Saturday, May 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTội ác và sám hối

Tội ác và sám hối

Ngày 9-3-2023, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã nêu quan điểm của Việt Nam về việc chính phủ Hàn Quốc kháng cáo bản án mà một tòa án ở Seoul đã phán quyết yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh, nạn nhân của vụ thảm sát ở Làng Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam năm 1968. Bà Hằng nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc Chính phủ Hàn Quốc kháng cáo bản án, với quan điểm không phản ánh đúng sự thật khách quan về việc này”.

Bà Nguyen Thi Thanh phát biểu tại toà án Hàn Quốc năm 2019.

Năm 1968, binh lính thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của Hàn Quốc, khi tham chiến ở Việt Nam đã gây ra vụ thảm sát giết chết khoảng 70 người ở Làng Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam.

Bà Thanh, một nạn nhân của vụ thảm sát này, bà bị bắn và người thân của bà bị giết. Năm 2020 bà Thanh nộp đơn kiện Chính phủ Hàn Quốc và yêu cầu bồi thường 30 triệu Won (hơn 560 triệu đồng). Tòa án ở Seoul đã phán quyết buộc chính phủ bồi thường cho bà Thanh.

Sự kiện này giúp tôi nhớ lại một việc hơn 10 năm trước.

Tôi sang Hàn Quốc cùng đoàn nghệ thuật để biểu diễn ở Seoul trong ngày Văn hóa Việt Nam. Trước ngày biểu diễn chúng tôi được đi thăm Bảo tàng Mỹ thuật đương đại. Người hướng dẫn cho chúng tôi xem nhiều bức tranh về tội tác của quân đội Nhật đối với người dân Hàn Quốc trong thời kỳ Nhật chiếm đóng. Người hướng dẫn nói rằng có hơn nửa số tranh ở đây là tranh chống Nhật phát xít vì chúng tôi không bao giờ quên được tội ác của binh lính Nhật. Và ông ta bình luận: chúng tôi biết Việt Nam có tuyên bố “gác lại quá khứ hướng tới tương lai”, nhưng theo tôi người Việt Nam không nên quên những người đã gây ra tội ác cho nhân dân Việt Nam.

Tôi hỏi người hướng dẫn (qua phiên dịch): Thế còn những người lính Hàn Quốc đã gây nhiều tội cho nhân dân Việt Nam thì sao?

Người hướng dẫn trả lời: Người dân Hàn Quốc phải biết ơn những người lính đã sang tham chiến ở Việt Nam, vì họ đã mang máu để đổi lấy tiền giúp cho việc phát triển đất nước. Còn người dân Việt Nam phải biết căm thù và đừng quên tội ác của họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam.

Đấy là quan điểm khá sòng phẳng trước sự thật lịch sử.

Cũng vì vậy, Bà Hằng (Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam) đã rất đúng khi khẳng định: “Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng đến tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử”.

Bà Hằng cũng nêu rất rõ ràng quan điểm của Việt Nam là “Trên tinh thần Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực, hiệu quả nhằm khắc phục hậu qủa của chiến tranh, góp phần củng cố, tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước và nhân dân hai nước”.

Sau chiến tranh, có những người lính Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam đã quay trở lại Quảng Nam sám hối và họ được người dân chấp nhận thái độ ấy. Tại sao chính phủ Hàn Quốc lại không làm được như vậy.

H.L

RELATED ARTICLES

Tin mới