Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPHÂN TÍCH KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG TUYÊN BỐ KHỞI KIỆN CỦA...

PHÂN TÍCH KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG TUYÊN BỐ KHỞI KIỆN CỦA PHILIPPINES

BienDong.Net: Ngày 22/01/2013, Philippines đã chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tạo bước đột phá mới trong việc sử dụng các cơ chế tài phán quốc tế để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Sự kiện này đã khiến giới nghiên cứu về Biển Đông trên thế giới hoàn toàn bất ngờ bởi lẽ chưa ai dự đoán được rằng Philippines lại chọn thời điểm này để chính thức tuyên bố khởi kiện Trung Quốc. Trong hơn 1 tuần qua, các nhà phân tích đã tốn không ít giấy mực để viết về sự kiện này.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả muốn đi sâu phân tích khía cạnh pháp lý trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines và đánh giá các khả năng liên quan đến vụ án.

Thông báo khởi kiện Philippines đã được đưa ra dựa trên các quy định tại Phần 15, Mục 2, Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để phán quyết của Tòa có giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên tham gia vụ kiện. Philippines đã nghiên cứu rất kỹ nhưng nội dung mà Trung Quốc đã bảo lưu theo Điều 298 của Công ước Luật Biển 1982 trong Tuyên bố ngày 25/8/2006. Theo đó, Trung Quốc không chấp nhận các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ hoặc phân định biển được giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế. Philippines đã khéo léo tránh tất cả nội dung mà Trung Quốc đã bảo lưu chỉ đưa ra những nội dung liên quan đến việc giải thích, áp dụng Công ước 1982. Trong Tuyên bố khởi kiện Philippines yêu cầu Tòa trọng tài xem xét đưa ra phán quyết đối với 2 vấn đề tổng quát sau: một là, xác nhận “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là “đường 9 đoạn” hay “đường chữ U”) là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; hai là, xác định vùng biển xung quanh các đảo đá ở Biển Đông (cụ thể là ở Trường Sa và Scarborough) không liên quan đến việc chủ quyền đối với các đảo đá đó thuộc về ai. Để bổ trợ cho các nội dung chính đó, Philippines đề nghị Tòa trọng tài xem xét cho ý kiến về việc Trung Quốc xây dựng công trình trên các bãi, vỉa đá ngầm trong phạm vi 200 hải lý của Philippines có vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Philippines trên thềm lục địa hay không; các luật nội địa Trung Quốc đưa ra (như cấm đánh bắt hải sản hàng năm) trên Biển Đông đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và việc Trung Quốc cản trở Philippines thực thi quyền lợi trong các vùng biển của mình cũng như ở các bãi, vỉa đá ngầm và vùng biển xung quanh đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Nghiên cứu kỹ khía cạnh pháp lý trong những nội dung Trung Quốc đề nghị Tòa trọng tài cho ý kiến, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng để hóa giải những nội dung mà Trung Quốc đã bảo lưu theo điều 298, Philippines đã đưa ra quan điểm chính trong Tuyên bố khởi kiện Trung Quốc là dựa trên việc bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mỗi quốc gia ven biển được hưởng theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, đồng thời các quyền đó phải được tôn trọng bởi quốc gia khác, cụ thể ở đây là Trung Quốc.

Có thể thấy những nội dung trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines đang đặt Trung Quốc vào một tình thế lúng túng. Ngày 23/01/2013, Người phát ngôn Trung Quốc lên tiếng một cách yếu ớt, không viện dẫn được bất cứ nội dung nào trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, và không chỉ ra được bất cứ nội dung nào liên quan đến những gì Trung Quốc đã bảo lưu theo điều 298 để bác bỏ thẩm quyền thụ lý hồ sơ vụ kiện của Tòa trọng tài. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nêu ra được việc các nước “cam kết tiến hành đàm phán” trong Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để yêu cầu Philippines “đàm phán song phương” không được đưa ra Tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng sự thực là DOC quy định: các nước giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”. Nếu chiểu theo nội dung này của DOC thì chính Trung Quốc là kẻ vi phạm. Hơn thế nữa, DOC là một văn kiện chính trị, không phải là một văn kiện pháp lý có tính ràng buộc. Như vậy, DOC hoàn toàn không thể có giá trị ngang bằng với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và lại càng không thể có giá trị để bác lại thẩm quyền xem xét vụ kiện được quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Như vậy, có thể dự báo rằng khả năng Tòa trọng tài sẽ có thẩm quyền thụ lý vụ kiện là rất cao.

Về trình tự của vụ kiện, theo quy định trong Công ước 1982, Tòa trọng tài sẽ có 5 thành viên. Philippines sẽ cử một người là trọng tài từ danh sách do mình chọn (Philippines đã cử Trọng tài của mình); Trung Quốc sẽ có 30 ngày để đưa ra trọng tài của mình kể từ ngày Philippines gửi Thông báo khởi kiện cho Trung Quốc (22/01/2013). Ba trọng tài còn lại sẽ do các bên thỏa thuận cử ra từ công dân nước khác trong vòng 60 ngày. Nếu hết thời hạn trên mà các bên không thỏa thuận được với nhau thì Chánh án Toà án Luật Biển quốc tế sẽ chỉ định. Trong trường hợp Trung Quốc không cử trọng tài của mình thì Chánh án Toà án Luật Biển quốc tế sẽ chỉ định cả 4 trọng tài còn lại. Như vậy, thời gian đang đứng về phía Philippines, Trung Quốc phải sớm ra quyết định nếu không sẽ càng bất lợi.

