Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLuật Biển Việt Nam có một giá trị pháp lí to lớn,...

Luật Biển Việt Nam có một giá trị pháp lí to lớn, như một “UNCLOS” con

BienDong.Net: Cho rằng việc ban hành Luật Biển Việt Nam là một trong những bước đi quan trọng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) khẳng định Việt Nam phải tiến ra biển một cách quyết liệt và vững chắc cho dù còn rất nhiều việc cần làm…

Cụ thể hóa bằng các “Luật con”

Trò chuyện với báo chí, người đàn ông mái tóc bạc trắng, cả đời gắn mình với biển và đại dương bảo rằng, khi mới thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (năm 2008), hệ thống chính sách quản lý tổng hợp biển gần như là con số không. Trong khi đó, muốn quản lý tốt thì phải xây dựng một loạt chính sách pháp luật toàn diện, liên ngành.

alt

Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi ( Ảnh Trung Hiền )

“Cái khó khi ấy với những nhà quản lý chính là việc không có một ‘Luật Mẹ’ để làm cơ sở ban hành các đạo luật nhỏ hơn hoặc các văn bản chính sách dưới luật. Và vừa rồi, rất mừng là Luật Biển Việt Nam – đạo ‘Luật Mẹ’ đã được ban hành,” ông Chu Hồi nói.

Theo vị chuyên gia này, Luật Biển Việt Nam có một giá trị pháp lí to lớn, như một “UNCLOS con”, tức Công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển 1982 ở cấp quốc gia.

Về chuyện có một số luồng dư luận phản đối Luật Biển Việt Nam, với kinh nghiệm quốc tế của mình, ông Chu Hồi cho hay, Việt Nam tham gia và là thành viên của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Và, “khi anh tham gia công ước, anh phải thực hiện, phải nội luật hóa nó trở thành Luật của mình để thực hiện ở cấp quốc gia”. 

“Anh phản đối nghĩa là anh đã vi phạm và tước cái quyền thành viên Công ước Luật biển 1982 của tôi. Bản thân anh là thành viên mà không tuân thủ thì đã là một khuyết điểm, là thiếu trách nhiệm với Liên hiệp quốc, với nhân loại. Đằng này anh lại xấu hơn khi thực hiện cái quyền ấy theo kiểu của anh, sau đó lại định cản trở người khác không thực hiện được cái quyền đó,” ông Chu Hồi nhấn mạnh.

Mừng vì đã có “Luật Mẹ,” song ông Chu Hồi cho rằng Việt Nam tiếp tục phải ra những đạo luật nhỏ hơn để thực hiện triệt để quyền làm chủ cũng như tiến ra biển một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ông lưu ý, chủ quyền biển đảo chỉ được khẳng định tốt khi chúng ta khai thác có hiệu quả trên vùng biển của mình. 

Phải gấp rút đào tạo nhân lực biển

Ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, đầu tư trang thiết bị, máy móc, thiết bị…, ông Chu Hồi thẳng thắn nhận định nguồn nhân lực về biển của Việt Nam đang rất hổng. 

Theo ông, Việt Nam có Đại học Hàng hải nhưng dạy nhiều môn ngoại ngành như kế toán, thậm chí dạy cấp 2, cấp 3… để duy trì đội ngũ giáo viên làm nốt những công việc của ngành hàng hải. Đại học Thủy sản Nha Trang thì không còn nữa mà giờ ghép thành Đại học Nha Trang cho vùng Nam Trung Bộ và những khoa về biển chỉ chiếm số nhỏ trong đó.

“Chúng ta cần người ra biển nhưng bản thân người học xong không có đất dụng võ. Nghề cá từ xưa đến nay đánh bắt nhỏ lẻ, qui mô hộ gia đình, quản lý theo dòng tộc kiểu ‘người nhà,’ chưa có các tổ hợp đánh cá lớn, không có tập đoàn đánh cá nên nhiều người học xong cũng buộc phải chuyển nghề để mưu sinh. Thậm chí, năm học mới vừa thi xong còn quá ít học sinh đăng ký thi vào các ngành, nghề biển,” ông Chu Hồi chỉ rõ.

Phân tích, ông cho rằng hiện nhân lực về biển thiếu ở 4 mảng chính. Thứ nhất là nguồn nhân lực “hành nghề” khoa học-công nghệ biển. Hiện nay, VN thiếu kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành về biển.

Trong 30 năm trở lại đây, nhiều chương trình/đề án/dự án của Nhà nước, các ngành và địa phương về khoa học-công nghệ biển được tiến hành, nhưng về phạm vi điều tra, nghiên cứu vẫn còn bó hẹp ở vùng ven bờ, chưa đồng bộ, chưa chú trọng các vấn đề công nghệ biển, chưa có nhiều địa chỉ ứng dụng…

Trong khi đó, muốn tiến ra biển, mạnh giàu từ biển thì công nghệ phải là tiêu chí hàng đầu. Không ai ra biển với một đội quân thuyền thúng, khai thác biển với mấy cái gầu được.

Nhà khoa học này cũng nhận định, tuy suất đầu tư về biển sẽ hao tâm, tổn lực, nhưng giá trị của nó đem lại sẽ lâu dài và rất lớn.

Thứ hai, VN thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật. Bởi thế, trong mỗi lĩnh vực kinh tế biển, các ngành phải có bước đi riêng để phát triển nguồn nhân lực. Ví dụ với khai thác thủy sản thì cần cán bộ kỹ thuật nhiều hơn kỹ sư. Bởi thế, ngoài đại học, cần mở thêm các trường/lớp đào tạo kĩ thuật ngành biển (trung cấp nghề, công nhân kỹ thuật) để khi ra biển có thể xử lí tình huống xảy ra.

Thứ ba, ông Chu Hồi cho rằng quản lý về biển hiện nay đều là “tay ngang” và do đó, hiểu biết cơ bản về biển còn khá hạn chế. Thậm chí, trong nhiều cơ quan lớn về biển, số người am hiểu về biển cũng chỉ trên đầu ngón tay. Do đó, cần phải “đào tạo lại” một cách bài bản nguồn nhân lực hiện có quan trọng này.

Cuối cùng là người dân. Trong bối cảnh mới, VN cần phải bố trí lại qui hoạch dân cư biển, đảo để gắn với phát triển kinh tế đa mục đích. Đó không chỉ đơn thuần là việc đưa dân ra đảo mà cần đầu tư xây dựng năng lực ‘tự ứng xử’ cho các cộng đồng và người lao động biển đảo; đào tạo cho họ về kiến thức, nhận thức về tài nguyên, môi trường, ứng phó với thiên tai, nhân tai,…để họ yên tâm bám biển, xử lí được các tình huống xấu trên biển.

“Có một chiến lược, bước đi tổng thể và bài bản như vậy, Việt Nam mới có thể tiến ra biển một cách vững chắc để khẳng định vị thế, chủ quyền biển đảo của Việt Nam,” ông Chu Hồi nói

Nguyễn Tâm

RELATED ARTICLES

Tin mới