Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTHÁI ĐỘ MẠNH MẼ CỦA QUỐC TẾ TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

THÁI ĐỘ MẠNH MẼ CỦA QUỐC TẾ TRÊN VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

(BĐN) – Giới nghiên cứu đánh giá rằng, năm 2012 là năm tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp và căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Số vụ việc gây hấn của Trung Quốc với các nước láng giềng tăng gấp 3 lần so với năm 2011, mức độ nghiêm trọng hơn, phạm vi mở rộng hơn và xâm phạm sâu hơn vào thềm lục địa của các nước ở Biển Đông. Động thái này đã gây nên phản ứng mạnh mẽ từ các nước láng giềng và mối quan ngại từ cộng đồng quốc tế về một Trung Quốc đang cố gắng thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông một cách quyết liệt và bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, Philippin, Malaysia như: tháng 4/2012 Trung Quốc gây ra tranh chấp kéo dài với Philippin ở khu vực bãi cạn Scarborough; tháng 6/2012 Trung Quốc tuyên bố thành lập “thành phố Tam Sa” và ra sức củng cố cơ quan hành pháp, lập pháp, quân sự hóa thành phố Tam Sa; đồng thời công bố mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam (cách bờ biển của Việt Nam chỉ khoảng 50 hải lý); tháng 8/2012 Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Malaysia trên thềm lục địa của Malaysia; tháng 11/2012, tàu cá Trung Quốc cắt cáp của tàu khảo sát Bình Minh 02 của Việt Nam trên thềm lục địa của Việt Nam ở vị trí chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 hải lý; cũng trong tháng 11/2012, Trung Quốc ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”. Trung Quốc còn dùng “tiểu xảo” cho in bản đồ “đường lưỡi bò” vào trong hộ chiếu. Đấy là còn chưa kể đến các hoạt động của các tàu chấp pháp Trung Quốc (hải giám, hải tuần, ngư chính); hoạt động diễn tập quân sự của tàu chiến và hoạt động của các tàu cá Trung Quốc.

Hoa Kỳ, trước những động thái đó của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ các nước trong khu vực lo ngại mà các nước ngoài khu vực cũng phản ứng rất mạnh mẽ. Hoa Kỳ là nước đi đầu trong việc phê phán những việc làm sai trái của Trung Quốc. Tại các hội nghị ở PhnomPenh trong năm 2012 (ARF, EAS và diễn dàn ASEAN – Hoa Kỳ), Hoa Kỳ đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông, kêu gọi “ tránh sự ép buộc, dọa dẫm, đe dọa và sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp” ở Biển Đông; giải quyết đa phương các tranh chấp ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng với tần xuất nhiều hơn. Đặc biệt, ngày 02/8/2012, Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết 524 đề cập trực tiếp đến 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ngày 03/8/2012 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chính thức tuyên bố rằng việc thành lập “thành phố Tam Sa” và việc quân sự hóa “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc là đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao tập thể để giải quyết bất đồng và càng làm tăng nguy cơ căng thẳng trong khu vực. Nhiều Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ như John Kerry, John Mccain, Jim Webb, Joseph Lieberman … phát biểu phê phán mạnh mẽ các hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính những hành động leo thang của Trung Quốc đã khiến Hoa Kỳ đẩy nhanh tiến trình” “tái cân bằng” ở khu vực để ngăn chặn sự hoành hành, bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc.

Châu Âu, cùng với Mỹ, các nước Châu Âu cũng tỏ thái độ rõ ràng và mạnh mẽ hơn đối với vấn đề Biển Đông vì họ lo ngại Trung Quốc càng lớn mạnh thì càng hành động táo tợn hơn để khống chế Biển Đông và cản trở đến tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, ảnh hưởng đến lợi ích của hầu hết các nước Châu Âu. Điểm nổi bật là chính các nước Châu Âu đã đề xướng đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự và văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEM 9 tại Lào, dẫn đến việc lần đầu tiên vấn đề Biển Đông được nêu ra tại Hội nghị cấp cao Á – Âu. Các nước Châu Âu cũng rất bất bình trước việc Trung Quốc Trung Quốc ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam” và cho in “đường lưỡi bò” vào trong hộ chiếu, một việc làm chưa từng có tiền lệ trên quốc tế. Theo một số nguồn tin, Đại diện của Hội đồng Châu Âu (EU) đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Brussels lên để bày tỏ sự lo ngại của mình trước việc làm này của Trung Quốc. Hành động hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại các chuẩn mực và luật pháp quốc tế mà các nước EU luôn đề cao chính là nguyên nhân làm cho các nước Châu Âu phải thể hiện quan điểm rõ ràng hơn trên vấn đề Biển Đông.

