BienDong.Net: Ra khơi, sau hai đêm một ngày trên biển, chúng tôi mới đến được đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc Việt Nam là Song Tử Tây. Nhìn thấy dải đất hiện ra trước mặt, mọi người ai cũng xúc động.
Song Tử Tây là một trong những đảo lớn của quần đảo Trường Sa. Cách bên phải gần ba cây số là đảo Song Tử Đông, đứng trên tàu nhìn bằng mắt thường có thể thấy được, nhưng hiện do Philippines chiếm giữ. Ngọn hải đăng trên đảo được dựng vào tháng 10/1993, nó là hải đăng cấp 1, thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế.
Trên đảo Song Tử Tây có dân ở, nên đón đoàn cùng các chiến sĩ hải quân còn có cả phụ nữ và trẻ em.
Các em có trường lớp để học
Mốc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên đảo Song Tử Tây.
Bia chủ quyền do chính quyền Việt Nam Cộng hòa xây dựng trên đảo năm 1956
Một ngôi chùa đang được xây dựng trên đảo.
Đảo Đá Nam
Đá Nam cũng nằm trong vùng biển với Song Tử Tây. Đây là dạng đảo chìm, nghĩa là giữa biển có một bãi san hô, khi thủy triều lên thì ngập hết, thủy triều rút thì có chỗ nhô lên chút ít. Bộ đội ta dựng đồn giữ biển trên những chỗ nhô lên ấy. Mấy năm gần đây ta đã cho xây nền, tôn cao phần nhô lên giữa biển đó và xây nhà kiên cố để vững chắc thêm vọng gác tiền tiêu nơi hải đảo quê hương.
Toàn cảnh đảo Đá Nam giữa trùng khơi (nhìn từ tàu sang). Trên một khoảng diện tích nhỏ nhoi, nhưng là đất của Tổ quốc, các chiến sĩ ta sống và canh gác lãnh thổ đất nước.
Đảo quanh năm nắng gió và sóng biển. Một chút rau xanh thôi cũng biết bao khó nhọc. Đây là vườn rau thanh niên trên đảo: rau được trồng vào các thùng gỗ đựng đất từ bờ mang ra rồi đậy nắp che nắng, gió.
Văn công đến với các chiến sĩ đảo (hai người đứng là thành viên của đoàn).
Trong đoàn đi có các diễn viên của Nhà hát chèo Hà Nội, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát múa rối Thăng Long. Cô diễn viên đang hát cùng các chiến sĩ đây là Thúy Hằng, nhà hát chèo HN. Thúy Hằng vào vai Thị Mầu rất giòn, rất lẳng, hát cũng rất tung tẩy, tự nhiên. Tốp diễn viên ra đảo lần này quả thực đã phục vụ nhiệt tình, sôi nổi, mang lại cho các chiến sĩ đảo nhiều niềm vui, nỗi nhớ.
Đá Tây
Có ba đảo Đá Tây A, B, C. Trong các đảo chìm ở Trường Sa thì Đá Tây được coi như “thủ đô”. Đoàn lên thăm đảo Đá Tây A.
Nơi tôi đứng là đảo Đá Tây A. Phía sau lưng là trạm nuôi trồng thủy sản của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bãi cát có dáng hình bản đồ Việt Nam.
Trên trạm nuôi trồng thủy sản này có một cái miếu khắc ghi bài thơ thần tương truyền của Lý Thường Kiệt. Ai lên đây cũng đều kính cẩn thắp hương, nguyện giữ vững bờ cõi giang sơn của cha ông để lại.
Tàu cập bến chứ không phải đi xuồng vào như ở các đảo khác. Trường Sa Lớn là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Đơn vị hành chính của đảo là thị trấn Trường Sa.
Đón quà đất liền lên đảo.
Trên đảo có đường băng sân bay, tuy chỉ mới dành cho máy bay trực thăng. Theo kế hoạch, đường băng này sẽ được kéo dài thêm để trong tương lai có thể đón được máy bay dân dụng ra đảo.
Trẻ em trên đảo chơi ô ăn quan, một trò chơi dân gian tuổi nhỏ nay hầu như đã biến mất, ngay cả ở nông thôn. Tôi nhìn cảnh này rất xúc động thấy sự bình yên và hồn nhiên của cuộc sống. Mong sao hòa bình luôn được bền vững cho xứ sở chúng ta.
Hòa bình để bãi biển Trường Sa rồi cũng sẽ thành một điểm đến du lịch hấp dẫn cho mọi người.
Sau một đêm lưu lại đảo Trường Sa Lớn, tàu lại nhổ neo tiếp tục cuộc hành trình.
Đá Lát
Tàu đến đảo Đá Lát. Đây cũng là một đảo chìm. Cách xây dựng cũng giống như ở Đá Nam, Đá Tây.
Súng ta canh giữ biển đảo của ta.
Đảo chật, nghệ sĩ và chiến sĩ ngồi dọc hành lang hẹp ca hát cùng nhau (“Thị Mầu” Thúy Hằng).
Nước mắt người về chia tay lính đảo.
BDN ( Biên tập từ bài viết và ảnh của Phạm Xuân Nguyên)