trong sự phẫn nộ. Từ đó đến nay, khoảng cách giữa quân đội hai nước đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt là ở vùng biển ngoài khơi Trung Quốc. Giờ đây, Bắc Kinh có thể dễ dàng tấn công các mục tiêu ở vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan, tấn công các tàu sân bay của Mỹ đang hoạt động trong khu vực, gây khó khăn cho các thiết bị trong không gian của Mỹ, và đe dọa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả những căn cứ ở đảo Guam và Nhật Bản. Do PLA có ít kinh nghiệm tác chiến thực, nên chưa thể đánh giá chính xác năng lực của họ. Dù vậy, khả năng triển khai lực lượng ấn tượng của PLA đã giúp Bắc Kinh tự tin rằng trong trường hợp xảy ra xung đột, họ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các lực lượng của Mỹ và Đài Loan đang hoạt động quanh hòn đảo.
Cùng với việc nâng cấp quân đội, Bắc Kinh giờ đây sẵn sàng gây rối với Mỹ và các nước khác hơn bao giờ hết, để theo đuổi những tham vọng rộng lớn hơn. Bản thân Tập Cận Bình đã tích lũy được quyền lực lớn hơn hẳn những người tiền nhiệm của mình, và dường như ông cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn hơn khi nói đến Đài Loan.
Cuối cùng, Mỹ đã từ bỏ việc giả vờ là trọng tài quốc tế, cam kết duy trì hiện trạng và cho phép hai bên đi đến giải pháp hòa bình của riêng họ. Hiện tại, trọng tâm của Mỹ chuyển sang chống lại mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Đài Loan. Phản ánh sự thay đổi này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nói rằng Mỹ sẽ can thiệp quân sự về phía Đài Loan trong một cuộc xung đột xuyên eo biển.
CHUẨN BỊ XÂM LƯỢC?
Nguyên nhân khiến chính sách của Mỹ thay đổi là một lập luận được lặp đi lặp lại, rằng Tập đã quyết định tiến hành xâm lược hoặc phong tỏa Đài Loan trong tương lai gần. Năm 2021, Đô đốc Philip Davidson, khi đó là người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, đã dự đoán rằng Bắc Kinh có thể có động thái chống lại Đài Loan “trong sáu năm tới”. Cùng năm đó, nhà khoa học chính trị Oriana Skylar Mastro viết trên Foreign Affairs rằng “đã có những tín hiệu đáng lo ngại cho thấy Bắc Kinh đang xem xét lại cách tiếp cận hòa bình và dự tính thống nhất bằng vũ lực.” Tháng 8/2022, cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby cũng viết trên Foreign Affairs rằng Mỹ phải chuẩn bị cho một cuộc chiến sắp xảy ra nhắm vào Đài Loan. Tất cả những phân tích này đều dựa trên phán đoán của các tác giả về năng lực quân sự mở rộng của Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia này đã thất bại trong việc giải thích lý do tại sao Trung Quốc vẫn chưa sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, dù nước này đã vượt xa hòn đảo về sức mạnh quân sự.
Về phần mình, Bắc Kinh duy trì thông điệp rằng quan hệ giữa hai bờ eo biển đang đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục nói với người dân rằng thời gian đang đứng về phía họ, và cán cân quyền lực đang ngày càng nghiêng về phía Bắc Kinh. Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh vào tháng 10/2022, Tập tuyên bố rằng “thống nhất trong hòa bình” vẫn là “cách tốt nhất để đạt được thống nhất xuyên Eo biển Đài Loan,” và rằng Bắc Kinh đã “duy trì sáng kiến và khả năng điều hướng các quan hệ xuyên eo biển.”
