Wednesday, January 22, 2025
Trang chủBiển ĐôngGiới thiệu về biển ĐôngBiển Đông – nguồn sống vô tận

Biển Đông – nguồn sống vô tận

Trải rộng từ vĩ độ
3 lên đến vĩ độ 26 Bắc và từ kinh độ 100 đến 121 Đông, biển Đông là một biển
nửa kín. Ngoài Việt Nam, biển Đông được bao bọc bởi 8 nước khác là Trung Quốc,
Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Tiềm
năng của vùng biển này là nguồn sống phong phú của các quốc gia trong khu vực
và trên thế giới.

Sinh vật biển đa dạng

Vị trí, địa lý và
khí hậu đặc biệt đã tạo cho vùng biển Đông sự đa dạng sinh học cao so với các
nước trên thế giới, cả về cấu trúc thành phần loài, hệ sinh thái và nguồn gen.
Khác biệt về điều kiện tự nhiên từ Bắc đến Nam như sự thay đổi nhiệt độ theo vĩ
tuyến, mức độ trao đổi môi trường với các vùng xung quanh, hình thái thềm lục
địa… đã tạo nên những nét đặc trưng của các hệ sinh thái giữa các vùng biển ở
Việt Nam.

Cho đến nay, trong
vùng biển này đã phát hiện được khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20
kiểu hệ sinh thái điển hình. Trong đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038
loài cá, trên 100 loài cá kinh tế, hơn 300 loài san hô cứng, 653 loài rong
biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập
mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển và
5 loài rùa biển.

Nguồn tài nguyên sinh
vật biển quan trọng đã mang đến những ưu thế cho đời sống và sự phát triển kinh
tế của các nước xung quanh. Trữ lượng hải sản đánh bắt khoảng 3 – 3,5 triệu
tấn, cơ cấu hải sản rất phong phú, có giá trị kinh tế cao có thể khai thác được
hàng năm. Trong khu vực, có các nước đánh bắt và nuôi trồng hải sản đứng hàng
đầu thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,
Indonesia và Philippines.

Khoáng sản phong phú

Biển Đông được coi
là một trong 5 bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới. Các khu vực thềm lục
địa có tiềm năng dầu khí cao là các bồn trũng Bruney – Saba, Sarawak, Malay,
Pattani Thái, Nam Côn Sơn, Mêkông, sông Hồng, cửa sông Châu Giang. Tại vùng biển
và thềm lục địa Việt Nam xác định nhiều bể trầm tích có triển vọng dầu khí,
trong đó các bể trầm tích Cửu Long và Nam Côn Sơn được đánh giá có triển vọng
dầu khí lớn nhất, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Tổng trữ lượng dự
báo địa chất về dầu khí của toàn thềm lục địa Việt Nam đạt xấp xỉ 10 tỷ tấn dầu
quy đổi, trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn và trữ lượng dự báo của khí khoảng
1.000 tỷ m3 (theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dự trữ dầu được kiểm
chứng ở biển Đông là 7 tỉ thùng với khả năng sản xuất 2,5 triệu thùng/ngày).
Các khu vực có tiềm năng dầu khí còn lại chưa khai thác là khu vực thềm lục địa
ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và bờ biển miền Trung Việt Nam.

Ngoài ra, theo các
chuyên gia Nga thì khu vực vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa còn chứa đựng tài
nguyên khí đốt đóng băng, trữ lượng loại tài nguyên này trên thế giới ngang
bằng với trữ lượng dầu khí và đang được coi là nguồn năng lượng thay thế dầu
khí trong tương lai gần. Chính tiềm năng dầu khí chưa được khai thác được coi
là một nhân tố quan trọng làm tăng thêm các yêu sách chủ quyền đối với hai quần
đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển quanh hai quần đảo.

Tuyến giao thông huyết mạch

Biển Đông nằm trên
tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu
Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế
nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại
qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn,
hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có
khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế
giới là cảng Singapore và Hồng Công. Thương mại và công nghiệp hàng hải ngày
càng gia tăng ở khu vực.

