Friday, April 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnLiêu Ninh - Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

Liêu Ninh – Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc

BienDong.Net: Sau một thời gian dài dùng dình, úp mở về thời điểm ra mắt cũng như tên gọi của nó, cuối cùng thì tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cũng được chính thức biên chế cho hải quân hôm 25.9 trong buổi lễ tại cảng Đại Liên với sự tham dự của các nhà lãnh đạo hàng đầu kể cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, nguồn tin báo chí Trung Quốc cho biết.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng việc tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động là một mốc son trong lịch sử quân sự và phát triển vũ khí của Trung Quốc, là một bước tiến vĩ đại trong việc truyền cảm hứng yêu nước, tinh thần dân tộc và dẫn dắt những công nghệ quốc phòng.

“Nó cũng là một bước tiến lớn trong việc tăng cường sức mạnh phòng thủ quốc gia và sức mạnh toàn diện của đất nước”, ông Ôn khẳng định.

 

“Tàu sân bay sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao khả năng tác chiến tổng thể của hải quân Trung Quốc lên tầm hiện đại”, Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung quốc nhấn mạnh. Con tàu “ sẽ tăng cường khả năng phòng thủ, phát triển khả năng phối hợp hoạt động ở vùng biển xa trong khi đối phó với những mối đe dọa an ninh phi truyền thống”.

 

Tàu Liêu Ninh, được đặt theo tên của tỉnh nơi tân trang tàu, là một tàu cũ của Liên Xô và được mua lại từ Ukraina. Con tàu này dài 300 m, có độ choán nước xấp xỉ 50.000 tấn, có khả năng mang 26 chiến đấu cơ J-15, 18 trực thăng ASW/SAR Helo (Ka-27) và 4 trực thăng AEW Helo (Z-8, Ka-31), có tin sẽ chính thức hoạt động vào ngày 1.10, kỉ niệm Quốc khánh Trung Quốc.

 

Hiện tàu không hoạt động như hàng không mẫu hạm, mà sẽ phục vụ công tác huấn luyện.

Việc tàu sân bay Trung Quốc đi vào hoạt động diễn ra vào thời điểm căng thẳng do tranh chấp chủ quyền biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc được đánh giá là ngày càng có động thái hung hăng với các nước như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam.

Trung Quốc đã hủy lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao với Nhật, do tranh chấp đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines, Việt Nam trong năm nay cũng gia tăng trên Biển Đông.

 

Trong một tin phát đi từ Bắc Kinh, phóng viên BBC nhận định: Trung Quốc đã chi tiền tỉ cho lực lượng vũ trang để tạo sức mạnh quân sự vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới Trung Quốc, và việc trang bị tàu sân bay đầu tiên là tín hiệu cho thấy Trung Quốc là một cường quốc đang lên.

 

Thời báo Thượng Hải dẫn lời một chuyên gia thuộc Học viện Hải quân Trung Quốc cho biết mặc dù được đưa vào phiên chế quân đội trong năm 2012, nhưng con tàu sẽ chỉ sẵn sàng phục vụ chiến đấu từ năm 2017. Chuyên gia này cho biết thông thường cần khoảng ba năm để tiến hành thử nghiệm và đưa tàu sân bay dần vào hoạt động. Sau đó cần 5 năm nữa để chuẩn bị cho tàu sẵn sàng trực chiến.

 

Bắc Kinh chưa thông báo chính thức về việc tàu này sẽ được biên chế vào hạm đội nào trong số ba hạm đội Nam Hải, Đông Hải và Bắc Hải.

Có tin ngoài tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đang xúc tiến đóng một số tàu sân bay do họ tự thiết kế trong nước. Mặc dù chỉ ra nhiều hạn chế của tàu Liêu Ninh, một số chuyên gia nhận xét rằng từ thực tế phát triển công nghệ bom nguyên tử và tên lửa vũ trụ cho thấy Trung Quốc sẽ tiến rất nhanh trong việc chế tạo vũ khí chiến lược mà họ đang theo đuổi là tàu sân bay nhằm thoả mãn tham vọng biển của họ.

Chính vì thế, mặc dù là nước cuối cùng trong số các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ trang bị tàu sân bay, song con tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc lại được dư luận săm soi đặc biệt với con mắt đầy nghi ngại.

Tàu sân bay của Trung Quốc đã trải qua 10 lần chạy thử với lần dài nhất kéo dài 25 ngày trên biển. Kế hoạch đặt tên cho chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái, với những cái tên được tung ra như Thi Lang, Mao Trạch Đông, Bắc Kinh, Hồ Bắc…Ông La Viện, phó tổng thư ký Hội Khoa học Quân sự Trung Quốc, nhân vật diều hâu nổi tiếng đề xuất đặt tên tàu sân bay này là Điếu Ngư để “nhấn mạnh chủ quyền” đối với quần đảo tranh chấp với Nhật Bản.

Theo các chuyên gia, dường như việc đặt tên tàu sân bay lần này vẫn tuân theo một nguyên tắc nhất định, theo đó tàu tuần dương được đặt tên theo tên đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu tự trị; tàu khu trục và tàu hộ vệ được đặt theo tên thành phố lớn và vừa; tàu ngầm được đặt theo tên huyện; tàu tiếp tế đặt theo tên hồ nước; tàu dò mìn đặt theo tên châu tự trị; tàu đổ bộ xe tăng được đặt theo tên núi và tàu đổ bộ bộ binh đặt theo tên sông.

 

Một số hình ảnh tại lễ bàn giao tàu Liêu Ninh

alt

altalt

 

Bạch Đằng (tổng hợp)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới