Monday, December 23, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ cuối)

Như vậy có 3 căn cứ khác nhau, căn cứ này độc lập với căn cứ kia, theo đó Việt Nam có thể đòi hỏi một cách vững chắc một khu vực thềm lục địa đáng kể bao gồm cả bãi ngầm Tư Chính – hoặc phần lớn vùng đó (căn cứ số 1, “Khoảng cách tối thiểu 200 hải lý”, ở trên) hoặc toàn bộ vùng đó (các căn cứ số 2 và 3, “Sự kéo dài tự nhiên ra ngoài 200 hải lý” và “Đường cách đều giữa các bờ biển đối diện nhau”, ở trên).

Học giả Trung Quốc phân tích sự đuối lý của “Đường lưỡi bò”

Từ đó, có thể đi đến kết luận rằng, tòa án với thẩm quyền hoạch định ranh giới thềm lục địa trên toàn bộ Biển Đông sẽ thừa nhận các ranh giới thể hiện trên Hình 4 hoặc các ranh giới tương tự như thế.

Như vậy có 3 căn cứ khác nhau, căn cứ này độc lập với căn cứ kia, theo đó Việt Nam có thể đòi hỏi một cách vững chắc một khu vực thềm lục địa đáng kể bao gồm cả bãi ngầm Tư Chính – hoặc phần lớn vùng đó (căn cứ số 1, “Khoảng cách tối thiểu 200 hải lý”, ở trên) hoặc toàn bộ vùng đó (các căn cứ số 2 và 3, “Sự kéo dài tự nhiên ra ngoài 200 hải lý” và “Đường cách đều giữa các bờ biển đối diện nhau”, ở trên). So với yêu sách của Trung Quốc, rõ ràng đòi hỏi của Việt Nam là có sức mạnh. Về khu vực Thanh Long, Trung Quốc không có cơ sở hợp lý nào cho bất kỳ một yêu sách nào đối với khu vực đó, và đòi hỏi của Việt Nam có cơ sở rất vững chắc; và nó sẽ được ủng hộ tại bất kỳ một tòa án nào.

IV – NHỮNG TRIỂN VỌNG ĐỂ GIẢI QUYẾT CUỘC TRANH CHẤP

Đã có nhiều lời kêu gọi về thương lượng ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Chẳng hạn, chính quyền Nam Việt Nam, trong khi đề cập công khai đến cuộc tranh chấp về các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đã công bố tại phiên họp toàn thể của Hội nghị Luật biển lần thứ III ở Caracat (Venezuela) năm 1974 rằng, họ mong muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này. Trong cuộc đàm phán Trung – Việt năm 1979, Trung Quốc đã kêu gọi về một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp giữa hai nước. Như đã đề cập ở trên, ngày 23-7-1992, Hội nghị hằng năm của các nước ASEAN tại Manila (Philippines), các Ngoại trưởng đã đưa ra một bản Tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột này.

Mặc dù có các cuộc đàm phán song phương và đa phương đang tiến hành giữa các nước trong khu vực – gồm cả cuộc họp của Diễn đàn khu vực ASEAN mới (mà Việt Nam và Trung Quốc là thành viên) tại Bangkok (Thái Lan) trong tháng 7-1994, Hội nghị về Biển Đông lần thứ V trong tháng 10-1994 tại Indonesia, và các hoạt động nhộn nhịp của các nước ASEAN sau những chuyện rắc rối ở bãi đá Vành Khăn hồi đầu năm 1995 – không có nguồn tin công khai nào cho rằng sẽ có một giải pháp hòa bình cho vấn đề này. Thật vậy, giữa năm 1994, giới báo chí quốc tế đã dự kiến rằng cuộc xung đột này đang ngày càng bị hun nóng và có vẻ sẽ dẫn đến hành động quân sự hơn là giải pháp hòa bình – là giải pháp mà các nước liên quan mong muốn. Sự kiện xảy ra ở bãi đá Vành Khăn giữa Trung Quốc và Philippines trong mùa xuân năm 1995 đã khẳng định vấn đề này và mở đầu cho cơn lũ reo rắc hoang mang lo sợ mới.