Tuy nhiên, cùng lúc đó, Bắc Kinh tin rằng Mỹ gần như đã từ bỏ chính sách “một Trung Quốc,” trong đó Washington thừa nhận lập trường của Trung Quốc rằng chỉ có một Trung Quốc và Đài Loan là một phần của đại lục. Thay vào đó, trong con mắt của Bắc Kinh, Mỹ đã bắt đầu sử dụng Đài Loan như một công cụ để làm suy yếu và chia rẽ Trung Quốc. Xu hướng chính trị nội bộ của Đài Loan cũng khuếch đại những lo lắng của Trung Quốc. Quốc Dân Đảng có truyền thống thân Bắc Kinh đã bị gạt ra ngoài lề, còn Đảng Dân Tiến chủ trương độc lập lại nắm giữ quyền lực. Đồng thời, dư luận Đài Loan thể hiện sự khó chịu với công thức hòa giải chính trị ưa thích của Bắc Kinh, chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Trung Quốc cai trị Đài Loan nhưng cho phép Đài Bắc giữ một số quyền tự quản về kinh tế và hành chính. Dư luận Đài Loan đặc biệt hoài nghi về ý tưởng này kể từ năm 2020, khi Bắc Kinh hủy bỏ lời hứa trao cho Hong Kong “mức độ tự trị cao” cho đến năm 2047 bằng cách áp đặt luật an ninh quốc gia hà khắc. Trong các tuyên bố cấp cao, Bắc Kinh đã nhắc lại rằng “thời gian và động lực” đang đứng về phía họ. Nhưng đằng sau vẻ ngoài tự tin, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có lẽ đã hiểu rằng công thức “một quốc gia, hai chế độ” của họ không được ủng hộ ở Đài Loan, và xu hướng dư luận trên hòn đảo đang đi ngược lại tầm nhìn của Trung Quốc về gia tăng hội nhập xuyên eo biển.
Đài Bắc cũng đang trong tình trạng cấp bách, do các quan ngại về sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh và nỗi lo thường trực rằng sự hỗ trợ của Mỹ có thể giảm bớt nếu Washington chuyển sự chú ý sang nơi khác, hoặc người Mỹ quay lưng lại với các cam kết ở nước ngoài. Khẩu hiệu mới từ chính quyền của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn – “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai” – vừa phản ánh chân thực những lo lắng của Đài Bắc về cuộc xâm lược của Trung Quốc, vừa là một nỗ lực nhằm kêu gọi sự ủng hộ vượt ra ngoài những biến động địa chính trị hiện tại. Nói cách khác, điều mà Bắc Kinh, Đài Bắc, và Washington dường như đồng ý với nhau là thời gian đang chống lại họ.
Ở một mức độ nào đó, cảm giác cấp bách này có cơ sở thực tế. Bắc Kinh có tham vọng rõ ràng và lâu dài nhằm sáp nhập Đài Loan và đã công khai đe dọa sử dụng vũ lực nếu họ kết luận rằng cánh cửa thống nhất trong hòa bình đã bị đóng lại. Trong một số trường hợp, lập luận của Bắc Kinh rằng Mỹ không còn tuân thủ các diễn giải về vấn đề Đài Loan là chính xác. Và về phần mình, Đài Bắc đã đúng khi lo lắng rằng Bắc Kinh đang đặt nền móng để bao vây hoặc chiếm Đài Loan. Nhưng những lo lắng của người Mỹ lại tăng lên vì những phân tích cẩu thả; các ví dụ bao gồm những khẳng định rằng Trung Quốc có thể lợi dụng việc Mỹ tập trung vào Ukraine để chiếm Đài Loan bằng vũ lực, hoặc Trung Quốc đang hành động theo một lịch trình cố định nhằm chinh phục hòn đảo bằng quân sự. Ví dụ đầu tiên trong số này đã bị thực tế bác bỏ, còn ví dụ thứ hai cho thấy có sự giải thích sai chiến lược của Trung Quốc.
Trên thực tế, không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Trung Quốc có một lịch trình cố định để chiếm Đài Loan, và nỗi lo ngày càng tăng ở Washington chủ yếu là do năng lực quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc, chứ không phải vì có dấu hiệu nào cho thấy Tập đang chuẩn bị tấn công hòn đảo. Theo Bill Burns, Giám đốc CIA, Tập đã ra lệnh cho quân đội chuẩn bị cho xung đột vào năm 2027; Burns cũng tuyên bố rằng tiến trình thống nhất với Đài Loan là một yêu cầu để hiện thực hóa “công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa” – đã được Tập đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2049. Nhưng bất kỳ mục tiêu nào có thời hạn trong vòng 30 năm tới cũng chỉ là tham vọng. Giống như các nhà lãnh đạo ở khắp mọi nơi, Tập muốn bảo vệ quyền tự do hành động của mình trong vấn đề chiến tranh và hòa bình, và sẽ không tự nhốt mình vào những kế hoạch mà ông không thể thoát ra được. Giới lãnh đạo Trung Quốc dường như đang chi tiêu mạnh tay hơn để đảm bảo một giải pháp quân sự cho vấn đề Đài Loan, nên Mỹ và Đài Loan không được phép tự mãn. Tuy nhiên, theo cách tương tự, sẽ là sai lầm khi kết luận rằng tương lai được báo trước và xung đột là không thể tránh khỏi.
Việc tập trung vào các kịch bản xâm lược sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ phát triển giải pháp cho các mối đe dọa ngắn hạn sai lầm. Các quan chức quốc phòng thích chuẩn bị cho các cuộc phong tỏa và xâm lược, vì những kịch bản như vậy là phù hợp nhất với năng lực của người Mỹ, đồng thời dễ hình dung và lập kế hoạch nhất. Nhưng cần nhắc lại rằng, trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã từng chọn các phương án khác ngoài chiếm đóng quân sự để đạt được mục tiêu của họ, chẳng hạn như xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và sử dụng luật pháp ở Hong Kong. Thật vậy, Đài Loan đã tự bảo vệ mình trước nhiều cuộc tấn công vùng xám của Trung Quốc suốt những năm qua, bao gồm các cuộc tấn công mạng, can thiệp vào chính trị bầu cử của Đài Loan, và tiến hành tập trận quân sự nhằm làm suy yếu niềm tin của hòn đảo vào khả năng phòng thủ của chính họ và uy tín của người Mỹ. Phản ứng của Trung Quốc trước chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8/2022 đã cho thấy nỗ lực của nước này nhằm khiến Đài Loan mất niềm tin vào khả năng tự vệ của họ. Sau chuyến thăm, Bắc Kinh lần đầu tiên phóng tên lửa qua Đài Loan, tiến hành các chiến dịch không quân chưa từng có ở đường trung tuyến Eo biển Đài Loan, và mô phỏng việc phong tỏa các cảng chính của Đài Loan.
Dù mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan là có thật, nhưng nó không phải là thách thức duy nhất – hoặc gần nhất – mà hòn đảo này phải đối mặt. Bằng cách chỉ giới hạn các mối đe dọa đối với Đài Loan trong các vấn đề quân sự, Mỹ có nguy cơ phạm phải hai sai lầm nghiêm trọng: thứ nhất, bảo vệ hòn đảo quá mức theo cách làm leo thang căng thẳng thay vì ngăn chặn xung đột; và thứ hai, không nhận ra các vấn đề chiến lược rộng lớn hơn mà hòn đảo có thể sẽ phải đối mặt. Bắc Kinh đã chặn đứng các liên kết của Đài Loan với phần còn lại của thế giới và cố gắng thuyết phục người dân Đài Loan rằng lựa chọn duy nhất để tránh bị tàn phá là một nền hòa bình theo các điều khoản của Bắc Kinh. Đây không phải là một giả thuyết của tương lai. Nó đã là một thực tế hàng ngày. Và bằng cách thổi phồng mối đe dọa về một cuộc xâm lược của Trung Quốc, các nhà phân tích và quan chức Mỹ đang vô tình làm thay công việc của ĐCSTQ bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi ở Đài Loan. Họ cũng đang gửi tín hiệu tới các công ty và nhà đầu tư toàn cầu rằng hoạt động trong và xung quanh Đài Loan nhiều khả năng sẽ khiến họ bị cuốn vào một cuộc xung đột quân sự.
Một sai lầm khác là cho rằng xung đột là không thể tránh khỏi. Bằng giả định này, Mỹ và Đài Loan tự ràng buộc mình phải chuẩn bị bằng mọi cách có thể cho cuộc xung đột sắp xảy ra, theo đó khơi mào dẫn đến chính kết quả mà họ muốn ngăn chặn. Nếu Mỹ dồn Trung Quốc vào chân tường bằng cách cho đóng quân thường trực tại Đài Loan, hoặc đưa ra một cam kết phòng thủ chung chính thức khác với Đài Bắc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bị áp lực từ chủ nghĩa dân tộc và có những hành động quyết liệt có thể tàn phá hòn đảo.