Vấn đề Biển Đông được Quốc hội và các đảng phái ở Đức, Anh, Ý… rất quan tâm. Tháng 2/2012, trả lời chất vấn của Quốc hội, Chính phủ Đức nhấn mạnh Đức quan tâm đặc biệt đến tự do, an toàn hàng hải và thương mại ở khu vực Biển Đông; tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết một cách hòa bình và Trung Quốc có trách nhiệm đặc biệt đối với sự ổn định của khu vực. Trước những biễn biến căng thẳng ở Biển Đông trong năm 2012, ngày 08/11/2012, Đảng đoàn SPD (Đảng đối lập lớn nhất trong Quốc hội Đức) đã có văn bản chất vấn Chính phủ về các tình hình căng thẳng ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với kinh tế thế giới “ai kiểm soát Biển Đông thì cũng kiểm soát một phần quan trọng của kinh tế thế giới”; hối thúc Chính phủ Đức cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong vấn đề Biển Đông, chất vấn “vì sao Đức không yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra thảo luận vấn đề Biển Đông khi giữ chức chủ tịch không thường trực Hội đồng bảo an trong nhiệm kỳ 2011-2012?”

Anh thể hiện rõ thái độ đối với tranh chấp Biển Đông thông qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định Anh có lợi ích lớn trong tự do hàng hải ở Biển Đông; nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Anh cùng với Italy là nước đi đầu trong việc đề nghị đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận và đưa vào văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEM 9 ở Viên Chăn. Nhiều nghị sĩ Anh bày tỏ quan tâm đến tình hình Biển Đông.

Nga tuy không công khai chỉ trích những hành động của Trung Quốc nhưng thi hành chính sách thực dụng trong vấn đề Biển Đông, tiếp tục “âm thầm” đẩy mạnh hợp tác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, bất chấp sự cản phá của Trung Quốc. Trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nga của ông Trương Tấn Sang tháng 7/2012 và trong chuyến thăm Việt Nam của ông Méc-ve-đép tháng 11/2012, Nga đều khẳng định kiên trì hợp tác dầu khí với Việt Nam trên thềm lục địa của Việt Nam phù hợp các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

Châu Á, 2 nước lớn được coi là có phản ứng mạnh trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông là Nhật Bản và Ấn Độ. Nhật Bản công khai phê phán yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, cho rằng yêu sách của Trung Quốc vượt quá các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; chủ động đề nghị thành lập Hội nghị cấp cao ASEAN – Nhật về an ninh biển. Chính phủ mới của Nhật đã chọn các nước ASEAN để tiến hành các chuyến thăm đầu tiên (Ngoại trưởng Nhật thăm Philippin; Thủ tướng Nhật Abe thăm Việt Nam). Ấn Độ cũng có thái độ rất rõ ràng trên vấn đề Biển Đông. Đáp lại việc Trung Quốc mời thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam (trong đó có lô 128 mà Công ty ONGC của Ấn Độ đang hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Chính phủ nước này công khai khẳng định ủng hộ và sẵn sàng bảo vệ các hoạt động dầu khí của ONGC của Ấn Độ tại lô 128 trên thềm lục địa Việt Nam. Ngày 03/12/2012, Tham mưu trưởng Hải quân Ấn Độ, Đô đốc D.K. Joshi khẳng định trong bối cảnh Trung Quốc nhanh chóng hiện đại hóa hải quân, Ấn Độ sẽ tăng cường bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông; cam kết bảo đảm cho Tập đoàn năng lượng Nhà nước Ấn Độ (ONGC) tham gia thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc nhằm kiểm soát, tiến tới khống chế rồi độc chiếm Biển Đông không thể không gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế. Các nước đều nhận ra rằng, Trung Quốc đã không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện tham vọng của mình; Trung Quốc càng lớn mạnh thì càng hành động táo tợn. Phản ứng mạnh mẽ của Hoa Kỳ, các nước Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ… trên vấn đề Biển Đông thời gian qua cho thấy, các nước không thể im lặng ngồi nhìn Trung Quốc “vẽ lại bản đồ hàng hải thế giới” và áp đặt “luật chơi của Trung Quốc” trên đại dương. Chắc chắn rằng, quốc tế sẽ lên tiếng mạnh mẽ và kiên quyết hơn trong vấn đề Biển Đông. Đó là điều mà Trung Quốc cần suy xét nghiêm túc để có bước đi khôn ngoan hơn.

BĐN

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới