Thời kỳ chiến tranh lạnh, thế giới chia làm hai cực do Mỹ và Liên Xô đứng đầu. Mỹ đừng đầu phe tư bản chủ nghĩa, chủ yếu là các nước tư bản phát triển. Liên Xô đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa. Về kinh tế có hai khối, khối các nước Tây Âu (EU), khối các nước xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là các nước Đông Âu (SEP). Về quân sự có hai tổ chức: NATO (khối hiệp ước Bắc đại Tây Dương) do Mỹ đứng đầu, WARSZAWA gồm các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu do Liên Xô đứng đầu.
Trong phe Xã hội chủ nghĩa có hai nước lớn là Liên Xô và Trung Quốc, nhưng lại có những bất đồng, thậm chí có lúc đã xảy ra xung đột biên giới. Trung Quốc không thừa nhận vai trò đứng đầu của Liên Xô, thậm chí có lúc coi Liên Xô có “tư tưởng xét lại”, không thể đại diện cho tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Khi phe xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, Liên Xô sụp đổ kéo theo sự tan rã của khối liên minh quân sự WARSZAWA, thế giới chỉ còn một cực và một rổ chức quân sự (NATO) do Mỹ đứng đầu. Thời kỳ này nước Nga hoàn toàn suy yếu cả về kinh tế lẫn quân sự. Liên bang xô viết trước đây với sự phân vùng chuyên môn hóa theo điều kiện của các nước cộng hòa nên nền công nghiệp mỗi nước sản xuất một loại sản phẩm, một loại thiết bị. Ví dụ như công nghiệp quốc phòng thì Ukraine là nước sản xuất tên lửa, tàu sân bay, xe quân sự. Vì vậy khi Liên xô tan vỡ, Nga rơi vào tình cảnh có nền công nghiệp quốc phòng không đồng bộ, phụ thuộc vào nền sản xuất của các nước cộng hòa trước đây.
Trung Quốc trước năm 1990 không thân thiết với Liên Xô, hạn chế trong quan hệ kinh tế và quân sự, đồng thời cũng không được có nước tư bản, nhất là các nước tư bản phát triển ủng hộ, vì thế nền kinh tế và quân sự khó phát triển.
Sau chiến tranh lạnh, thế giới chỉ còn một cực, đây là thời kỳ Mỹ và các nước Tây Âu “làm mưa làm gió” trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Nga và Trung Quốc buộc phải cải thiện quan hệ, dựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Trung Quốc thực hiện cải cách mở cửa, bắt đầu thân thiện với các nước tư bản phát triển nhưng chưa thể tiếp cận hoàn toàn với công nghệ tiên tiến của các nước này, đặc biệt là công nghệ quốc phòng. Trong khi đó, Nga vẫn là nước có nền công nghệ quốc phòng ngang ngửa với Mỹ, có thể giúp được Trung Quốc. Đồng thời Nga là nước giàu tài nguyên mà Trung Quốc đang cần để phát triển kinh tế. Còn Nga tìm thấy ở Trung Quốc tiềm lực kinh tế và thị trường rộng lớn có thể giúp Nga thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là xuất khẩu tài nguyên để khôi phục nền kinh tế.
Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Còn Nga sau thời gian hồi phục vẫn là cường quốc quân sự, ngang ngửa với Mỹ. Chính vì vậy khi Mỹ và Tây Âu tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Trung Quốc và Nga lại càng làm cho Nga-Trung lại gần nhau hơn. Hai nước đã ký kết hiệp ước đối tác chiến lược toàn diện, chống lại sự kìm hãm của Mỹ và Tây Âu.
Vì lẽ đó, khi chiến tranh Nga-Ukraina bùng nổ điều tất nhiên Trung Quốc không thể đứng về phía Mỹ và Tây Âu để chống Nga. Thậm chí Trung Quốc còn tìm cách giúp Nga thoát khỏi các đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và EU. Còn Nga cũng rất cần phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc để giữ vị thế chính trị, xuất khẩu tài nguyên và thanh toán tài chính.
Cả Nga và Trung Quốc đều công khai tuyên bố quan hệ Nga-Trung chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Vì vậy, trong khi lãnh đạo Mỹ và EU liên tục đến Ukraina thì việc Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Nga trong tháng 3 này cũng là điều dễ hiểu. Mặc dù Mỹ tìm mọi cách để ngăn chặn chuyến đi của ông Tập, thậm chí đe dọa, nhưng chuyến thăm vẫn diễn ra. Mỹ và EU, hiện thời chỉ còn cách “hồi hộp” theo dõi xem hai nhà lãnh đạo Nga-Trung trao đổi gì với nhau.
Đặc biệt, Trung Quốc đang nổi lên với vai trò là cường quốc có thể thu xếp, giải tỏa các cuộc xung đột ở các khu vực như họ đã làm là hòa giải giữa hai đối thủ ở Trung Đông là Ả-Rập Xê Út và Iran. Trong chuyến thăm Nga lần này Trung Quốc không chỉ ký với Nga về “tăng cường đối tác toàn diện và quan hệ chiến lược bước vào kỷ nguyên mới” mà còn có vai trò giải quyết xung đột Nga-Ukraina.
H.L