Thursday, December 26, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiVăn hoá - Thể thao BiểnThăm Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường...

Thăm Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa

BienDong.Net: TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng cho rằng chiến lược “phát triển kinh tế biển” phải gắn liền với “bảo tồn văn hóa biển”.

Để bảo tồn văn hóa biển, theo TS Sơn, nước ta cần xây dựng ít nhất 3 bảo tàng là: bảo tàng về hàng hải, bảo tàng ngành đóng tàu, bảo tàng văn hóa biển đảo; tiến hành kiểm kê, xếp loại và đánh giá toàn bộ di sản văn hóa biển trên cả nước; ưu tiên nguồn vốn tôn tạo, khảo cứu, các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến quá trình khai thác, chinh phục, xác lập và giữ gìn chủ quyền biển đảo; xây dựng các chương trình quảng bá di sản văn hóa biển Việt Nam đến với cộng đồng trong nước và quốc tế.

alt

Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa

Trước khi các bảo tàng như ý tưởng của TS Trần Đức Anh Sơn trở thành hiện thực, đã có không ít những nỗ lực nhằm lưu giữ di sản văn hóa biển Việt Nam, trong đó phải kể đến Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa mới được khánh thành cách nay hơn 2 năm tại Viện Hải dương học Nha Trang.

Phòng trưng bày được đặt trong đường hầm xuyên qua núi Bảo Đại dài khoảng 34 m, chiều rộng 4,5 m, cao 4,5 – 6 m. Tại đây trưng bày hàng chục nhóm mẫu vật các loài thủy hải sản được khai thác từ Hoàng Sa và Trường Sa như các mẫu ốc, san hô cứng dạng nấm, san hô gai, các bể cá sống, các mẫu cá khổng lồ…

Ngoài ra còn trưng bày các văn bản quản lý Hoàng Sa của chính quyền sau năm 1945, hình ảnh về lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn, hình ảnh về những sinh hoạt đời thường và các công trình xây dựng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa…

Phòng trưng bày còn lưu giữ những thư tịch cổ, văn bản triều Nguyễn về Hoàng Sa, Trường Sa, hình ảnh của đội thuyền Hoàng Sa thế kỷ 17 – 18 và nhiều tài liệu lịch sử về quá trình khảo sát, quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam qua các thời kỳ.

Ngoài ra, với hàng nghìn mẫu địa chất và các loài sinh vật sống đặc trưng cho 2 quần đảo này, người xem sẽ ngỡ ngàng vì vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa có nhiều tài nguyên đa dạng và trù phú đến như vậy.

TS Võ Sỹ Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Hải dương học cho biết: Bảo tàng sinh vật biển của Viện có khoảng 10.000 mẫu sinh vật lấy từ Trường Sa, Hoàng Sa và một số vùng biển khác trong nước. Đó là kết quả của sự miệt mài nghiên cứu, khổ công sưu tầm của những cán bộ nghiên cứu của Viện Hải dương học qua các thời kỳ, những người thường xuyên bôn ba trên Biển Đông từ những năm đầu của thế kỷ 20.

 

Cá thu song ở Trường Sa – