BienDong.Net – Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo về sự gia tăng đến chóng mặt số lượng các loài sứa tại hầu hết các vùng biển trên thế giới cùng những hiểm họa kèm theo.
Nghiên cứu mới nhất của tiến sĩ Mỹ Lisa – Ann Gershwin cho thấy sự gia tăng đến chóng mặt số lượng các loài sứa tại các bãi biển nổi tiếng trên thế giới mà hậu quả là do hoạt động săn bắt quá mức các loài sinh vật biển, cũng như việc thay đổi nhiệt độ nước biển trong hàng chục năm qua.Pháp, Tây Ban Nha, vịnh Chesapeake, Hawaii… đều ghi nhận những con số đáng kinh ngạc về số lượng loài sứa sinh sống trong khu vực.
Sứa hộp (Box Jellyfish) thường sống tại những vùng biển sâu ở Thái Bình Dương, khu vực Châu Á và Australia. Với kích thước khá nhỏ, cơ thể trong như gương nên nhiều người nghĩ rằng, chúng vô hại. Tuy nhiên, đây là một trong những loài sứa nguy hiểm nhất. Các xúc tu của chúng có chứa chất độc cực mạnh có thể giết chết mục tiêu ngay tại chỗ. (ảnh Internet)
Tình trạng này đã gây ra những hậu quả trực tiếp. Ở Hawaii có những thời điểm một ngày có từ 800 đến 1.000 người bị ảnh hưởng vì sứa độc. Tại Tây Ban Nha và Florida, những năm gần đây đã có khoảng nửa triệu người bị sứa đốt khi tắm biển.
Đầu tháng 10.2013, một nhà máy điện hạt nhân ở Thụy Điển đã buộc phải đóng cửa tạm thời lò phản ứng lớn nhất, do một đàn sứa quá đông gây tắc đường ống dẫn nước của hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân. Trong tháng 8.2011, nhà máy điện hạt nhân St Lucie ở Florida (Mỹ) phải ngừng hoạt động sau khi 5 tấn sứa chui vào làm tắc nghẽn đường ống dẫn nước làm mát cho các lò phản ứng. Sứa cũng đã gây ra các sự cố tương tự tại các nhà máy điện hạt nhân ở Scotland, Israel, Nhật Bản.
Trong khi đó ở Ireland, hàng nghìn con cá hồi đã chết do số lượng sứa trong khu vực tăng cao đột biến.
Gia tăng số lượng sứa trên các đại dương
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý thủy sản Địa Trung Hải và Liên Hiệp Quốc, các nhà khoa học đã nhận thấy số lượng loài sứa gia tăng đến mức chóng mặt.
Hiện có hơn 2.000 loài sứa sinh sống tại khắp các vùng biển trên thế giới. Hầu hết những loài sứa con người gặp phải đều là những loài vô hại. Vết đốt của chúng khi chạm phải giống sứa này sẽ chỉ khiến nạn nhân đau đớn trong một khoảng thời gian nhất định.
Tuy nhiên, số lượng sứa gia tăng trong hàng chục năm qua khiến các nhà khoa học lo ngại rằng những loài sứa độc sẽ xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Loài độc có khả năng gây chết người thường sinh sống ở Australia, khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản.
Loài sứa hộp được ghi nhận đã gây tử vong cho một số khách du lịch ở Thái Lan, Indonesia và Australia. Xúc tu của loài sứa này có thể đạt tới độ dài 3m ở tuổi trưởng thành. Trong khi đó Irukandji được đánh giá là một trong những loài sứa nhỏ nhất nhưng cũng mang chất độc chết người.
Khi vô tình để cơ thể chạm phải những con sứa độc này, nạn nhân sẽ nhanh chóng cảm thấy khó thở, không thể cử động chân tay và nặng hơn nữa là tụt huyết áp dẫn đến tử vong.
Ngày nay nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trên thế giới đã có lắp đặt hệ thống cảnh báo về hoạt động của loài sứa nhằm tránh sự cố đáng tiếc cho các du khách. Có những trường hợp du khách tìm đến những bờ biển được coi là an toàn nhưng lại bất ngờ bị sứa độc tấn công gây chết người.
Sứa có thể tìm thấy ở hầu hết các vùng biển trên thế giới nhưng những loài sứa mang nọc độc thường hoạt động ở khu vực nằm trong khoảng 40 vĩ độ Nam và 40 vĩ độ Bắc. Tiến sĩ Gershwin cảnh báo các du khách tới những vùng biển được đánh giá nguy hiểm cần luôn đề cao cảnh giác, kể cả với nguy cơ tiềm tàng là sứa độc
Nguyên nhân cho sứa sinh sôi nảy nở
Sứa được biết đến từ thời cổ đại và luôn là một phần trong hoạt động sinh học bình thường của các đại dương. Báo cáo của tiến sĩ Gershwin nhận định việc khí hậu nóng lên trong hàng chục năm qua khiến các đại dương ngày càng ấm hơn, lượng oxy ở mức thấp trong khi môi trường biển ngày càng ô nhiễm. Đây là nguyên nhân chính tạo điều kiện để loài sứa phát triển.
Ngoài ra, sự bùng nổ về số lượng của các quần thể loài sứa cho thấy sự sống trong lòng các đại dương hiện đang mất cân bằng nghiêm trọng. Việc con người đánh bắt cá, tuyệt diệt các loài động vật biển đã tạo nên một môi trường sống hoàn hảo cho loài sứa.
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Gershwin, từ những năm 1960 đã có 9 trong số 10 loài cá chuyên săn bắt sứa, như cá kiếm, cá mập, cá ngừ bị suy giảm đáng kể về số lượng, một số loài đã biến mất. Cùng với đó là tình trạng khai thác quá mức các rạn san hô, bãi cỏ, rừng ngập mặn, khiến loài sứa ngày càng có cơ hội phát triển về số lượng.
“Con người không thể tiêu diệt toàn bộ loài sứa, vì như vậy sẽ gây nên sự mất cân bằng sinh học khác có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn” – ông Gershwin nói. Sự sống trong nhiều khu vực đại dương đã bị ảnh hưởng nặng nề và để khôi phục lại như ban đầu sẽ phải mất hàng trăm năm.
Tiến sĩ Gershwin cho rằng cần có những nghiên cứu một cách chi tiết mức độ ảnh hưởng và số lượng loài sứa tại các đại dương. Qua đó đưa ra những biện pháp thích hợp bao gồm cả việc giảm thiểu số lượng sứa cũng như khôi phục lại một hệ sinh thái cân bằng theo thời gian.
Theo Wikipedia, sứa là một lớp nhuyễn thể, thân mềm, sống ở môi trường nước. Sứa và thủy tức có cấu tạo chung giống nhau, nhưng sứa thích nghi với đời sống di chuyển ở biển. Khi di chuyển, sứa co bóp dù, đẩy nước qua lỗ miệng và tiến về phía ngược lại. Tua miệng một số loài sứa độc có chất gây ngứa, thậm chí gây bỏng da.
Một số loại sứa có thể được sử dụng làm các món ăn. Thông thường phần thân sứa được sơ chế bằng cách cắt, ngâm trong bể nước muối để giữ nước. Khi chế biến sứa được ngâm nước lạnh vài giờ cho nhạt bớt, và có thể sử dụng các món như bún sứa, gỏi sứa. Tại Hà Nội, Việt Nam có những cửa hàng bán món sứa xắt miếng ăn với đậu phụ chiên vàng, dừa nạo, rau sống và chấm mắm tôm chanh ớt.
BDN (nguồn CNN, TTVH)