Thursday, January 9, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLễ Khao lề thế lính Hoàng Sa- Di sản văn hóa phi...

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa- Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

BienDong.Net: Từ ngày 25 – 29.4, tại huyện đảo Lý Sơn diễn ra lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tiếp theo quyết định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và đình làng An Vĩnh là di tích quốc gia”.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch Quảng Ngãi, cho biết từ khi triều Nguyễn thành lập đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải, hằng năm đến ngày 16-3 tại Lý Sơn đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Khi đội Hoàng Sa giải thể, lễ này vẫn cứ diễn ra nhưng không còn mang ý nghĩa thế mạng nữa mà chỉ còn là lễ tế lính Hoàng Sa. Mặc dù vậy, ở Lý Sơn mọi người vẫn còn gọi theo tên cũ là khao lề thế lính chứ không gọi là khao lề tế lính.

 

Một nghi thức trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Ảnh: Phạm Anh)

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội dân gian truyền thống tiêu biểu của tỉnh Quảng Ngãi. Hoạt động này gắn liền với tâm thức của nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, đã được các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn duy trì hàng năm nay nhằm tưởng nhớ những chiến sĩ đã vâng mệnh triều đình ra làm nhiệm vụ ở đảo xa mà không trở về.

Đội Hoàng Sa- chân dung những người lính biển 200 năm trước

Kể từ khi trấn giữ phương Nam, nhà Nguyễn đã coi Hoàng Sa như một phần lãnh thổ quốc gia. Những gì thu lượm được qua các cuộc thám hiểm của ngư dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi ra “dải cát vàng” này đã giúp cho các vị vua sớm nhận ra giá trị kinh tế lẫn chiến lược quân sự của quần đảo Hoàng Sa. Vì vậy, vừa mở mang bờ cõi về phương Nam, cha ông ta cũng vừa cho người ra dựng bia, cắm mốc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên các đảo, quần đảo ở Biển Đông.

Theo sử sách ghi lại, Đội Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17, đầu thời chúa Nguyễn đến giữa thế kỷ 19 sang đến thời Tây Sơn với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết. Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long cũng đã sai Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và cả Trường Sa đo đạc thủy trình… Nhà Nguyễn cũng cho lập các đội thủy quân để cùng với Đội Hoàng Sa và Đội Quế Hương đi Hoàng Sa, Trường Sa cắm mốc, dựng bia chủ quyền, lập miếu, đo đạc thuỷ trình, lập bản đồ…

alt 

Tượng đài đội Hoàng Sa – Bắc Hải trước Bảo tàng Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn – (Ảnh: Kim Em)

Thuở trước, những hùng binh đội Hoàng Sa phải ra khơi trên những chiếc thuyền buồm nhỏ và dùng sức chèo. Mỗi thuyền chỉ chở được vài người để dễ đi trong các bãi rạn của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ông Nguyễn Từ, 78 tuổi – người trông nom Âm Linh tự, nơi thờ những người lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn – kể: “Từ nhỏ tôi đã được ông nội và cha kể chuyện về những trai tráng ở trên đảo được ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa theo lệnh vua. Mỗi lần ra khơi theo chiếu vua ban, lính Hoàng Sa được mang theo sáu tháng lương thực, nước uống, một chiếc chiếu, một đòn tre cùng một thẻ bài nêu rõ danh tính, quê quán để nếu chẳng may bỏ mình, họ sẽ được đồng đội bó xác lại và thả xuống biển với hy vọng khi trôi vào đất liền, người dân sẽ biết tung tích họ để đưa về bản quán. Họ ra khơi bằng thuyền buồm nhỏ, lại chèo bằng tay nên rất hay bị bão biển nhấn chìm hoặc cá lớn ăn mất xác. Hai câu ca Mãn mùa tu hú kêu thanh. Cá chuồn đã vãn sao anh chưa về đến nay vẫn là lời ru buồn truyền kiếp trên đảo Lý Sơn”.

