Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ và Philippines tập trận trên Biển Đông

Mỹ và Philippines tập trận trên Biển Đông

BienDong.Net: Ngày 18.9, khoảng 2.300 binh sĩ Philippines và Mỹ đã bắt đầu cuộc tập trận đổ bộ hằng năm (PHIBLEX) tại Trung tâm huấn luyện hải quân ở TP San Antonio thuộc tỉnh Zambales, cách bãi ngầm Scarborough 220 km.

Cuộc tập trận Mỹ – Philippines kéo dài ba tuần lễ với sự tham gia của hai chiến hạm Mỹ và tập trận bắn đạn thật trên đất liền.

Thiếu tướng Remigio Valdez, chỉ huy cuộc tập trận phía Philippines cho các nhà báo biết cũng sẽ có các cuộc thực tập tấn công đổ bộ để chiếm lại các đảo bị quân địch chiếm đóng, tuy nhiên không nêu rõ tên quốc gia thù địch.

alt

Cuộc tập trận PHIBLEX diễn ra vào thời điểm Manila và Washington đang thương lượng một hiệp ước về việc tăng cường sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines. Hiệp ước này chính thức cho phép Mỹ đưa các thiết bị quân sự đến các căn cứ của Philippines, cũng như các chuyến viếng thăm của quân đội Mỹ. Phía Manila muốn ký kết hiệp ước càng sớm càng tốt bởi lẽ họ đang muốn có một đối trọng trước mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Trung Quốc.

Phát biểu trong lễ khai mạc cuộc tập trận, Thiếu tướng Paul Kennedy, chỉ huy lữ đoàn viễn chinh số 3 thủy quân lục chiến Mỹ nói rằng ông không biết hiệp định trên có sẵn sàng vào lúc ông Obama công du Philippines vào tháng 10 hay không.

Philippines, vốn đang tìm kiếm sự trợ giúp quân sự của Mỹ để đối phó với điều mà nước này coi là mối đe dọa ngày một lớn từ Trung Quốc, đón nhận cuộc tập trận như một bước quan trọng nữa trong việc xây dựng năng lực phòng thủ.

“Các thỏa thuận và tập trận đa phương là cần thiết cho sự sẵn sàng tác chiến và hợp tác của chúng tôi, như vai trò của một lực lượng đa năng, sẵn sàng bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn của đất nước”, Phó tư lệnh Hải quân Philippines, Chuẩn đô đốc Jaime Bernardino nói trước cuộc tập trận.

Mặc dù phía Philippines cho biết kế hoạch cuộc tập trận đã được chuẩn bị từ trước, song báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hong Kong) cho rằng cuộc tập trận diễn ra gần Biển Đông cho thấy quan hệ quân sự mở rộng nhanh chóng giữa Philippines – Mỹ và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc.

alt 

Tàu sân bay quân Mỹ neo đậu tại vịnh Subic, Philippines (nguồn mạng Sina Trung Quốc)

Cuộc tập trận Phiblex diễn ra ngay trước chuyến thăm Philippines đầu tiên của Tổng thống Mỹ Barack Obama kể từ khi trở thành ông chủ Nhà Trắng. Theo BBC, chuyến viếng thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào ngày 11 – 12.10 tới đây là sự kiện đã được Manila trông đợi từ lâu. Philippines hy vọng chuyến đi sẽ “đem lại động lực mới” cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines, đồng minh lâu năm của Mỹ tại Á châu.

Chuyến đi của ông Obama diễn ra sau chuyến thăm hồi đầu tháng 9 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và chuyến thăm của một phái đoàn thuộc Quốc hội Mỹ hồi tháng Hai.

Quốc hội Mỹ đã biểu quyết đóng cửa các căn cứ quân sự lớn của Hoa Kỳ tại Philippines khi tâm lý bài Mỹ dâng cao tại nước này hồi năm 1991. Tuy nhiên trong bối cảnh đang phải đối diện với những tranh chấp trên biển với Trung Quốc, Manila đã yêu cầu sự trợ giúp của Hoa Kỳ với hi vọng có thể kiểm soát vùng biển tốt hơn.

Về phần mình, Hoa Kỳ đang muốn tăng quan hệ với toàn vùng Đông Nam Á, một phần nhằm đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hồi tháng Sáu, Manila nói muốn trao cho không chỉ Hoa Kỳ mà cả Nhật Bản quyền tiếp cận lớn hơn đối với các căn cứ của Philippines. Dường như để phản ứng trước diễn biến này, Trung Quốc tuần trước đã lên tiếng cảnh báo Hoa Kỳ nên đứng ngoài các tranh chấp trên biển giữa Bắc Kinh với Philippines, Việt Nam và Nhật Bản.

Chính quyền ông Obama luôn kêu gọi tự do hàng hải và đã tăng hợp tác quân sự với cả Philippines và Nhật Bản.

Ông Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, diễn ra tại Bali, Indonesia, sau đó sẽ tới Brunei dự Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và cuối cùng tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp Toàn cầu tại Malaysia trước khi tới Manila.

BDN (nguồn BBC và các hãng tin)

RELATED ARTICLES

Tin mới