Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCHIẾN LƯỢC “XÂM LẤN” BẰNG BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC

CHIẾN LƯỢC “XÂM LẤN” BẰNG BẢN ĐỒ CỦA TRUNG QUỐC

(BĐN) – Người ta biết đến Trung Quốc với một nền văn hóa có lịch sử lâu đời, có số dân đông nhất thế giới và có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong thời gian gần đây…

Nhưng gần đây người ta lại phát hiện ra ở Trung Quốc nhiều điều thú vị chưa từng có tiền lệ trên thế giới như vẽ các yêu sách về lãnh thổ lên hộ chiếu, lên đồ lưu niệm, lên hàng hóa, lên danh thiếp của các quan chức Trung Quốc và đặc biệt là thực hiện chiến lược phát hành các loại bản đồ để “xâm lược” những vùng lãnh thổ, vùng biển của các nước láng giềng xung quanh.

Từ những thập kỷ 40 của thế kỷ 20, Trung Quốc đã tùy tiện vạch lên bản đồ của họ một cái đường giống như hình lưỡi của con bò ở Biển Đông (gọi là “đường lưỡi bò”) và chẳng một ai có thể hiểu nổi đó là cái gì. Rồi thời gian trôi đi, Trung Quốc coi cái đường vẽ chẳng giống một ai đó là yêu sách về vùng biển của họ ở Biển Đông. Khi bị chất vấn thì Trung Quốc cũng chẳng thể giải thích được cơ sở để họ vạch ra cái đường phi lý đó. Đùng một cái, hơn 60 năm sau, tháng 5/2009 Trung Quốc gửi lên Uỷ ban Thềm lục địa Liên hợp quốc cái bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” đó kèm theo công hàm phản đối Báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý của Việt Nam và Malaysia, nhưng cũng không có một lời giải thích về tấm bản đồ này. Thế mà họ lại tuyên bố rằng cái “đường lưỡi bò” quái gở đó là “đường biên giới” trên biển của họ để rồi đòi hỏi yêu sách chủ quyền đối với các quần đảo và vùng nước bên trong “đường lưỡi bò”. Với âm mưu hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý đó, họ cho tàu chiến, tàu hải giám, tàu hải tuần, tàu ngư chính…“tuần tiễu” theo “đường lưỡi bò” được vẽ trên các bản đồ. Cả cộng đồng quốc tế đều phê phán cách làm thô thiển đó của Trung Quốc, song họ đều bất chấp. Nếu cứ với cách làm này thì có thể đến một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ vạch một đường sang tận châu Mỹ lên bản đồ rồi đòi yêu sách chủ quyền đến đó chăng?

Cuối tháng 11/2012, Trung Quốc cho phát hành bản đồ “Tam Sa”, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Mặc dù, về mặt pháp lý thì bản đồ do Trung Quốc xuất bản không có ý nghĩa về mặt chủ quyền của họ đối với 2 quần đảo này vì từ lâu 2 quần đảo này đã thuộc về Việt Nam; các nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục ít nhất là từ thế kỷ 17. Nhưng việc Trung Quốc xuất bản bản đồ “Tam Sa” là một bước leo thang trong việc xấm lấn Biển Đông.

Mới đây nhất, ngày 12/01/2013, Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo (tờ báo lớn nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc) đưa tin Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa chất quốc gia Trung Quốc (NASMG) sẽ phát hành bản đồ mới, trong đó lần đầu tiên thể hiện chi tiết, cụ thể các đảo ở Biển Đông, trong đó có các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bản đồ mới với định dạng theo chiều dọc, do Nhà xuất bản Sinomaps ấn hành, đã đề cập đến hơn 130 đảo ở Biển Đông. Phần lớn trong số này trước đây chưa được Trung Quốc mô tả trong các tấm bản đồ được định dạng theo chiều ngang. Ý đồ thôn tính Biển Đông của Trung Quốc thông qua việc xuất bản tấm bản đồ này là quá rõ ràng qua phát biểu của Giám đốc Nhà xuất bản Sinomaps, Xu Gencai. Ông ta ngang nhiên công bố mục đích ấn hành loại bản đồ mới là nhằm tăng cường nhận thức của người dân Trung Quốc về lãnh thổ quốc gia, bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc và thể hiện lập trường ngoại giao chính trị của nước này và rằng bản đồ mới mô tả rõ ràng các đảo lớn trên Biển Đông, biểu thị mối quan hệ địa lý của các đảo này với các đảo, quần đảo phụ cận và những quốc gia xung quanh. Còn Zhou Beiyan, người biên tập nội dung các bản đồ này nói: “Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được mô tả ở góc dưới cùng bên phải với tỷ lệ bằng một nửa so với tỷ lệ xích của bản đồ mô tả Đại lục”.

Việc xuất bản các loại là quyền của mỗi quốc gia, nên việc Trung xuất bản các loại bản đồ thì không có gì đáng nói. Tuy nhiên, việc đưa những vùng lãnh thổ, vùng biển của các nước khác vào tấm bản đồ của quốc gia mình là điều hoàn toàn sai trái, cần phải lên án. Đây chỉ có thể là cách làm của những kẻ có tư tưởng bành trướng, bá quyền luôn muốn thôn tính các nước khác. Ấy vậy mà những nhà cầm quyền ở Bắc Kinh vẫn luôn luôn rêu rao cho chủ trương “phát triển hòa bình” của họ. Với việc xuất bản tấm bản đồ mới này, phải chăng họ đang thông qua “biện pháp hòa bình” để cướp đoạt lãnh thổ và vùng biển của các nước khác.

