Wednesday, May 1, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTìm hiểu về kênh đào Suez

Tìm hiểu về kênh đào Suez

BienDong.Net: Người đứng đầu Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập, đô đốc Mohab Memish tuyên bố cơ quan này đã phá vỡ một vụ tấn công khủng bố nhằm vào một tàu hàng đi qua kênh đào hôm 31.8.

Hãng MENA dẫn lời ông Memish cho hay chiều 31.8, “một phần tử khủng bố” đã tấn công một tàu chở hàng mang cờ Panama nhằm làm gián đoạn lưu thông tàu thuyền qua kênh đào này.

Không cho biết chi tiết tình hình, nhưng ông Memish khẳng định âm mưu tấn công này đã “thất bại hoàn toàn”, và chiếc tàu chở hàng nói trên không bị tổn hại. AFP dẫn lời một số nhân chứng cho biết đã nghe thấy 2 tiếng nổ lớn từ phía con tàu này.

Kênh đào Suez kênh giao thông nhân tạo nằm trên lãnh thổ Ai Cập, chạy theo hướng Bắc – Nam đi ngang qua eo Suez tại phía Đông Bắc Ai Cập, nó nối Địa Trung Hải với Vịnh Suez, một nhánh của Biển Đỏ.

Kênh đào cung cấp một lối đi ngắn nhất cho những con tàu qua cảng Châu ÂuChâu Mỹ đến những cảng phía Nam Châu Á, cảng phía Đông Châu Phi  Châu Đại Dương. Kênh được bắt đầu khởi công ngày 25 tháng 4 năm 1859 và hoàn thành vào ngày 17 tháng 11 năm 1869.

Lịch sử kênh đào

Có lẽ vào khoảng những năm 1878 tới 1839 trước Công Nguyên vào triều đại vua Senusret III đã có một kênh đào đông tây nối sông Nin với Biển Đỏ phục vụ giao thông bằng những con thuyền đáy bằng đẩy sào cho phép việc giao thương giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải. Có nhiều dấu vết cho thấy con kênh này đã tồn tại vào thế kỷ 13 trước Công Nguyên vào thời kỳ vua Ramesses II.

Tuy nhiên, con kênh này đã không đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Ai Cập lúc bấy giờ và nhanh chóng bị lãng quên. Theo sử sách Hy Lạp, vào khoảng những năm 600 trước Công Nguyên, vua Necho II đã nhận thấy giá trị của kênh này và cho tu sửa lại nó. Tuy nhiên con kênh chỉ chính thức được hoàn thành bởi vua Darius I của Ba Tư. Ông đã hoàn thành con kênh sau khi chiếm Ai Cập và đã mở rộng nó đủ để cho phép hai tàu chiến trieme tránh nhau trong kênh và hành trình qua kênh mất 4 ngày.

Từ cuối thế kỷ XVIII Pháp đã có ý định tìm đường từ Địa Trung Hải qua Biển Đỏ để sang phương Đông nên khi Napoleon Bonaparte chiếm đóng Ai cập, ông đã phái công trình sư đến thăm dò khả năng đào kênh qua eo biển Suez. Giữa thế kỷ XIX, công trình sư Ferdinand de Lesseps vốn là cựu Lãnh sự Pháp ở Ai cập tỏ ra rất hào hứng với kế hoạch đào kênh. Ông đã thuyết phục Ai cập ký một hợp đồng cho thuê đào và sử dụng kênh Suez. Hợp đồng ký kết ngày 23 tháng 10 năm 1854. Đến ngày 5 tháng 1 năm 1856, hai bên ký một hợp đồng bổ sung quy định: Pháp cung cấp kỹ thuật, Ai cập cung cấp không bồi hoàn những đất đai dùng để đào kênh và 4/5 nhân công lao động. Mức lương trả cho nhân công sẽ do công ty đào kênh quyết định. Sau khi đào xong, Pháp được quyền thuê 99 năm. Ai cập sẽ được hưởng 15% thu nhập hàng năm của con kênh.

Năm 1857, Lesseps bất chấp sự phản đối của Anh và Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập công ty quốc tế vận chuyển biển kênh đào Suez, với số vốn 200 triệu franc, mở rộng cho bất cứ người nước nào muốn đầu tư. Do sự bài xích của Anh, nên rất ít nước hưởng ứng, cuối cùng người Pháp mua 207.111 cổ phần chiếm 44% còn lại 4% cổ phần thuộc về người Tây Ban Nha, Hà Lan, Tuynisie, Italia.

alt

Kênh đào Suez nhìn từ vệ tinh

Sau khi chuẩn bị xong, ngày 25 tháng 4 năm 1859 bắt đầu khởi công xây dựng kênh. Eo biển Suez, vốn là đất cồn bãi, khí hậu khô nóng, thiếu nước ngọt nghiêm trọng, điều kiện lao động cực nhọc, lại thêm dịch bệnh hoành hành khiến người Ai cập chết rất nhiều.

