Báo Tiền Phong (điện tử) ngày 9-3-2023 đăng bài: “Đề xuất cán bộ, công chức bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo tự nguyện tinh giản biên chế”.
Bài báo nêu; Bộ trưởng Nội vụ Phan Thị Thanh Trà vừa có tờ trình gửi chính phủ về dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 108, 113 và 143 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.
Trong tờ trình có nội dung: về các trường hợp tinh giản biên chế, dự thảo đề nghị bổ sung trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian bị kỷ luật một trong các hình thức khiển trách hoặc cảnh cáo, tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý cho phù hợp.
Về các trường hợp nêu trên, thiết nghĩ cần phải xem xét lại. Trường hợp thứ nhất là cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật cảnh cáo trong thời gian đang có hiệu lực thì có thể tự nguyện hoặc tổ chức xem xét để tinh giản biên chế là có thể chấp nhận được.
Còn trường hợp bị kỷ luật khiển trách mà phải tự nguyện xin giản biên chế thì cần phải xem xét lại.
Trong quá trình công tác khó ai tránh khỏi thiếu sót, khuyết điểm, có thể vì thế mà bị kỷ luật khiển trách. Nhưng xem xét để tinh giản biên chế thì phải tính đến quá trình công tác, năng lực công tác và nguyên nhân vi phạm khuyết điểm.
Đơn cử trong hoạt động báo chí, có người là phóng viên, biên tập viên giỏi có thời gian công tác lâu năm, nhưng do sơ xuất khi biên tập để có nội dung không đúng, sai phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng cơ quan phải kỷ luật ở mức độ khiển trách. Cá nhân có sai phạm nhận thức đầy đủ mức độ và có cố gắng làm việc, không tái phạm thì có nhất thiết phải đưa ra khỏi biên chế không.
Trước đây có người công tác rất tốt nhưng chỉ vì sinh con thứ ba mà bị kỷ luật khiển trách, bị hạ bậc lương, thuyên chuyển công tác khác và sau đó họ vẫn là cán bộ tốt về chuyên môn và đạo đức.
Vì vậy thiết nghĩ cần xem lại quy định này, dù trong đó có thể từ “tự nguyện” nhưng lại có tính “bắt buộc”.
H.L