Sunday, November 24, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhà tình báo Ba Quốc dự báo sự sụp đổ của Liên...

Nhà tình báo Ba Quốc dự báo sự sụp đổ của Liên Xô và bài toán tự lực vũ khí

Đại tướng Lê Đức Anh (Sáu Nam) không chỉ là nhà quân sự tài ba mà còn là một chính khách nhìn xa trông rộng. Sau 7 năm làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, ông trở về làm Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi làm Bộ trưởng Quốc phòng từ tháng 2.1987.

Đại tướng Lê Đức Anh và ông Ba Quốc (bìa phải)

Tình hình thế giới lúc ấy đang diễn biến rất phức tạp. Sau cuộc “cải tổ” của Gorbachev, Liên Xô rơi vào bất ổn nghiêm trọng làm lung lay hệ thống XHCN Đông Âu. Lợi dụng tình hình Campuchia, các cường quốc tiếp tục thực hiện chính sách bao vây cấm vận nước ta. Vào năm 1989, tiên lượng những diễn biến của tình hình quốc tế, tướng Lê Đức Anh đề nghị các nhà tình báo quốc phòng trả lời câu hỏi: “Liệu Liên Xô có đứng vững không?”.

Trung tá Nguyễn Chí Vịnh, sau một thời gian ngắn tập huấn tại Liên Xô, đã báo cáo với ông Lê Đức Anh những gì mắt thấy tai nghe tại nước này. Ông Sáu Nam hỏi ông Ba Quốc. Ông Ba Quốc nói, sự bất ổn của Liên Xô chắc chắn sẽ có biến động lớn, Mỹ và phương Tây sẽ can dự thúc đẩy, nếu Mỹ không làm gì thì không còn là Mỹ nữa. Ông cho rằng sẽ có đảo chính.

Vào thời điểm đó, không ai dám hỏi câu hỏi nói trên, trừ ông Lê Đức Anh, và cũng không ai dám trả lời, trừ ông Ba Quốc.

Ông Sáu Nam giao cho lãnh đạo cơ quan tình báo tổ chức nghiên cứu thật kỹ: Liên Xô có đứng vững hay không, nếu không thì diễn biến sẽ như thế nào, các kịch bản tiếp theo sẽ ra sao?

Do dự lường trước diễn biến của cục diện thế giới, ông Sáu Nam đã nhạy bén tổ chức nghiên cứu để tham mưu giúp Đảng, Nhà nước và Quân đội có chiến lược, sách lược đối phó. Và những gì diễn ra đúng như tướng Lê Đức Anh tiên lượng và đúng như ông Ba Quốc dự báo. 2 năm sau thì Liên Xô sụp đổ. Vì vậy Việt Nam ta không hề lúng túng bị động.

Tình báo công nghiệp
Tầm nhìn đại cục của tướng Lê Đức Anh thật là đáng nể. Ngay sau khi đặt câu hỏi nói trên, vào năm 1990, khi những bất ổn của Liên Xô và Đông Âu gia tăng, ông gọi thầy trò ông Ba Quốc đến đặt câu hỏi: Nếu Liên Xô sụp đổ, thì trang bị vũ khí của chúng ta sẽ dựa vào đâu?

Cần biết, cho đến thời điểm đó, hầu hết vũ khí và trang bị quân sự của quân đội ta đều dựa vào nguồn viện trợ hoàn lại và không hoàn lại từ Liên Xô và một phần từ các nước XHCN Đông Âu. Chúng ta chưa làm chủ được công nghệ vũ khí hiện đại. Theo tướng Vịnh, hồi ấy cán bộ của ta được đưa đi đào tạo ở Liên Xô, dù hai nước rất thân thiết và tin cậy lẫn nhau, nhưng về vũ khí ta chỉ được học về bảo đảm kỹ thuật và khai thác sử dụng, không một kỹ sư Việt Nam nào được học về thiết kế và chế tạo vũ khí. Phải tính bài toán về vũ khí trước khi Liên Xô sụp đổ và cho dù Liên Xô không sụp đổ thì Việt Nam cũng phải tự chủ về vũ khí. Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh thời cũng đau đáu vấn đề tự chủ về công nghiệp và quốc phòng giữa cuộc bao vây cấm vận nghiệt ngã sau năm 1975.