Nhiều nước ở khu
vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật
Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết
yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông
Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hơn 90% lượng vận tải thương mại
của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển
Đông.

Lượng dầu lửa và
khí hoá lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở
qua kênh đào Panama.
Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, với 4 trong
16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt eo
biển Malacca là eo biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới.

Hàng năm có khoảng
70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của
Nhật Bản được vận chuyển qua biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng
hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu
được vận chuyển bằng đường biển qua biển Đông.

Tiềm năng du lịch biển

Tài nguyên du lịch
biển cũng là một ưu thế đặc biệt, mở ra triển vọng khai thác tổng hợp để phát
triển mạnh. Các bãi biển của Việt Nam
phân bố trải đều từ Bắc vào Nam.
Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du
lịch, với bãi thoải, nước trong xanh, khí hậu ôn hòa, và cảnh quan thiên nhiên
kỳ thú. Trên 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác. Một số địa danh du lịch
biển của Việt Nam đã được biết đến trên phạm vi toàn cầu như vịnh Hạ Long – hai
lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, đang nằm trong danh
sách đề cử kỳ quan thiên nhiên của thế giới. Vịnh Nha Trang được coi là một
trong những vịnh đẹp nhất hành tinh, bãi biển Đà Nẵng được tạp chí Forbes bầu
chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh.

Theo các chuyên
gia du lịch, biển Việt Nam
rất đẹp và thích hợp cho du lịch tắm biển. Suốt từ Móng Cái (Quảng Ninh) cho
đến mũi Cà Mau vòng lên Kiên Giang có tới hàng ngàn cây số bờ biển, hấp dẫn du
khách bởi bãi biển tuyệt đẹp, cát trắng, cát vàng sạch sẽ, nước biển trong
xanh, cảnh đẹp hữu tình. Trong đó, những khu vực biển có tiềm năng lớn đã đầu
tư phát triển là Trà Cổ-vịnh Hạ Long- Hải Phòng- Cát Bà; Sầm Sơn- Cửa Lò; Nhật
Lệ- Cửa Tùng- Cửa Việt; Huế- Đà Nẵng- Quảng Nam; Quảng Ngãi- Quy Nhơn; Vân
Phong- Đại Lãnh- Nha Trang; Ninh Thuận – Phan Thiết – Mũi Né; Vũng Tàu- Long
Hải- Cần Giờ- Côn Đảo; Hà Tiên- Phú Quốc… Sự có mặt của các tập đoàn quản lý
khách sạn, khu nghỉ dưỡng lớn nổi tiếng trên thế giới tại Việt Nam như Furama, General, Accor, Starwood,
Marriot… càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch biển Việt Nam.

Đó là chưa kể đến
các hình thức du lịch mới trong điều kiện hiện nay như lướt sóng, đua thuyền
buồm, du lịch lặn biển hay việc đón các chuyến tàu du lịch quốc tế đến Huế, Nha
Trang và Đà Nẵng trong thời gian gần đây đã đem lại nhiều triển vọng cho du
lịch văn hoá biển.

Theo số liệu thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây,
vùng ven biển là lãnh thổ thu hút hàng năm trên 73% số lượt khách du lịch quốc tế
đến các địa phương trong lãnh thổ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trung bình
khoảng 31%/năm. Năm 1997 số lượt khách du lịch quốc tế đến vùng ven biển đạt
2.127 ngàn, năm 2002 gần 5,3 triệu lượt và năm 2008 các tỉnh ven biển đón
khoảng 9 triệu lượt khách quốc tế. Cùng với tỉ lệ cao số lượng khách du lịch,
thu nhập xã hội từ du lịch của các địa phương ven biển luôn chiếm tỉ lệ lớn
(trên 70%) trong tổng thu nhập xã hội từ du lịch của cả nước./.

RELATED ARTICLES

Tin mới