Du khách về với huyện Ngọc Hiển không chỉ vì nơi đây có điểm mốc Cuối trời mà còn có đa dạng các sản phẩm du lịch. Đặc biệt, du lịch sinh thái cộng đồng nơi đây rất thu hút du khách.
Đa phần du khách về với tỉnh Cà Mau đều muốn đến với Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển), bởi nơi đây có mốc tọa độ GPS 0001 – nơi đánh dấu điểm cuối cùng Tổ quốc trên đất liền. Nhưng Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau không chỉ có vậy mà còn có rất nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Đầu tiên phải nói đến hệ sinh thái rừng ngập mặn bạt ngàn nhưng dân cư nơi đây còn khá thưa mang lại cho nơi đây sự yên bình, không khí thoáng đãng.
Trong Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau còn có rất nhiều công trình, biểu tượng ý nghĩa như: Cột mốc đường Hồ Chí Minh – điểm cuối Cà Mau, Biểu tượng con tàu, Cột cờ Hà Nội, Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ,… Cơ quan chức năng Cà Mau gần đây còn xây dựng những biểu tưởng đặc sản của địa như: tượng con cua, tôm sú, cá thòi lòi để du khách tham quan, chụp ảnh kỷ niệm.
Sản phẩm du lịch cuốn hút du khách nhất trong Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau phải là tour đi xuyên rừng. Trên tuyến này, du khách được đi bằng các phương tiện đường thủy giữa không gian rừng đước, rừng mắm bao la. Quan sát hệ sinh thái rừng ngập mặn, với sự thú vị khi cá thòi lòi chạy trên mặt nước và chạy cả trên bãi bồi; ba khía bò dưới gốc mắm; những con ốc len bám trên thân cây đước,… Du khách còn được đưa ra bãi bồi Mũi Cà Mau, nơi đây có điểm dừng chân được xây dựng giữa bãi bồi chạy dài xa tít là nơi để quan sát cảnh quan tuyệt vời và cũng là một điểm check in rất cuốn hút. Ông Nguyễn Minh Hải, Phó Trưởng Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Thời gian qua cùng với việc xây dựng hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi thì tại Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau cũng được xây dựng thêm nhiều công trình kiến trúc rất đặc sắc. Nó mang những ý nghĩa lớn cả về kiến trúc và mỹ thuật. Chúng tôi cũng xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc là tua du lịch xuyên rừng Vườn Quốc gia. Tất cả những công trình, sản phẩm khi đưa vào sử dụng đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách”.
Sau khi đi xuyên rừng đước Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, trở về du khách sẽ đi ngang qua Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi, nơi đây tập trung các hộ dân làm du lịch sinh thái cộng đồng. Du khách có thể thưởng thức tất cả các đặc sản của vùng đất Mũi, đặc biệt, nếu lưu trú lại còn có thể trải nghiệm để biết tất cả về cách khai thác sản vật thiên nhiên, nghề nuôi tôm cua để cho ra những sản phẩm chất lượng, nổi tiếng gần xa của vùng đất Mũi. Ông Nguyễn Văn Hùng, Điểm du lịch sinh thái cộng đồng Nguyễn Hùng, Ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi chia sẻ: “Bà con nơi khác đến đây họ thích nhất là trải nghiệm về du lịch sông nước ở Đất Mũi. Đầu tiên họ đi bãi bồi, đi xuyên rừng ra biển Tây chơi ở vùng biển cuối cùng của hình chữ S. Khi về thì nhà mình phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, bà con vào dỡ bẫy cua, giăng lưới, bắt sò huyết, ốc len,… vào ban ngày. Nếu du khách ở lại ban đêm thì có người bơi xuồng đi bắt ba khía, cá thòi lòi hay cua biển. Nói chung là du khách rất thích thú với những điều đó”.
Bên cạnh thế mạnh phát triển nuôi tôm, cua cho sản phẩm chất lượng phục vụ du lịch, huyện cuối trời Tổ quốc – Ngọc Hiển còn có rất nhiều sản phẩm nổi tiếng gắn với các nghề truyền thống ở địa phương như: Nghề di sản Muối ba khía; Nghề làm Tôm khô Rạch Gốc; Nghề nuôi hàu lồng bè; nghề làm đũa đước; theo định hướng, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ đưa các nghề truyền thống này vào khai thác, trở thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách.
T.P