Hơn nữa, đơn phương mạo hiểm gây chiến với Mỹ vì Đài Loan là điều không tương thích với đại chiến lược của Tập Cận Bình. Tầm nhìn của ông là khôi phục vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Trung Quốc, và biến nước này, như lời ông nói, thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại.” Do đó, hai mục tiêu chiếm giữ Đài Loan và khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu đang mâu thuẫn trực tiếp với nhau. Bất kỳ xung đột nào xoay quanh Đài Loan cũng sẽ là thảm họa cho tương lai của Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh hành động quân sự ở Đài Loan, đó sẽ là lời cảnh báo cho phần còn lại của khu vực rằng Trung Quốc sẵn sàng tham chiến để đạt được các mục tiêu của mình, nhiều khả năng sẽ khiến các nước châu Á khác vũ trang và liên kết lại để ngăn chặn sự thống trị của Trung Quốc. Xâm lược Đài Loan cũng sẽ gây nguy hiểm cho khả năng tiếp cận tài chính, dữ liệu, và thị trường toàn cầu của Bắc Kinh – điều rất nguy hiểm đối với một quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, thực phẩm, và chất bán dẫn.
Ngay cả khi họ có thể xâm chiếm và giữ được Đài Loan thành công, Bắc Kinh sau đó sẽ phải đối mặt với vô số vấn đề. Nền kinh tế của Đài Loan sẽ bị tàn phá, bao gồm ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu vô cùng giá trị của hòn đảo. Vô số thường dân sẽ chết hoặc bị thương, trong khi những người sống sót sau xung đột ban đầu sẽ trở nên thù địch với quân xâm lược. Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt ngoại giao chưa từng có. Xung đột ngay ngoài khơi bờ biển phía đông của Trung Quốc sẽ cản trở một trong những hành lang hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, kéo theo những hậu quả tai hại cho nền kinh tế định hướng xuất khẩu của chính Trung Quốc. Tất nhiên, bằng cách xâm chiếm Đài Loan, Trung Quốc sẽ khiến Mỹ và có lẽ cả các cường quốc khác trong khu vực, gồm Nhật Bản, sử dụng sức mạnh quân sự. Và điều đó đồng nghĩa với một chiến thắng có cái giá quá đắt khiến nó trở nên vô nghĩa.
Những thực tế này ngăn cản Trung Quốc tích cực xem xét lựa chọn xâm lược. Tập Cận Bình, giống như tất cả những người tiền nhiệm của mình, muốn trở thành nhà lãnh đạo sáp nhập Đài Loan. Nhưng trong hơn 70 năm qua, Bắc Kinh đã đi đến kết luận rằng cái giá phải trả cho một cuộc xâm lược vẫn còn quá cao, và điều này giải thích lý do Trung Quốc chủ yếu dựa vào các biện pháp kinh tế, và gần đây hơn, là các biện pháp cưỡng chế vùng xám. Thay vì có một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng để đạt được sự thống nhất, trên thực tế, Bắc Kinh đang bị mắc kẹt trong một ngõ cụt chiến lược. Sau khi Bắc Kinh chà đạp lên quyền tự trị của Hong Kong, chẳng còn ai tin rằng Trung Quốc có thể giải quyết khủng hoảng eo biển bằng chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Hy vọng của Trung Quốc rằng sức mạnh kinh tế sẽ đủ để buộc Đài Bắc ngồi vào bàn đàm phán cũng đã bị tiêu tan, nhờ những thành công kinh tế của Đài Loan và sự quản lý kinh tế yếu kém của Tập Cận Bình.
Một cuộc xâm lược Đài Loan sẽ không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số này. Tập chỉ mạo hiểm nếu ông tin rằng mình không còn lựa chọn nào khác. Và không có dấu hiệu nào cho thấy ông sắp đưa ra kết luận như vậy. Mỹ nên cố gắng duy trì tình trạng này. Tập không có bài phát biểu nào giống với những bài phát biểu đầy đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin trước thềm cuộc xâm lược Ukraine. Không thể loại trừ khả năng Tập có thể tính toán nhầm lẫn hoặc mắc sai lầm dẫn đến một cuộc xung đột. Nhưng những tuyên bố và hành vi của ông không cho thấy rằng ông sẽ hành động liều lĩnh như vậy.
T.P