Ông Sáu Nam giao Cục 2 (sau này là Tổng cục II) nghiên cứu mảng tình báo công nghiệp và nhấn mạnh ngành tình báo phải chịu trách nhiệm chính trong việc thu thập những bí quyết công nghệ về vũ khí về cho đất nước và quân đội. Ông còn chỉ rõ những trọng điểm mà ngành công nghiệp quốc phòng cần nhất.

Thầy trò ông Ba Quốc lại lao vào tình báo công nghiệp, một lĩnh vực mà ngành tình báo quốc phòng của chúng ta hoàn toàn không có kinh nghiệm, không có cán bộ, không có cơ quan chuyên trách, nói chung là “chưa có ý tưởng gì về việc thu thập công nghệ bằng phương thức tình báo”. Còn ông Ba Quốc thì mặc dù rất am hiểu nhưng “chưa bao giờ làm”.

Bắt đầu từ đâu? Từ Liên Xô và Đông Âu khi hệ thống này đang bất ổn chứ đâu nữa. Đó vừa là nơi có nền công nghiệp quốc phòng tương thích với nhu cầu của quân đội ta lúc đó, vừa là khu vực khả thi để triển khai công tác tình báo trong bối cảnh Liên Xô và Đông Âu đang hỗn loạn. Nhưng việc đầu tiên phải xác định là ta cần những tin tức bí quyết gì, có nghĩa là yêu cầu cụ thể của nhiệm vụ tình báo là gì. Ông Ba Quốc nói: “Việc xây dựng yêu cầu điều tra là của cấp trên, nhưng cơ quan tình báo phải tham mưu cho cấp trên xác định những nội dung ấy. Nó có 3 yêu cầu: Một là đúng với nhu cầu của các đơn vị trong toàn quân. Hai là phải biết nó ở đâu và làm cách nào để lấy. Ba là phải phù hợp với khả năng của tình báo ta, phải vừa tầm vừa sức, không thiếu không thừa, không cao không thấp so với yêu cầu của quân đội”.

Tướng Vịnh nhớ lại: “Tôi lè lưỡi. Việc xây dựng và tham mưu được cho cấp trên về yêu cầu điều tra trong nhiệm vụ này đã là quá khó, chưa nói đến khi đã có yêu cầu điều tra thì biết phải làm sao mà thực hiện”. Thầy trò ông lại phân công nhau đến tìm hiểu nhu cầu tại các đơn vị quân đội. Đúng là khó thật, vì trước những câu hỏi, thường nhận được hai kiểu trả lời: Thứ nhất là im lặng, thứ hai là “tất cả các thứ”, có nghĩa là chính ta cũng không hiểu ta cần những gì. May mà có lời dặn của ông Sáu Nam, nên cuối cùng cũng xây dựng được một bản yêu cầu điều tra để tham mưu cho cấp trên.

Mặc dù phải vượt qua vô vàn khó khăn trắc trở, bắt đầu từ một nhóm đặc nhiệm tại Đông Âu, rồi mở rộng ra, rồi một tổ chức chuyên trách tình báo công nghiệp và tình báo ngoài nước được hình thành trực thuộc Cục 12 do Cục trưởng Ba Quốc trực tiếp phụ trách. Sau một thời gian, nhiệm vụ “nở” ra quá nhanh, tổ chức chuyên trách này có quy mô lớn, trở thành một đơn vị trực thuộc Tổng cục. Đó là nền móng quan trọng giúp quân đội ta giải quyết bài toán về tự chủ vũ khí.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới