BienDong.Net:- Hái lượm các loại rong tảo biển, bắt các loại sò ốc, câu cá quanh gành bằng dây câu, đánh cá trong lộng bằng thúng chai, ghe nhỏ và lưới gai cùng với đứng bè rớ ở cửa sông, cửa biển là các kiểu đánh bắt quen thuộc lâu đời của ngư dân Quảng Ngãi và vẫn tồn tại cho đến ngày nay: “Ai dài cần, dài nhợ ra khơi/ Tui ngắn cần, ngắn nhợ, tui nhắp chơi trong gành/ Đêm khuya gió mát trăng thanh/ Họa may con cá cựu nó dựa gành giỡn trăng”.
Đánh cá bằng lưới mành, lưới quét, câu mực ngoài khơi xa là một bước tiến đáng kể của ngư nghiệp Quảng Ngãi và cả nước. Lúc này hải sản đánh bắt được đã khá phong phú về chủng loại, dồi dào về số lượng. Các ngư trường ở vùng biển Quảng Ngãi vốn dồi dào về tiềm năng khai thác thuỷ hải sản đã trở nên quen thuộc với ngư dân. Có lẻ đến lúc này các bài vè kể đến hàng trăm loại cá biển mới bắt đầu xuất hiện hoặc được “bổ sung” cho thêm phong phú.
Lễ hội cúng cá ông ở vạn chài Hải Ninh (Bình Sơn)- Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Cùng với thời gian và thực tế lao động, kinh nghiệm đi biển của ngư dân Quảng Ngãi đã được nâng lên rõ rệt. Họ đã có thể nhìn trời, nhìn mây, nhìn màu nước biển mà phán đoán khá chính xác về thời tiết, về luồng cá di chuyển trên ngư trường: “Đời ông cho chí đời cha/ Mây phủ Sơn Trà không gió thì mưa”.
Kinh nghiệm đi biển chắc chắn là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến triều đình tuyển chọn ngư dân Quảng Ngãi sung vào các đội Hoàng Sa, Bắc Hải, bởi vì một chuyến đi trên biển kéo dài sáu tháng, ngoài sức khoẻ, lòng can đảm, ngư dân cần có kinh nghiệm dồi dào để kịp thời đối phó với những bấc trắc có thể xảy ra trên biển bất cứ lúc nào.
Sự hình thành các vạn chài, phường đánh cá dọc theo vùng ven biển và hải đảo Lý Sơn, đánh dấu những chuyển biến xã hội do tác động của sự phát triển ngư nghiệp. Vạn chài được tổ chức chặt chẽ, vừa gắn kết do điều kiện sản xuất vừa quần tụ do nhu cầu tâm linh. Từ các làng thuần nông, xem đánh cá là nghề phụ dần dần hình thành các làng kết hợp nông – ngư, thậm chí có một số làng các vạn chài đã giữ vai trò chính trong sản xuất và sinh hoạt của làng như Thạch Bi (Sa Huỳnh, Đức Phổ), Tuyết Diêm (Bình Thuận, Bình Sơn).
Lượng thuỷ hải sản thu được khá dồi dào dẫn đến sự hình thành và phát triển một số làng kết hợp đánh bắt hải sản và chế biến mắm ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), Kỳ Tân – An Chuẩn (Mộ Đức), Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh)… Người làm mắm đã có niềm tự hào khi sản phẩm mà mình làm ra không kém so với sản phẩm nông nghiệp, diêm nghiệp, góp phần vào đời sống no ấm của cộng đồng: “Muối Xuân An, mắm Tịnh Kỳ/ Khoai lang dưới Trảng, gạo thì Đường Trung”.
Sản xuất ngư nghiệp vượt khỏi thời kỳ tự cung, tự cấp. Thuỷ sản đã trở thành hàng hoá có sức hút mạnh mẽ trên thị trường trong tỉnh, trong nước; một số mặt hàng tham gia vào thị trường xuất khẩu qua ngã Thu Xà – Phú Thọ hoặc Hội An. Ghe kinh (ghe buôn bán đường sông) và nậu rỗi giữ vai trò quan trọng trong việc phân phối thuỷ hải sản nội địa, đặc biệt là vùng trung du, miền núi, vừa trang trải nguồn thực phẩm đến nhiều vùng trong tỉnh, vừa thu hút nguồn lợi lâm thổ sản phục vụ thị trường buôn bán ngoài tỉnh và xuất khẩu.
Nhưng bức tranh ngư nghiệp Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung trong ca dao dân ca không phải chỉ toàn một màu tươi sáng. Biển Đông đầy giông gió, bão tố bất ngờ luôn đe dọa tính mạng người đi biển.
Dọc vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn, đời này qua đời khác có biết bao nhiêu ngôi mộ mà bên dưới nấm đất không hề có xương cốt của người khắc tên lên bia đá. Dân gian gọi đó là “mộ gió”, vì đây chỉ là ngôi mộ tượng trưng của những người đi biển gặp nạn, xác thân vĩnh viễn gởi lại với biển khơi.
Cũng chính vì những mối hiểm nguy trên biển như vậy mà con người đã cầu xin đến sự chở che, độ trì của các thế lực siêu linh, khuất mặt. Tục thờ cúng cá ông với niềm tin rằng loài cá “huyền thoại” ấy chính là vị thần hộ mệnh trên biển đã hình thành trong bối cảnh đó. Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều bằng chứng xác đáng để khẳng định tục thờ cúng cá ông của cư dân ven biển Nam Trung bộ, trong đó có cư dân ven biển Quảng Ngãi, bắt nguồn từ tín ngưỡng của người Chăm. Sự thật đó không hề làm cho niềm tin của người đi biển suy giảm. Người Chăm, người Việt hay bất cứ người đi biển nào cũng mong có được sự yên bình, được thần linh độ mạng những lúc nguy nan. Nhiều lăng thờ cá ông được dựng lên ở các vạn dọc vùng ven biển và huyện đảo Lý Sơn, cho đến nay vẫn sớm tối khói hương thờ phụng, là vì tín ngưỡng, niềm tin và khát vọng một cuộc sống no đủ, hạnh phúc.
Có thể nói rằng, cuộc hành trình hướng biển của bao thế hệ người Quảng Ngãi đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản hùng ca làm chủ biển khơi của người Việt trong lịch sử. Bản hùng ca ấy đã đang và sẽ còn vang vọng trong tâm tư tình cảm bao thế hệ ngư dân Quảng Ngãi, mặc cho sóng gió hung hãn của thiên nhiên và sự man trá, điêu ngoa của những thế lực manh tâm cướp trắng miếng cơm manh áo của người đi biển: “Trông lên tới đỉnh Hòn Son/ Son còn đỏ rực anh còn ra khơi”.
Cầu cho niềm tin ấy mãi mãi còn ở lại, mãi mãi mang lại cho những người đi biển cuộc sống no ấm, yên bình. Cầu cho con thuyền hạnh phúc luôn đầy ăm ắp như cá mực đầy khoang.
Lê Hồng Khánh