“Đường lưỡi bò” được vẽ bởi một tư nhân năm 1948 và xuất hiện trong một số bản đồ của Trung hoa Dân quốc. Gần đây, Trung cộng (Chính quyền Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) ráo riết đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hoá “đường lưỡi bò”. Tháng 5/2009, Trung Quốc cho lưu hành tấm bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” ở Liên hợp quốc nhưng không có bất cứ lời giải thích nào về yêu sách phi lý này.
Trên thực địa, trong mấy năm trở lại đây, Trung Quốc tăng cường các hoạt động gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông (Việt Nam, Philippin và cả Malaysia, Indonesia) nhằm triển khai trên thực tế yêu sách “đường lưỡi bò”.
Ban đầu, một số học giả Trung Quốc dùng khái niệm về “vùng nước lịch sử” để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” nhưng do thấy lập luận này không thể đứng vững vì “đường lưỡi bò” hoàn toàn không đáp ứng bất cứ một tiêu chí nào của một “vùng nước lịch sử” theo các quy định của luật pháp cũng như thực tiễn quốc tế từ trước đến nay. Do vậy, thời gian gần đây một số học giả Trung Quốc đưa ra quan điểm “đường lưỡi bò” là yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận các quần đảo bên trong giới hạn của đường này. Họ lập luận rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với các quần đảo “Tây Sa” (Hoàng Sa), “Nam Sa” (Trường Sa), “Đông Sa” và “Trung Sa” và các vùng nước của các đảo này. Để biện hộ cho quan điểm này, tháng 6 vừa qua Trung Quốc đã công bố cái gọi là “thành phố Tam Sa” bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Trung Sa với diện tích vùng biển trên 2 triệu km2 ở Biển Đông, thực chất chính là vùng biển trong phạm vi yêu sách “đường lưỡi bò”.
Image: Internet.
Có thể khằng định rằng quan điểm “đường lưỡi bò” là yêu sách của Trung Quốc đối với các quần đảo và vùng nước phụ cận các quần đảo, bên trong giới hạn của đường này của các học giả Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, điều này trái với những quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 vì 3 lý do sau:
Một là, các chứng cứ pháp lý lịch sử cho thấy rằng các nhà nước Việt Nam đã khai phá, quản lý khai thác 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ Thế kỷ thứ 17 khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và đã thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình đúng theo quy định của luật pháp quốc tế về thụ đắc lãnh thổ. Hiện tại trung tâm lưu trữ quốc gia của Việt Nam còn lưu giữ các Châu bản là các văn bản chính thức của triều đình có bút son của Vua khẳng định việc Nhà nước phong kiến Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo như cử các đội Hoàng Sa ra quần đảo đo đạc, thể hiện trên bản đồ, dựng bia, lập miếu, quản lý và tổ chức đánh bắt hải sản tại quần đảo Hoàng Sa trong suốt thời gian từ thế kỷ thứ 17 đến thế kỷ 19.
Sau khi đô hộ Việt Nam cuối Thế kỷ 19, Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục tiến hành quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; từ những năm 30 của Thế kỷ 20 quy thuộc hai quần đảo vào các tỉnh đất liền, cho quân đồn trú ở hai quần đảo; sau đó chuyển giao hai quần đảo cho chính quyền Việt Nam Cộng hoà. Sau năm 1975, Chính phủ Việt Nam thống nhất tiếp quản sự quản lý các đảo ở Trường Sa.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị Sanfrancisco tháng 9/1951, một hội nghị quốc tế quan trọng giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau chiến tranh thế giới thứ 2. Tại Hội nghị này, Trưởng phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào của 51 quốc gia tham dự. Như vậy, Việt Nam đã tiến hành xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Hai là, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chưa bao giờ thuộc về Trung Quốc. Các yêu sách của Trung Quốc đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn bị phản đối. Pháp nhân danh Việt Nam đã nhiều lần phản đối các đòi hỏi về chủ quyền của Trung Quốc đối với 2 quần đảo này; Pháp còn 2 lần đề nghị Trung Quốc giải quyết những bất đồng về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa tại cơ quan tài phán quốc tế nhưng đều bị Trung Quốc khước từ do Trung Quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý lịch sử để bảo vệ ý kiến của họ tại cơ quan tài phán quốc tế. Tại Hội nghị Sanfrancisco năm 1951, Ngoại trưởng Liên Xô Andrei A. Gromyko đã đưa ra đề nghị gồm 13 khoản, trong đó có khoản liên quan đến việc “Nhật nhìn nhận chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với đảo Hoàng Sa và Trường Sa”. Với 46 phiếu chống, 3 phiếu ủng hộ, Hội nghị đã bác bỏ yêu cầu này của phái đoàn Liên Xô. Như vậy, yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị bác bỏ tại một hội nghị quốc tế quan trọng.
Năm 1956, Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 đánh chiếm phần phía Tây quần đảo Hoàng Sa và hiện đang chiếm đóng bất hợp pháp trên quần đảo Hoàng Sa; Năm 1988 Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa; năm 1995 tiếp tục dùng vũ lực đánh chiếm bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Nghị quyết 2625 ngày 24 tháng 10 năm 1970 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu rõ : “Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”. Theo đó, hành vi chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc hoàn toàn là bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hợp quốc và các quy định của luật pháp quốc tế.
Ba là, Trung Quốc không có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì làm sao có thể yêu sách đối với các vùng nước ở Biển Đông được. Hơn thế nữa, trong luật pháp quốc tế hoàn toàn không có khái niệm về “vùng nước phụ cận” như Trung Quốc nêu. Chiểu theo điều 121 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 thì các đảo đá thuộc 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ có tối đa lãnh hải 12 hải lý, không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Như vậy, kể cả trong trường hợp Trung Quốc có đủ lý lẽ bảo vệ được cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì họ cũng không thể đòi hỏi được một vùng nước rộng lớn, chiếm đến 80% diện tích Biển Đông.
Tóm lại, từ các phân tích trên đây có thể khẳng định rằng xét từ bất cứ góc độ lịch sử hay pháp lý thì yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông đều là phi lý. Quan điểm của các học giả Trung Quốc lấy các quần đảo và vùng nước phụ cận các quần đảo ở Biển Đông để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chính vì lẽ đó “đường lưỡi bò” đã bị cả cộng đồng quốc tế phê phán mạnh mẽ. Ý đồ của Trung Quốc núp dưới cái gọi là “thành phố Tam Sa” được công bố ngày 21/6/2012 để bảo vệ cho yêu sách “đường lưỡi bò” đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ các nước có liên quan như Việt Nam, Philippin, mà ngay cả Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/8/2012 cũng đã ra Tuyên bố phản đối cái gọi là “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc, thực chất là phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Thu Nguyen