Chính vì ra khơi gặp nhiều rủi ro bất trắc nên để những người lính Hoàng Sa lên đường đi làm nhiệm vụ yên lòng, cư dân đất đảo tổ chức lễ khao lề thế lính tại đình làng An Vĩnh. Những chiếc ghe bầu giả, đáy ghe làm bằng thân cây chuối, thân bằng tre có giấy điều dán kín. Trong khoang lái có bốn hình nhân làm bằng giấy điều hoặc bằng rơm. Trên thuyền có đặt linh vị của người lính Hoàng Sa.

alt 

Thả hình nhân thế mạng trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (Ảnh Tuổi Trẻ)

Giải thích về “tế”và “thế” , cụ Võ Hiển Đạt ngụ ở thôn Đông, An Vĩnh, cho biết: “Thế” tức là những chàng trai này sẽ thay cho đội quân ra đi từ năm trước để tiếp tục nhiệm vụ. Còn “tế” ở đây là tế lúc họ còn sống, vì hầu như ai cũng biết rằng họ ra đi nhưng chưa chắc đã trở về.

Còn theo ông Nguyễn Cậu, người ở trong ban khánh tiết lễ này cho biết: “Để phục vụ cho buổi lễ, các tộc họ phải lo đất hương hoả, ghe thuyền, trầu, rượu, vàng mã, thịt heo, xôi chè. Bắt buộc phải có: một con gà, một con cá nướng, một con cua, một món gỏi cá nhám. Bên cạnh đó, trên đàn lễ còn có: muối, gạo, củi, mắm, nồi niêu… là những thứ mà binh phu Hoàng Sa phải mang theo trên thuyền”. Theo đó, tại đình An Vĩnh, lễ tế chính trong ba ngày, nhưng lễ vật lúc này chỉ có trầu rượu, hoa quả. Trong ba ngày này, mọi lễ vật được tiếp tục chuẩn bị, như làm thuyền lễ và bài vị. Sau khi lễ hiến tế ông bà trong ngôi đình xong, đến khoảng 9 giờ 30 sáng ngày lễ chính, chiêng trống được gióng lên báo hiệu cho bà con tộc họ đã đến giờ làm lễ yết. Lễ tế lính Hoàng Sa được làm long trọng trước sân đình làng An Vĩnh do trưởng ban khánh tiết điều khiển.

Sau khi làm lễ xong, đội thả thuyền gồm mười nam thanh niên của làng An Vĩnh, rước thuyền từ sân đình làng xuống biển và thả thuyền. Thuyền lễ năm chiếc được thả xuống biển, có đế bằng ba cây chuối dài khoảng 1,5 – 2m, được kết lại với nhau bằng các thanh tre (đóng bè), gắn giấy ngũ sắc, có buồm, cờ, phướn. Theo đó, có một chiếc lớn nhất và bốn chiếc còn lại nhỏ hơn và bằng nhau. “Đây chính là những thuyền câu, tượng trưng cho phương tiện binh phu ngày trước ra đi. Các thuyền này được thả theo trình tự: hai thuyền nhỏ đi trước với chức năng tiền trạm, thuyền lớn đi giữa (vì trên thuyền có cai đội) và sau cùng là hai thuyền nhỏ. Trên thuyền đặt các hình nhân tượng trưng cho người lính trong Hải đội Hoàng Sa.

Trong biến động của lịch sử, đình làng An Vĩnh tuy còn giữ cái vóc thái thuở nào, nhưng bị xuống cấp nặng đến năm 2010 mới được phục dựng trở lại. Tháng 4.2010, 1.000 tăng ni phật tử đã long trọng rước danh tánh bài vị của các binh phu Hoàng Sa từ Âm Linh tự (thôn Đông, An Vĩnh) về thờ phụng ở đình làng An Vĩnh, nơi họ dứt áo ra đi từ hàng trăm năm trước.

Ở đảo Lý Sơn bây giờ, đình làng An Vĩnh uy nghiêm khói nhang nghi ngút hàng ngày. Những ngư dân trên đảo trước khi ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt hải sản, đều đến đây để thắp hương cầu cho vong linh của binh phu phù hộ. Với truyền thống hàng trăm năm, Di sản văn hóa lễ khao lề thế lính Hoàng sa là sự tri ân đối với những binh phu Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về, đồng thời cũng là bằng chứng sống động khẳng định chủ quyền lâu đời của nhà nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

BDN (tổng hợp theo SGTT, Dân Việt và Tuổi Trẻ)

RELATED ARTICLES

Tin mới