Tất nhiên, bất kỳ một cuộc tranh chấp nào, kể cả giữa Việt Nam và Trung Quốc, đều có thể đưa lên Tòa án quốc tế hay một tòa án trọng tài đặc biệt (ad hoc) để tìm một giải pháp bắt buộc. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận hình thức tài phán đó. Trung Quốc đã kiên trì và tuyên bố nhấn mạnh rằng, chính sách của họ là giải quyết các xung đột với các nước khác bằng đàm phán song phương chứ không chấp nhận các thủ tục dàn xếp của bên thứ ba. Hơn nữa, Trung Quốc cũng sơ bộ đánh giá được nhược điểm quá rõ về cơ sở pháp lý yêu sách của họ ở Biển Đông và tính không vững chắc của các yêu sách đó khi phải chống chọi, nếu cuộc tranh chấp này được giải quyết trên cơ sở tôn trọng và áp dụng luật pháp quốc tế.

Dĩ nhiên, còn có một loạt các cách thức mà qua đó các quốc gia có thể yêu cầu bên thứ ba giúp đỡ để giải quyết các cuộc tranh chấp, một khi họ không muốn đi đến một giải pháp bắt buộc của bên thứ ba. Những biện pháp đó bao gồm sự hòa giải, sự dàn xếp và việc sử dụng “người trung gian” của một vài người hay tổ chức mà được cả hai bên tin cậy. Tuy vậy, không có một biện pháp nào tỏ ra có thể được Trung Quốc tán thành trong khuôn khổ suy nghĩ của họ hiện nay.

Công ước Luật biển chứa đựng một loạt các điều khoản được dự kiến để giải quyết tranh chấp, kể cả việc thành lập một Tòa án quốc tế mới về Luật biển (các Điều 279-299). Công ước Luật biển bắt buộc các bên có nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình (Điều 279) và yêu cầu các bên sử dụng, ít nhất các hình thức trợ giúp không bắt buộc của bên thứ ba để giải quyết tranh chấp, một khi đàm phán song phương không thành công (các Điều 281, 298 (1) (a)). Trừ trường hợp mà những điều khoản này có thể liên quan đến việc thi hành Hiến chương Liên Hợp Quốc, vấn đề còn nghi ngại là liệu những điều khoản ấy có được coi là một bộ phận của luật tập quán quốc tế hay không. Việt Nam thông qua việc phê chuẩn Công ước, đã thể hiện lòng mong muốn của mình chấp nhận sự ràng buộc của các điều khoản đó đối với (vis-à-vis) các quốc gia thành viên khác (bao gồm Indonesia và Philippines). Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chưa phải là thành viên của Công ước Luật biển 1982.

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có thể thực thi một vài quyền lực của mình về vấn đề này, đặc biệt là nếu các bên thù địch có hành vi đe doạ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là thành viên của Hội đồng Bảo an nên sẽ không ngần ngại sử dụng quyền phủ quyết của họ.

Do vấn đề này rất dễ biến động và có quá nhiều nước có mối quan tâm sâu sắc về vấn đề này, nên không loại trừ khả năng cộng đồng quốc tế, cụ thể là Mỹ, sẽ thử thực thi ảnh hưởng của mình, đặc biệt một khi có sự đe dọa cản trở các tuyến hàng hải sống còn trên biển Đông. Trong chừng mực mà Mỹ được coi là bên trung gian trung lập trong khu vực này, với sự hậu thuẫn của một lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, thì Mỹ, nếu muốn, sẽ ở vào thế có thể tạo ra sự hỗ trợ cho các nước mà lợi ích của họ được coi là hợp pháp khi áp dụng luật quốc tế cho các cuộc tranh chấp trong khu vực này. Nếu Trung Quốc xem thường một thỏa thuận khu vực đã được Mỹ hậu thuẫn, họ sẽ có nguy cơ rơi vào khả năng bị cô lập, xung đột và chịu gánh nặng kinh tế không có lợi cho họ.

