Monday, December 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTRUNG QUỐC CẦN THẤY RÕ NGUYÊN NHÂN CĂNG THẲNG Ở KHU VỰC...

TRUNG QUỐC CẦN THẤY RÕ NGUYÊN NHÂN CĂNG THẲNG Ở KHU VỰC LÀ DO CHÍNH SÁCH CƯỜNG QUYỀN CỦA HỌ

BienDong.Net: Tạp chí Tri thức thế giới tháng 2 năm 2013 đăng bài bình luận của tác giả Thành Hán Bình với tựa đề “năm 2013, biển “Nam Hải” (Biển Đông) nhất định sẽ càng vẩn đục”.

Trong bài viết, Thành Hán Bình đổ lỗi cho tình hình căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông là do Mỹ thi hành chính sách “Tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương”; đổ lỗi cho Chính quyền mới của Thủ tướng Abe ở Nhật Bản thi hành chính sách “cứng rắn với Trung Quốc”; đồng thời tập trung đổ lỗi cho Việt Nam và Philippin “lợi dụng thời cơ” này để tiến hành các hoạt động “quấy rối, khiêu khích Trung Quốc”.v.v….

Phân tích dưới đây sẽ cho chúng ta thấy nội dung bài viết của ông Thành Hán Bình hoàn toàn chỉ là sự vu cáo, “đổi trắng thay đen”. Trước hết, hãy nói về một số việc liên quan đến các nước láng giềng mà ông Thành Hán Bình đề cập trong bài viết.

Với Việt Nam ông ta trắng trợn đổ vấy rằng việc Việt Nam thông qua Luật Biển và có hiệu lực từ ngày 01/3/2013 sẽ dẫn đến va chạm với Trung Quốc. Trên thực tế thì Luật Biển Việt Nam được xây dựng hoàn toàn dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Việc Việt Nam dựa trên các quy định của Công ước Liên hợp Quốc về Luật Biển 1982 để xác định các vùng biển của mình, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý để thực hiện các quyền của mình theo Công ước là việc làm hoàn toàn chính đáng, được cả thế giới thừa nhận. Việc Luật Biển Việt Nam có hiệu lực không những tạo thuận lợi cho Việt Nam quản lý hiệu quả các vùng biển của mình theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà còn tạo thuận lợi cho việc qua lại, giao thương của tàu thuyền nước ngoài ở Biển Đông, bao gồm các vùng biển của Việt Nam. Điều này góp phần quan trọng vào việc duy trì hòa bình ổn định, bảo đảm tự do, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Nếu có phát sinh va chạm hay căng thẳng trên Biển Đông chỉ là do Trung Quốc tiến hành các hoạt động gây hấn vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông. Chỉ trong 2 năm 2011 và 2012 đã cho thấy rất rõ nguyên nhân của tình hình căng thẳng ở Biển Đông là do các hành động của Trung Quốc (như nhiều lần cắt cáp của tàu khảo sát Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam; mời thầu trái phép các lô dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam; bắt giữ trái phép và uy hiếp tàu cá ngư dân Việt Nam và nghiêm trọng nhất là thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và đồng loạt triển khai rất nhiều hành động để củng cố cái gọi là “thành phố Tam Sa” v.v….

Với Philippin, ông Thành Hán Bình đổ lỗi cho Philippin tăng cường sức mạnh quân sự, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, “lôi kéo và cấu kết” với Nhật, Úc để “chống Trung Quốc” v.v…. Ông Bình có biết rằng chính những hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông đã buộc Philippin phải củng cố các mối quan hệ với các nước khác để tự vệ; việc Philippin mua sắm một số tàu chiến và vũ khí mới cũng chỉ là với mục đích tự vệ chứ không ai có thể tin rằng một nước nhỏ như Philippin lại đi “khiêu khích” một nước lớn như Trung Quốc. Sự kiện bãi Scarborough trong năm 2012 vẫn còn đấy, Trung Quốc đã gây hấn và đuổi hết tàu cá ngư dân Philippin ra khỏi khu vực bãi Scarborough để khống chế toàn bộ khu vực này rồi tuyên bố “chủ quyền” của Trung Quốc đối với Scarborough. Trung Quốc còn nhăm nhe đòi “cùng khai thác” ở khu vực bãi Cỏ Rong trên thềm lục địa của Philippin. Việc Trung Quốc chiếm khu vực Scarborough và xua đuổi tàu cá Philippin ra khỏi khu vực này như là “giọt nước làm tràn ly” buộc Philippin phải lựa chọn phương án khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đây là phương thức giải quyết hòa bình tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế và sẽ tạo ra một giải pháp công bằng cho các bên liên quan. Ở tình thế của Philippin vào lúc này thì không còn sự lựa chọn nào khác. Nhiều nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá cao hành động của Philippin và cho rằng việc làm này của Philippin sẽ mở ra một cục diện mới cho cuộc đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông. Nếu Trung Quốc có cơ sở pháp lý thì hãy hợp tác chặt chẽ với Philippin để làm sáng tỏ chính nghĩa. Việc làm này của Philippin là hoàn toàn chính đáng, phù hợp với luật pháp quốc tế, giúp tránh các va chạm ở trên biển. Đây không thể là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông mà nó thể hiện rõ thiện chí giải quyết các bất đồng, tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế của Philippin. Những ý kiến của ông Thành Hán Bình trong bài viết chỉ là sự vu khống đối với Philippin.

Với Nhật Bản, thì những hành động khiêu khích vừa rồi của Trung Quốc như Tàu chiến Trung Quốc rọi ra đa vào tàu tuần duyên Nhật Bản cho thấy rõ sự hiếu chiến của Trung Quốc. Điều này buộc Chính quyền của Thủ tướng Abe ở Nhật phải có những biện pháp tự vệ của mình. Việc Nhật Bản mới đây tuyên bố về quyền đánh đòn phủ đầu cũng chỉ là để đối chọi lại với những hành động khiêu khích trắng trợn của Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Nhật Bản đã từng giúp đỡ Trung Quốc rất nhiều trong phát triển kinh tế ở thập niên 80 – 90 của Thế kỷ 20, không có lý do gì lại muốn khiêu khích với Trung Quốc để rồi các doanh nghiệp của Nhật ở Trung Quốc phải chịu thiệt hại do hành động phá hoại của nhưng người “biểu tình” ở Trung Quốc. Sau khi có được nền kinh tế phát triển mạnh, Trung Quốc quay ngoắt 180 độ để đòi hỏi các yêu sách quá đáng về chủ quyền và các vùng biển ở biển Hoa Đông. Đây chính là nguồn gốc của tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông thời gian qua. Ông Thành Hán Bình không thể đổ vấy cho người khác để nguỵ biện cho những âm mưu và toan tính của Trung Quốc trong quan hệ với các nước láng giềng.

Việc Trung Quốc với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đẩy mạnh chính sách bá quyền ở khu vực để thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển” đã buộc các nước liên quan phải có sự phối hợp với nhau để đối chọi lại là điều đương nhiên. Do vậy, việc Philippin tuyên bố hy vọng Nhật Bản có thể đóng góp vai trò trợ giúp trong quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông là điều hết sức bình thường. Lời tuyên bố này cũng không có bất kỳ một ý tứ nào thể hiện sự hiếu chiến trong chính sách của Philippin cũng như Nhật Bản mà nó thể hiện rất rõ mong muốn giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Còn với Hoa Kỳ, chính sách “Tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương” của Hoa Kỳ suy cho cùng thì cũng là nhằm đáp trả lại chính sách ngày càng hiếu chiến ngạo mạn của Trung Quốc ở khu vực mà trước hết là ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Là cường quốc số 1 thế giới luôn theo đuổi mục tiêu bảo vệ tự do hàng hải trên biển, Hoa Kỳ không thể ngồi nhìn Trung Quốc hoành hành bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực, bao gồm cả một số đồng minh của Hoa Kỳ. Trong một thời gian dài, do dính líu vào khu vực Trung Đông, Hoa Kỳ sao nhãng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương làm cho Trung Quốc có dư địa để hành động ảnh hưởng đến lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực. Đặc biệt, âm mưu độc chiếm Biển Đông và khống chế biển Hoa Đông của Trung Quốc đã buộc Hoa Kỳ phải quan tâm đến khu vực này, không cho phép Trung Quốc ngang nhiên phá vỡ cục diện ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Mục tiêu của chính sách “Tái cân bằng” là ngăn chặn Trung Quốc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ ở khu vực, trước hết là bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Chính sách “Tái cân bằng” của Hoa Kỳ không tạo ra mối lo ngại cho các nước trong khu vực mà ngược lại chính sách này của Hoa Kỳ được các nước khu vực hoan nghênh, coi như là một nhân tố để ngăn chặn hành động quá khích của Trung Quốc, có lợi cho hòa bình ổn định ở khu vực. Như vậy, chính những hành động ngạo mạn của Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông là lý do để Hoa Kỳ phải hướng vào Châu Á – Thái Bình Dương với chính sách “Tái cân bằng”.

Trong bài viết, ông Thành Hán Bình lên án Ấn Độ “muốn giành quyền lợi ở Nam Hải (Biển Đông)” để cho rằng đây là nguyên nhân tạo ra căng thẳng và phức tạp ở Biển Đông. Ấn Độ là một nước lớn trong khu vực và có nhiều lợi ích trong bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông; Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) hợp tác với Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Những hành động ngày càng leo thang bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đe dọa lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông do vậy việc Ấn Độ tuyên bố Hải quân Ấn Độ sẽ tiến vào Biển Đông để bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ, kể cả các hoạt động dầu khí của doanh nghiệp Ấn Độ là điều đương nhiên. Ấn độ đưa Hải quân của mình vào Biển Đông sẽ góp phần bảo vệ luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình ổn định ở Biển Đông.

Tóm lại, ông Thành Hán Bình có tìm mọi cách để vu cáo đổ lỗi cho các nước gây ra những căng thẳng, phức tạp ở Biển Đông thì cũng không thể đánh lừa được dư luận quốc tế. Bất luận thế nào thì cả thế giới đều thấy rõ nguyên nhân của những căng thẳng ở Biển Đông là do Trung Quốc gây ra và các nước đều đang hết sức lo ngại về “nguy cơ” Trung Quốc đe dọa hòa bình ổn định khu vực./.

RELATED ARTICLES

Tin mới