Theo dự báo của nhiều nhà phân tích thì chắc chắn từ nay đến 22/02/2013, Trung Quốc sẽ cử trọng tài viên của mình để bảo vệ cho quan điểm của họ. Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra các lập luận để tìm mọi cách gắn những nội dung trong Tuyên bố khởi kiện của Philippines liên quan đến vấn đề chủ quyền và phân định biển mà Trung Quốc đã bảo lưu theo điều 298 để yêu cầu Tòa trọng tài không có thẩm quyết thụ lý vụ kiện vì Trung Quốc hiểu rõ nếu vụ kiện được xem xét, phần thắng sẽ thuộc về Philippines. Hầu như cả thế giới (trừ Trung Quốc) đều mong muốn phần thắng thuộc về Philippines vì nhưng yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn phi lý và đang trở thành mối đe dọa đến hòa bình ổn định, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Một điều có thể khẳng định là Tòa trọng tài Phụ lục VII hoàn toàn có thẩm quyền để giải quyết những tranh chấp liện quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 đối với việc xác định vùng biển cho các cấu tạo địa chất ở Biển Đông vì vấn đề này không liên quan đến việc phân định biển hay vấn đề chủ quyền lãnh thổ mà Trung Quốc đã bảo lưu. Do vậy, khả năng Tòa trọng tài chấp nhận thẩm quyền xem xét vụ kiện của Philippines là rất cao.

Với nội dung chính trong Tuyên bố khởi kiện là bác bỏ “đường lưỡi bò” Philippines buộc Trung Quốc phải giải thích rõ ràng về yêu sách này của họ, chứ không thể tiếp tục mập mờ như bấy lâu nay. Chiến lược pháp lý của Philippines đã hết sức khôn ngoan trong việc vận dụng triết lý “dụ con cáo ra khỏi hang” để đánh. Dựa trên kết quả phán quyết của Tòa trong các án lệ trước đây, hầu hết các chuyên gia luật hàng đầu thế giới đều cho rằng một khi Tòa đã chấp nhận thụ lý vụ kiện thì Trung Quốc sẽ thua vì Trung Quốc không thể sử dụng bất cứ quy định nào trong luật quốc tế và các lệ đã xảy ra để xây dựng lập luận biện hộ cho yêu sách “đường lưỡi bò” của họ.

Mặc dù có thể phải đến 4 năm nữa mới có phán quyết cuối cùng của vụ kiện, song đến nay dư luận đã có những lo lắng về việc Trung Quốc không thực thi theo những phán quyết của Tòa trọng tài vì với cách làm vừa qua của Trung Quốc thì có thể thấy họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, bất chấp luật pháp và dư luận quốc tế. Tuy nhiên, với một nước lớn lại là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an thì điều này sẽ hết sức bất lợi cho Trung Quốc. Trong lúc hình ảnh Trung Quốc đang ngày càng xấu đi trong con mắt của cả cộng đồng quốc tế do họ đẩy mạnh những hoạt động hiếu chiến vừa qua ở Biển Đông và biển Hoa Đông thì Trung Quốc có dám một mình chống lại cả thế giới hay không. Đây đang là bài toán hết sức khó khăn cho Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh khi mà họ đang lớn tiếng hô vang khẩu hiệu Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” và Trung Quốc thi hành chính sách “phát triển quan hệ hữu nghị với láng giềng”. Nếu Trung Quốc hợp tác với Philippines tích cực tham gia vụ kiện thì may ra Trung Quốc còn giữ lại được chút danh dự của một nước lớn đàng hoàng. Chúng ta hãy cùng chờ đợi để xem những nhà lãnh đạo mới tài ba ở Bắc Kinh ứng xử ra sao.

Với việc chính thức tuyên bố khởi kiện Trung Quốc, Philippines được coi là đang ngồi “chiếu trên” để phán xét về những hành vi của Trung Quốc. Bất luận trong trường hợp nào thì Philippines cũng chỉ được thêm chứ không hề mất gì. Nếu Trung Quốc không tham gia vụ kiện thì Philippines chắc phần thắng; nếu Trung Quốc tham gia vụ kiện mà bỏ giữa chừng thì Philippines cũng sẽ giành phần thắng; nếu Tòa phán quyết phần thắng thuộc về Philippines mà Trung Quốc không thực hiện theo phán quyết của Tòa thì cả thế giới sẽ chống lại Trung Quốc. Cả thế giới đang chăm chú theo dõi sát sao vụ “chú sam” nhỏ bé Philippines anh dũng đối đầu với “người khổng lồ” Trung Quốc. Mới là những ngày đầu năm 2013, sẽ không còn biết bao sự kiện sẽ xảy ra trong 11 tháng còn lại, nhưng tin chắc rằng Philippines khởi kiện Trung Quốc sẽ là một trong 10 sự kiện lớn nhất trong năm 2013./.

RELATED ARTICLES

Tin mới