Năm 1992, Mỹ tuyên bố rằng họ không chấp nhận giá trị pháp lý của các yêu sách khác nhau này, rằng họ ủng hộ một giải pháp hòa bình (mà được nêu cụ thể trong bản Tuyên bố của các nước ASEAN) và phản đối việc dùng vũ lực, rằng họ “mong muốn giúp tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này”, và họ mong “Việt Nam sẽ xử lý vấn đề này như một vấn đề pháp lý đối với Công ty Crestone”.

Trong tháng 5-1995, Mỹ ra thêm một tuyên bố bộc lộ sự lo ngại to lớn rằng “một mô hình về những hoạt động đơn phương và những phản ứng ở Biển Đông đang làm tăng tình hình căng thẳng trong khu vực đó”. Mỹ nhấn mạnh rằng Mỹ có lợi “lợi ích lâu dài trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, kêu gọi “các bên yêu sách tăng cường các nỗ lực ngoại giao để giải quyết các vấn đề liên quan đến các yêu sách đối nghịch”, một lần nữa đề nghị “trợ giúp bằng mọi cách mà các bên yêu sách cho là có ích”, và nhấn mạnh việc duy trì tự do hàng hải là “lợi ích cơ bản của Mỹ”. Vấn đề quan trọng nhất khi nhắc lại Mỹ “không có lập trường nào về những giá trị pháp lý của các bên yêu sách đối nghịch về chủ quyền đối với các đảo, các đá, các bãi san hô và các bãi ngầm trong Biển Đông”, Mỹ tuyên bố rằng “với mối quan tâm thực sự, sẽ xem xét bất kỳ một yêu sách về biển nào hoặc việc hạn chế hoạt động hàng hải trong Biển Đông mà không phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước của Liên Hợp Quốc về biển năm 1982.

Cũng có thể hiểu được rằng, các nước khác trong khu vực sẽ không bao giờ chấp nhận yêu sách của Trung Quốc hoặc bất kỳ cách đề cập nào của họ. Ngay cả khi Trung Quốc sử dụng vũ lực và tạm thời thiết lập được sự kiểm soát trên toàn bộ vùng biển mà họ yêu sách, thì các quyền pháp lý của các nước khác sẽ vẫn không bị ảnh hưởng. Chắc chắn rằng, cộng đồng quốc tế sẽ không bao giờ chấp nhận việc Trung Quốc chiếm lấy các vùng biển mà rõ ràng luật pháp quốc tế trao cho các nước khác.

Còn chưa rõ trong thời gian tới hay về lâu dài – có lẽ dần dần từng bước – một chế độ cho Biển Đông sẽ được thiết lập và sẽ chứa đựng tối thiểu một số nhân tố về tính công bằng, tính tỷ lệ và sự thỏa hiệp. Trừ phi Trung Quốc thay đổi một cách cơ bản thái độ của họ đối với việc giải quyết tranh chấp thông qua bên thứ ba (hoạc có sự tham gia của bên thứ ba), chế độ ấy, về cơ bản, chắc là được hình thành qua thương lượng song phương và có lẽ cả đa phương. Chế độ ấy có thể bao gồm các nhân tố của sự phát triển chung trên một số khu vực của vùng biển này. Tuy vậy, hoàn toàn không thể hy vọng Việt Nam và các nước khác đồng ý một đề nghị nào đòi họ thừa nhận giá trị các yêu sách của Trung Quốc, hoặc chia sẻ quyền kiểm soát với Trung Quốc về các quyền lợi tại các khu vực Trung Quốc không có yêu sách nghiêm chỉnh (như ở các khu vực Tư Chính và Thanh Long), trừ phi họ cũng được phân chia tương tự ở các khu vực mà tại đó các yêu sách của Trung Quốc được cho là có cơ sở pháp lý.

Không thể nói trước tiến trình hình thành chế độ như vậy. Tuy nhiên, từng nước trong khu vực đều có lợi ích trong việc làm cho quá trình đó tiến triển càng sớm càng tốt, vì rằng kéo dài các cuộc tranh chấp là làm chậm trễ hiệu quả của việc phát triển và thăm dò tài nguyên đáng giá của đáy biển trên khu vực mà bằng chứng ngày càng cho thấy sự giàu có của những tài nguyên ấy.

RELATED ARTICLES

Tin mới