Mặc dù, tấm bản đồ chính thức chưa thấy xuất hiện, nhưng việc các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin về việc xuất bản tấm bản đồ này đã bị dư luận quốc tế phê phán. Ngày 14/01/2013 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines (DFA) Raul Hernandez tuyên bố nước này sẽ có công hàm phản đối chính thức Trung Quốc nếu Manila phát hiện bản đồ mới của Bắc Kinh bao gồm các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Nhiều chuyên gia quốc tế đã đưa ra những bình luận phê phán cách làm thô thiển này của Trung Quốc. Ông Tetsuo Kotani, chuyên gia Học viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản phân tích: “Trung Quốc phát hành bản đồ mới này chỉ vì tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh quá ít cơ sở pháp lý”; chuyên gia Swee Lean Collin Koh của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam ở Singapore cho rằng: Việc phát hành tấm bản đồ mới này là “nằm trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc nhằm thể chế hóa các tuyên bố chủ quyền. Thông qua đó, nước này muốn truyền thông điệp với các bên tranh chấp rằng Bắc Kinh có quyết tâm chính trị đối với những quan điểm ngoại giao lâu nay”, đồng thời ông Koh nhấn mạnh “Bất luận thế nào, bản đồ mới của Trung Quốc nhằm mở rộng chủ quyền và quyền tài phán đều đã vượt ra ngoài sự cho phép của luật pháp quốc tế, ví dụ Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982. Vì thế, các nước khác sẽ không công nhận và chỉ trích Trung Quốc”.”; còn bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế – CSIS tại Mỹ thì nhận định rằng: “Đây là có thể là bước đầu tiên của Trung Quốc hướng tới làm rõ tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bòtrên Biển Đông”.

Các nhà nghiên cứu của Việt Nam cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xuất bản tấm bản đồ mới phi pháp này. Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã nhận định, giữa lúc căng thẳng gia tăng do tranh chấp chủ quyền lãnh hải với các nước láng giềng, Trung Quốc ngang nhiên cho phát hành các bản đồ thể hiện toàn bộ các đảo ở Biển Đông chứng tỏ ý đồ thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc. Ông Dương Danh Dy, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, đã từng nhiều năm công tác ở Trung Quốc, Nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu nói: từ chỗ không có gì ở Biển Đông, Trung Quốc đã ngang ngược lấn chiếm dần các đảo của Việt Nam và giờ lại trắng trợn gom hết các đảo trên Biển Đông vào trong bản đồ của họ. Ông Dy nhận định việc in bản đồ gom hết các đảo ở Biển Đông là bước leo thang mới của Trung Quốc. Vì vậy, phải cảnh giác với những hành vi này vì từ lấn chiếm trên giấy đến lấn chiếm trên thực địa không xa nhau là mấy. Ông đưa ra kết luận rằng phát hành bản đồ nuốt trọn Biển Đông là hành động “trắng trợn không hơn không kém”.

Như vậy, quá rõ ràng, Bắc Kinh đang bất chấp các quy định pháp lý quốc tế để theo đuổi chiến lược “xâm lấn” bằng bản đồ, từng bước thể chế hóa yêu sách chủ quyền phi pháp trên biển Đông. Theo các chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông, dù việc phát hành bản đồ của Trung Quốc là không có giá trị pháp lý nhưng nếu chúng ta không lên án mạnh mẽ chắc chắn Trung Quốc sẽ dùng nhiều thủ đoạn, bước đi nguy hiểm tiếp theo để đạt tới âm mưu cuối cùng đó là, thôn tính Biển Đông.

Việc vẽ các quần đảo, vùng biển của Việt Nam và các nước khác ở Biển Đông lên bản đồ chỉ là một bước đi trong chuỗi các sự kiện mà Trung Quốc đã gây ra trong thời gian gần đây, khiến cho tình hình Biển Đông liên tục căng thẳng. Nhưng họ chưa dừng ở đó, tiếp theo việc phát hành bản đồ Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động gây hấn trên thực địa nhằm vào các nước láng giềng để từng bước “hợp pháp hoá” tấm bản đồ sai trái đó với mục tiêu cuối cùng là độc chiếm Biển Đông. Từng quốc gia đơn lẻ sẽ rất khó khăn trong việc đối chọi với một Trung Quốc nhiều mưu mô xảo quyệt với. Do vậy, để chống lại hành vi ngang ngược của Trung Quốc cần sự thống nhất đồng lòng của các quốc gia. Trước hết, các quốc gia ven Biển Đông cần có sự đoàn kết, nhất trí trong từng bước đi, hành động để cùng lên tiếng phản đối mạnh mẽ tất cả những việc làm sai trái của Trung Quốc, vạch trần “bộ mặt thật” của Bắc Kinh trước cộng đồng quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế chống lại âm mưu “xâm lấn” Biển Đông của Trung Quốc./.

                                                                                BĐN

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới