Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC CAN THIỆP THÔ BẠO VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA...

TRUNG QUỐC CAN THIỆP THÔ BẠO VÀO CÔNG VIỆC NỘI BỘ CỦA ASEAN

AMM-45 kết thúc tại PhnomPenh hôm 13/7/2012
mà không ra được Thông cáo chung. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn
tại của ASEAN không có Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN. Các
chuyên gia đều cho rằng nguyên nhân của sự kiện chưa từng có tiền lệ này là do
sự can thiệp thô bạo của Trung Quốc vào công việc nội bộ của ASEAN.

Với việc không ra được Tuyên bố chung của
AMM-45, nước chủ nhà Campuchia đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình vì họ đã
hy sinh lợi ích chung của ASEAN trước “mệnh lệnh” của Bắc Kinh. Có ý kiến đã nhận
xét rằng “Campuchia đã bị Trung Quốc mua với giá rẻ mạt”. Ngoại trưởng
Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố hôm 12/7: ASEAN không ra được thông cáo
chung là “vô trách nhiệm”, đồng thời phê phán việc Campuchia đã tiết lộ cho bên
ngoài nội dung trao đổi về vấn đề Biển Đông giữa các nước ASEAN. Rõ ràng ông
Ngoại trưởng Marty Natalegawa đã lên án hành động vô trách nhiệm của Campuchia
đã tiếp tay cho những việc làm sai trái, thô bạo của Trung Quốc.

Trong suốt quá trình hội nghị, tại AMM cũng
như các cuộc họp giữa ASEAN với các đối tác vấn đề Biển Đông luôn nổi lên ở vị
trí hàng đầu với những phát biểu mạnh mẽ của hầu hết các nước tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị ARF 19, Ngoại trưởng của 20 trong tổng số 27 nước, tăng 4 nước so
với ARF 18 tham dự đã bày tỏ lo ngại trước những hành động hiếu chiến bất chấp
luật pháp quốc tế của Bắc Kinh ở Biển Đông gần đây, rất nhiều tiếng nói trong
đó có Ngoại trưởng Mỹ và Ngoại trưởng Ấn Độ đã yêu cầu “không có bất kỳ sự hăm
dọa hay áp lực chiến thuật nào” trong vấn đề Biển Đông. Điều này thể hiện sự
quan tâm lớn của cả cộng đồng quốc tế trước mối đe dọa của tình hình Biển Đông.
Trong khi đó, Campuchia kiên quyết đòi gạt bỏ nội dung về vấn đề Biển Đông ra
khỏi Tuyên bố chung là một hành động không thể chấp nhận được. Điều đáng chê
trách là Ngoại trưởng của nhiều nước ASEAN đã cố gắng đưa ra gần 20 phương án về
vấn đề Biển Đông để đưa vào Tuyên bố chung AMM-45 nhưng đến buổi họp cuối cùng,
ông Ngoại trưởng Campuchia tuyên bố một câu xanh rờn rằng “hoặc là có Tuyên bố
chung trong đó không đề cập đến vấn đề Biển Đông, hoặc là không có Tuyên bố
chung”.

Để biện minh cho hành động của mình ông Ngoại
trưởng Campuchia Hor Nam Hong rêu rao trong cuộc họp báo sau Hội nghị AMM-45 rằng
“tranh chấp trên Biển Đông là chuyện song phương giữa một số nước ASEAN với
Trung Quốc, không phải cả khối. Vì vậy các bên tự giải quyết với nhau theo
Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Không thể biến hội nghị này
thành nơi phán quyết bên nào đúng bên nào sai”. Khi các phóng viên hỏi “Tại sao
tuyên bố của ASEAN đề cập các vấn đề an ninh khác như tình hình bán đảo Triều
Tiên, Trung Đông lại không thể đề cập đến tình hình Biển Đông?”, ông Hor Nam
Hong lấp liếm rằng do “các vấn đề đó không liên quan trực tiếp đến ASEAN trong
khi tranh chấp Biển Đông liên quan rất trực tiếp đến ASEAN”. Thử hỏi cách nguỵ
biện của ông Hor Nam Hong như vậy có thuyết phục được không? Tình hình căng thẳng
ở Biển Đông đe dọa trực tiếp đến hoà bình ổn định và thịnh vượng chung của cả
khu vực và “liên quan rất trực tiếp đến ASEAN” như ông Hor Nam Hong nói mà lại
không đưa vào văn kiện quan trọng của ASEAN. Chúng ta còn nhớ khi xảy ra xung đột
giữa Campuchia và Thái Lan xung quanh vấn đề đền Preah Vihear, chính ông Hor
Nam Hong là người kêu gọi ASEAN đóng góp vai trò trong giải quyết tranh chấp, vậy
mà giờ đây ông lại có thể nói một cách lạnh lùng rằng “Biển Đông là vấn đề song
phương, không phải vấn đề của ASEAN”. Lời nói của ông Hor Nam Hong là mâu thuẫn
và bất nhất, thậm chí Campuchia còn đổ vấy cho Việt Nam và Philippines là “bắt
nạt” nước khác. Vấn đề Biển Đông được đề cập trong tất cả các cuộc họp lần
này với sự quan ngại sâu sắc từ nhiều phía. Phần lớn các Bộ trưởng ASEAN đều thấy
cần thiết phải đề cập tình hình nóng bỏng ở biển Đông trong tuyên bố chung và
việc này là hết sức bình thường, không hàm ý đứng về bên nào. Song Campuchia đã
bất chấp tất cả những ý kiến mang tính xây dựng để thực hiện “chỉ thị” của Bắc
Kinh là không đưa nội dung vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung của AMM-45.

Dư luận đặt ra nhiều câu hỏi động lực nào
đã thúc đẩy Campuchia hành xử bất chấp ý kiến của tất cả các nước ASEAN như vậy?
Mọi người đều thấy rất rõ là do Trung Quốc đã hậu thuẫn sau lưng Campuchia để
chống lại những đồng thuận chung trong ASEAN, vi phạm những nguyên tắc chung của
ASEAN, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của quan hệ quốc tế “không can thiệp
vào công việc nội bộ của nước khác”. Nhiều chuyên gia cho rằng Trung Quốc đã
dùng tiền để mua chuộc Campuchia chống lại tập thể các nước thành viên ASEAN.

Việc AMM-45 không ra được Tuyên bố chung là
hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước ASEAN trong việc nỗ lực duy trì sự đoàn kết nội
bộ. Qua vụ việc này, người ta đã thấy rõ chính sách hai mặt của Campuchia, có ý
kiến cho rằng Campuchia có còn xứng đáng là một thành viên trong cộng đồng
ASEAN nữa không hay họ đang trở thành “con sâu” thực hiện mệnh lệnh của Trung
Quốc phá hoại những nỗ lực chung của các nước ASEAN.

Sau những gì diễn ra ở PhnomPenh từ ngày 8
đến 13/7/2012 dưới sự điều hành của nước chủ nhà Campuchia, đã xuất hiện những
ý kiến đề cập  vấn đề: nếu tình hình tiếp
tục diễn biến xấu như vừa qua, Trung Quốc tiếp tục mua chuộc, gây sức ép và
Campuchia tiếp tục hy sinh lợi ích chung của ASEAN để “chiều lòng” Bắc Kinh thì
nguyên thủ các nước có nên đến PhnomPenh dự các Hội nghị cấp cao liên quan của
ASEAN trong tháng 11 tới đây không? Campuchia đã vi phạm những nguyên tắc của
ASEAN, tiết lộ các thông tin trao đổi nội bộ cho bên thứ 3 và giới báo chí một
cách vô trách nhiệm và không hoàn thành vai trò của nước chủ nhà trong Hội nghị
AMM-45, một hội nghị quan trọng để chuẩn bị cho các Hội nghị cấp cao liên quan
của ASEAN vào cuối năm. Liệu Campuchia có thể từ bỏ những “cám dỗ” về vật chất
của Bắc Kinh để thực hiện đúng vai trò trọng trách mà các nước ASEAN đã giao
phó hay không?

Theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu thì
Campuchia đã rơi vào vòng xoáy của Bắc Kinh thì rất khó có thể rời khỏi “vòng
tay kim cô” của Bắc Kinh thao túng. Việc làm của Campuchia là rất đáng chê
trách nhưng hành động của Bắc Kinh can thiệp thô bạo vào công việc của ASEAN
thì cần phải lên án mạnh mẽ, hành động này không chỉ thách thức lòng kiên nhẫn,
tình đoàn kết của các thành viên trong ASEAN mà còn thách thức cả cộng đồng quốc
tế trong mối quan tâm chung về an ninh Biển Đông. Các chuyên gia còn cho rằng
ngoài việc vận động, gây sức ép đến các quốc gia không liên quan trực tiếp đến
vấn đề biển Đông như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc còn tìm cách
chia rẽ các nước có tranh chấp ở Biển Đông là Malaysia, Việt Nam, Philippines
và Brunei để thực hiện ý đồ “bẻ gãy từng chiếc đũa”, triển khai chính sách
“chia để trị”. Các nước ASEAN cần hết sức cảnh giác để giữ được nguyên tắc của
mình.

Sau khi thực hiện được ý đồ chi phối
Campuchia không ra Tuyên bố chung của AMM-45, Trung Quốc đã tỏ ra hoan hỉ ra mặt.
Theo Tân Hoa Xã Trung Quốc đưa tin, trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen
bên lề hội nghị ở PhnomPenh, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã bày tỏ lòng biết
ơn đối với “sự ủng hộ bền bỉ và kiên định” của Campuchia trong những vấn đề có
liên quan đến “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Đó chính là vấn đề Biển Đông đã
được Trung Quốc coi là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc từ năm 2010.

Qua Hội nghị AMM-45 và các hội nghị liên
quan ở PhnomPenh vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã thâu tóm và chi phối hoàn toàn
Campuchia. Trung Quốc rất thạo trong việc gây sức ép, chia để trị và thao túng.
Chúng ta cần hết sức cảnh giác trước những chiêu bài “ném đá giấu tay” quen thuộc
của Trung Quốc. Trong lịch sử, Trung Quốc đã không từ một thủ đoạn nào để ngăn
cản chống phá Việt Nam mà điển hình là trong những năm 70 của thế kỷ 20, Trung
Quốc đã dùng bàn tay của Khơ-me-đỏ ở Cămpuchia để gây ra cuộc chiến tranh biên
giới phía Tây Nam chống lại Việt Nam. Giờ đây, Trung Quốc lại sử dụng Cămpuchia
để chống lại Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam cần nhìn nhận lại các mối
quan hệ láng giềng này để có cách ứng xử thích hợp với cả Trung Quốc và
Campuchia trong thời gian tới, không để sự cấu kết này gây tổn hại cho lợi ích
quốc gia của nhân dân Việt Nam.

                                                                          
Thành

RELATED ARTICLES

Tin mới