Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMalaysia muốn cùng Trung Quốc khai thác ở Biển Đông

Malaysia muốn cùng Trung Quốc khai thác ở Biển Đông

BienDong.Net: Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định nước này không quan ngại trước sự hiện diện của Trung Quốc trên các vùng biển thuộc chủ quyền của một số thành viên ASEAN trên Biển Đông và đang xem xét hợp tác với Bắc Kinh trong việc khai thác dầu khí tại khu vực.

Bloomberg đưa tin: Ngày 29.8, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngắn bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Brunei liên quan vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein tuyên bố: “Bạn có kẻ thù, không có nghĩa kẻ thù của bạn cũng là kẻ thù của tôi”.

Ông này nói thêm, Mỹ hay Trung Quốc “có thể tuần tra mỗi ngày (ở khu vực biển của chúng tôi), miễn mục đích của họ không phải là để đi đến chiến tranh”.


Hai tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trên Biển Đông. Ảnh: Reuters

Phát ngôn này hoàn toàn logic với sự im lặng của Malaysia trước thông điệp hăm dọa của Hải quân Trung Quốc qua đợt tập trận tại Bãi ngầm James cách Malaysia khoảng 80km hồi cuối tháng 3. Khu vực mà Hạm đội Nam Hải phô trương sức mạnh cũng là điểm cực nam của đường lưỡi bò mà Bắc Kinh vẫn trắng trợn áp đặt lên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.

Malaysia là một trong 6 nước có lợi ích liên quan đến Biển Đông – khu vực đang vướng vào tranh chấp giữa nhiều quốc gia, đặc biệt là các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc.

“ASEAN bị chia rẽ trong tranh chấp Biển Đông bởi các thành viên có lợi ích khác nhau trong vùng biển này, và mối quan hệ của họ với Trung Quốc cũng khác nhau”, tờ Bloomberg trích lời Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore – “Việt Nam và Philippines xem đó là mối quan tâm an ninh quốc gia đặc biệt quan trọng, trong khi Malaysia và Brunei luôn muốn giảm nhẹ căng thẳng”.

Như vậy với quan điểm “trung lập” về vấn đề Biển Đông, Malaysia đang cân nhắc bắt tay với Bắc Kinh để khai thác dầu khí, có thể tại khu vực Trường Sa – nơi nước này đang quản lý một số đảo đá như đá Hoa Lau, đá Kỳ Vân, bãi Kiều Ngựa… Điều này đồng nghĩa với việc thêm một thành viên ASEAN đã ngầm đáp ứng lời kêu gọi của các quan chức trong chính quyền Bắc Kinh về việc “gác tranh chấp, cùng khai thác để phát triển” thời gian qua.

Còn nhớ trong chuyến thăm Malaysia của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Najib Razak đã cam kết tăng cường hợp tác hơn nữa với Bắc Kinh và nhấn mạnh Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia này trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 50,91 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên cũng đồng thuận về các hợp tác trên nhiều lĩnh vực để phát triển mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”.

Song song với Hội nghị ADMM, tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sau khi gặp Ngoại trưởng Thái Lan Surapong Tovichakchaikul cũng đã lên tiếng ca ngợi tình hình Biển Đông đang rất “ổn định” và chúng tôi (Trung Quốc – Thái Lan) đã rất nỗ lực để có được điều này.

Sau sự kiện Việt Nam và Philippines tìm được tiếng nói chung trong quan điểm khai thác dầu khí tại Biển Đông thì tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia được coi là diễn biến mới trong khối ASEAN vốn là đối tượng chia rẽ của Trung Quốc khi khối này chuẩn bị bước vào đàm phán xây dựng bộ Quy tắc COC. Theo nhận định của Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham (Anh) – ông Steve Tsang – Trung Quốc đang chuyển sang bước chiêu dụ toàn khối ASEAN. Chính sự lỏng lẻo và chênh vênh của ASEAN là điểm yếu để Bắc Kinh dễ dàng tấn công vào đó nhằm thay đổi cục diện Biển Đông, ông Steve Tsang bình luận.

BDN (theo songmoi.vn và Infonet)

 

RELATED ARTICLES

Tin mới