Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnĐường dây nóng xử lý rủi ro, tranh chấp nghề cá Việt...

Đường dây nóng xử lý rủi ro, tranh chấp nghề cá Việt Nam – Trung Quốc

BienDong.Net: Theo thỏa thuận giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, lần đầu tiên đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất trong hoạt động nghề cá trên biển đã được thiết lập.

Hoạt động của đường dây này ra sao là vấn đề quan tâm đối với hàng vạn ngư dân đang ngày đêm bám biển mưu sinh.

alt

Ông Nguyễn Ngọc Oai – Ảnh: Phạm Anh.

Trong phát biểu với báo quốc nội Tiền Phong mới đây, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Thủy sản, kiêm Cục trưởng Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) cho biết, tháng 6 vừa rồi, Bộ NN&PTNT và Bộ Nông nghiệp (Trung Quốc) ký thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về các vụ việc phát sinh đột xuất trong nghề cá trên biển, có hiệu lực trong 3 năm từ ngày ký. Sau đó, thỏa thuận trên được giao cho Ủy ban liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc thực hiện. Ngày 16.8 vừa qua, Ủy ban này đã ban hành quy định về đường dây nóng nói trên và giao 2 cơ quan làm đầu mối mỗi nước: Cục Kiểm ngư Việt Nam và Cục Ngư chính khu Nam Hải Trung Quốc thực hiện.

Đường dây nóng sẽ tiếp nhận các thông tin về tranh chấp nghề cá, sự cố của tàu cá và ngư dân 2 nước trên biển – ông Oai giải thích. Trong thời gian 48 giờ, bên này phải nhanh chóng thông báo các trường hợp bắt giữ, xử lý tàu cá và ngư dân của bên kia. Đường dây nóng cũng là nơi xử lý, thông báo kịp thời tình hình tránh trú bão, lánh nạn khẩn cấp của tàu cá và ngư dân của 2 nước trên biển. Đây cũng là kênh thông tin, để các cơ quan chức năng kịp thời xử lý những tình huống rủi ro, sự cố của nghề cá trên biển của mỗi nước. Hai bên sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ, và dùng phương tiện liên lạc bằng fax cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung. Trong trường hợp cần thiết, sẽ dùng đàm thoại, nếu cán bộ trực ban của ta gọi sang phía bên kia sẽ dùng tiếng Trung Quốc và ngược lại; còn lãnh đạo đàm thoại sẽ có phiên dịch.

Về những sự cố gặp phải cần thông báo, ông Oai cho biết: Thực tế, các nội dung về đường dây nóng đã được cụ thể hóa trong 6 phụ lục theo quy định. Chẳng hạn, khi có tranh chấp nghề cá trên biển, 2 bên sẽ thông báo cho nhau, nói rõ về thời gian, địa điểm xảy ra tranh chấp. Nêu rõ số hiệu tàu cá, số đăng ký, họ tên thuyền trưởng, số lao động, thiệt hại, cũng như ý kiến ban đầu của thuyền trưởng tàu cá mỗi nước.

alt

Tàu cá ngư dân trên cảng Lý Sơn (ảnh BienDong.Net)

Còn khi gặp sự cố trên biển, ngoài thời gian, địa điểm, tên, ký hiệu tàu cá, họ tên thuyền trưởng; còn nói rõ về tình trạng tàu gặp sự cố gì (hỏng hóc, trôi dạt, đâm va, chìm đắm, mất liên lạc), ngư dân có bị làm sao không, bị ốm, tai nạn hay rơi xuống biển… Ngoài ra, 2 bên cũng trao đổi với nhau về tình hình xử lý tàu cá và ngư dân, nói rõ hình thức xử lý thế nào, bị cảnh báo, kiểm soát ra sao, còn nếu bị bắt giữ phải nói rõ lực lượng bắt giữ, địa điểm tạm giữ…

Giảm tàu cá và thả cá giống trên biển

Là Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc bộ phía Việt Nam, đồng chủ trì hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Liên hợp Nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam và Trung Quốc, ông Nguyễn Ngọc Oai cho biết trong các cuộc họp mới đây, hai bên đã thống nhất là giảm 5% lượng tàu cá và tổng công suất; cùng nhau thả cá giống và tuyên truyền về 10 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ Việt Nam – Trung Quốc. Cụ thể, lượng tàu và tổng công suất tàu cá mỗi bên hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ, vùng biển của phía bên kia là 1.446 tàu cá, tổng công suất 200.800 CV.

Đặc biệt, 2 bên đã trao đổi tem chống làm giả dán trên giấy phép đánh bắt trong vùng đánh cá chung. Loại giấy phép này có thời hạn từ 1.9.2013 đến 31.8.2014. Danh sách tàu cá được cấp phép đánh cá trong vùng trên được 2 bên trao đổi với nhau trước 15.9.2013.

Hai bên cũng đã thảo luận và đồng ý về nguyên tắc với kiến nghị của nhóm chuyên gia nguồn lợi về việc tạm ngừng khai thác trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ. Theo đó, vùng đánh cá chung phía Đông đường phân định (vùng biển phía Trung Quốc) sẽ tạm ngừng khai thác từ 12 giờ ngày 16.5 đến 12 giờ ngày 1.8 hằng năm. Đối tượng cấm khai thác là toàn bộ các loại hình khai thác, trừ nghề lưới rê đơn và nghề câu tay.

Còn vùng đánh cá chung phía Tây đường phân định (vùng biển Việt Nam) sẽ tạm ngừng khai thác từ 1 đến 2 tháng (vào khoảng tháng 4 đến tháng 5 hằng năm) và cấm nghề lưới kéo đáy, lưới rê 3 lớp.

Dự kiến, trong năm 2014, hai bên sẽ tổ chức hội thảo về 10 năm thực hiện hiệp định; tổ chức thả một số loài cá giống có giá trị kinh tế trong vùng đánh cá chung (dự kiến tháng 4.2014). Đồng thời, 2 bên cũng có các hoạt động cập cảng, thăm viếng lẫn nhau cho tàu chấp pháp của Việt Nam và Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới