Tuesday, November 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiKhổ sở 'sống treo' trên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Khổ sở ‘sống treo’ trên mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Nước nhiễm phèn nặng, đất đai biến đổi, hàng nghìn hộ dân tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải sống trong cảnh bất an ‘đi không được, ở không xong’ gần 15 năm qua.

Toàn cảnh mỏ sắt Thạch Khê.


Từng được kỳ vọng là dự án làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội cho địa phương, thế nhưng gần 15 năm trở lại đây, hàng nghìn hộ dân nhiều xã huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) phải “dẫm chân tại chỗ” trên vùng quy hoạch dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án dang dở làm khổ dân

Ngôi nhà cấp 4 của ông Quảng nằm trong vùng quy hoạch khai thác của mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà). Nhiều năm nay ông không dám xây mới vì sợ phải giải tỏa nên phải sống trong cảnh chật chội, tạm bợ.

Ông Quảng nhớ lại, hàng chục năm trước, nơi đây đất đai màu mỡ, gia đình ông từng có 2 héc ta rau màu và vườn cam cho thu nhập hàng chục triệu mỗi năm. Hiện tại, vườn cam của ông đã phải chặt bỏ để trồng các loại rau ngắn ngày, thế nhưng chỉ cần vài ngày mưa là lại bị ngập úng. Còn về mùa hè thì nắng hạn, cây cối khô héo.

“Từ khi dự án mỏ sắt Thạch Khê hoạt động, cuộc sống gia đình chúng tôi bị đảo lộn. Chúng tôi chỉ muốn dự án dừng hoạt động để ổn định cuộc sống”, ông Quảng buồn bã.

Cùng chung cảnh ngộ đó, gia đình ông Phan Công Hân, ở thôn Thanh Lân, do đất đai cằn cỗi khiến cho vườn cây ăn quả của ông không năng suất. Theo ông Hân dự đoán, quá trình khai thác, hút nước trước đây của dự án đã tác động đến mạch nước ngầm dẫn tới bị sa mạc hóa đất đai trong vùng.

Vì thiếu thốn nước sạch, gia đình ông Hân phải lọc qua nhiều lần bằng bể lọc, sau đó khử khuẩn qua máy lúc này nước mới có thể sử dụng.

“Nguồn nước ở đây nhiễm phèn nặng, giặt áo trắng thì nhuộm thành màu vàng”, ông Hân bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Tuyên, thôn 2, xã Đỉnh Bàn sống cách mỏ sắt Thạch Khê chưa đầy 1km, nằm trong diện di dời từ năm 2007. Thế nhưng đến nay, dự án “dẫm chân tại chỗ”, ông Tuyên quay về sống trong ngôi nhà cũ xuống cấp, “đi không được, ở không xong”.

“Dân ở đây rất khổ, dù đã có đất tái định cư nhưng số tiền đền bù rất thấp, so với bây giờ thì chả làm được gì”, ông Tuyên chia sẻ và cho biết, nhiều lần muốn rời khỏi đây để xây nhà mới nhưng chi phí quá lớn, đất đai khó canh tác nên những người như ông không đủ tiền.

“Không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế”

Từng là Trưởng phòng Công thương huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thời kỳ trước, ông Phan Công Hân cho biết, việc tiếp tục khai thác mỏ sắt thạch khê là không thích hợp, nếu tiếp tục thì cuộc sống của người dân sẽ ảnh hưởng rất lớn.

Đơn cử, việc moong mỏ (đáy mỏ) chỉ cách bờ biển khoảng 300m, khi đào sâu xuống âm 500m để lấy sắt, lượng nước biển khổng lồ sẽ tràn vào, khi đó cả vùng này sẽ chìm trong nước biển.

Ngoài ra, khi dự án đi vào hoạt động, cây cối chắn gió ven biển bị chặt hạ sẽ khiến cho người dân vùng bãi ngang gặp nguy hiểm hơn trong mùa mưa bão.

“Chúng ta không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, ông Hân nhấn mạnh.

Ông Phan Xuân Hội, thôn Thanh Lân, xã Thạch Khê kiến nghị, “Đề nghị tỉnh, Trung ương xem xét dừng hẳn khai thác để người dân yên tâm, tập trung vào xây dựng cơ sở vật chất, phát triển kinh tế xã hội và xem xét giải quyết tình trạng tụt hậu của địa phương trong nhiều năm qua”, ông Hội nói.

ông Lưu Xuân Đồng – Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê cho biết, sau khi triển khai thực hiện từ năm 2007 đến nay, hệ lụy của dự án mỏ sắt Thạch Khê đối với nhân dân các xã bãi ngang nói chung, xã Thạch Khê nói riêng là rất lớn.

“Thứ nhất, hiện nay dự án đã dừng hoạt động nhưng bờ bao moong mỏ thường xảy ra sạt lở, ảnh hưởng trực tiếp đến gần hàng chục héc ta lúa của người dân, khiến đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, do địa phương nằm trong vùng quy hoạch của mỏ sắt nên việc quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế xã hội không thể đi lên trong hơn 10 năm nay. Đặc biệt là việc không cấp được đất ở cho người dân khiến nhiều thế hệ phải ở trong một nhà.

Thứ ba là về an sinh xã hội, hiện nay trụ sở UBND xã đã xuống cấp trầm trọng, nơi làm việc của công viên chức còn thiếu thốn khiến cho việc tiếp dân gặp nhiều khó khăn”, Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê chia sẻ thêm.

Mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn 5 xã ven biển gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc của huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), với tổng diện tích 4.821 ha.

Mỏ có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án đầu tư Khai thác và Tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê (Dự án mỏ sắt Thạch Khê) do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỷ đồng, vòng đời khai thác hơn 50 năm.

Từ năm 2008 đến năm 2011, Chủ đầu tư đã triển khai thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ được khoảng 12,7 triệu m3 đến độ sâu -34m so với mực nước biển, thu hồi 3,0 nghìn tấn quặng. Về cơ bản, dự án đã dừng hoạt động khai thác từ năm 2011.

RELATED ARTICLES

Tin mới