Ngày 17 tháng 11 năm 1869, kênh đào Suez đã hoàn thành sau rất nhiều xung đột chính trị và sự cố kỹ thuật xung quanh công trình. Tổng chi phí đã đội hơn 2 lần so với dự tính ban đầu của các kỹ sư.

Kênh đào ngay lập tức làm ảnh hưởng trực tiếp, sâu sắc đến ngành vận tải thế giới. Kết hợp với đường sắt xuyên Mỹ hoàn thành 6 tháng trước đó, nó cho phép hàng hoá đi vòng quanh thế giới trong một thời gian ngắn kỷ lục. Nó cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng thuộc địa của Châu Âu tại Châu Phi. Những khoản nợ khổng lồ đã buộc người kế nhiệm Lesseps bán lại cổ phần trị giá 4 triệu bảng của mình cho người Anh. Tuy nhiên người Pháp vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần chi phối.

 

Vào năm 1888 một hội nghị ở Constantinopolis đã tuyên bố kênh đào là một khu vực trung lập và yêu cầu quân đội Anh bảo vệ kênh đào trong suốt cuộc nội chiến ở Ai Cập. Sau đó căn cứ vào hiệp ước với Ai Cập năm 1936 Anh đã đòi quyền kiểm soát kênh đào. Cuối cùng vào năm 1954 Chính quyền Ai Cập đã phủ nhận hiệp ước 1936 và nước Anh buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát kênh.

Năm 1956 tổng thống Ai Cập Nasser tuyên bố quốc hữu hoá kênh đào Suez và ý định xây dựng một căn cứ quân sự ở dọc kênh. Hành động này của Ai Cập được hậu thuẫn bởi Liên Xô và đã gây lo ngại sâu sắc cho Mỹ, Anh, Pháp và Israel, gây nên cuộc Khủng hoảng kênh đào Suez. Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Israel tấn công bán đảo Sinai và dải Gaza để trả đũa. Năm 1957, Liên Hiệp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới đây để bảo đảm tính trung lập của kênh.

Kênh bị đóng cửa một lần duy nhất từ 1967 tới 1975 trong cuộc Chiến tranh Ả Rập – Israel. Cho tới năm 1967, năm xảy ra chiến tranh giữa Israel và Ai Cập, gần 15% các luồng hàng viễn dương và trên 20% các luồng hàng vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ thế giới đã được vận chuyển qua kênh đào. Ngày nay khoảng 7,5% khối lượng mậu dịch thế giới qua đường biển được chuyển qua kênh đào Suez.

Kênh suez là điểm giao thông trọng yếu nhất giữa Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Khi mới được xây dựng, kênh dài 164 km, sâu 8 m, nhưng sau nhiều lần mở rộng, đến năm 2010 kênh đạt chiều dài tổng cộng 193,30 km, sâu 24 m và và rộng 205 m, đủ khả năng cho tàu lớn trên 150.000 tấn qua được. Hiện tại kênh đào do cơ quan quản lý kênh đào Suez Canal Authority (SCA) của Ai cập quản lý. Theo Hiệp ước quốc tế, “kênh đào có thể được bất kì tàu chiến hay tàu buôn nào sử dụng trong thời chiến cũng như trong thời bình, bất luận tàu đó treo cờ nước nào”.

Cùng với du lịch, việc khai thác kênh đào Suez là một trong những ngành dịch vụ thương mại quan trọng của Ai Cập. Mỗi ngày, trên kênh đào có hai đoàn tàu đi từ phía nam lên mạn bắc và một đoàn tàu đi từ phía bắc xuống, với tổng số khoảng 80 chiếc. Hàng năm, khoảng 20.000 con tàu chuyên chở từ 400 tới 500 triệu tấn hàng, với một nửa là tầu chở dầu và chở hàng vượt qua kênh Suez trong hành trình kéo dài khoảng 14 tiếng. Năm 2008 tổng cộng có 21.415 lượt tàu bè qua lại kênh đào, mang lại thu nhập 5,381 tỉ USD cho cơ quan quản lí kênh đào.

Tàu đi lên mạn bắc chở theo dầu lửa từ Vịnh Pếch xích để tới các nước Tây Âu, còn xuôi về nam là các con tầu chở sản phẩm kỹ nghệ và ngũ cốc từ Châu Âu và Bắc Mỹ, để đi tới miền nam Châu Á và Viễn Đông. Ngoài ra còn có các tàu chiến và tàu du lịch viễn duyên.

Nhờ có kênh đào Suez, con đường biển từ thành phố London, nước Anh, tới thành phố Bombay, Ấn Độ, đã rút ngắn được 11.670 cây số so với hải lộ qua Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Kênh đào Suez là một tuyến hàng hải chiến lược nối giữa Biển Đỏ và Địa Trung Hải, đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thông hàng hải của khu vực Trung Đông và thế giới.

Vai trò của kênh đào Suez càng “nhạy cảm” hơn trong bối cảnh Mỹ điều nhiều tàu chiến đến Địa Trung Hải để chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria.

BDN (tổng hợp theo Wikipedia và các tài liệu trên Internet)

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới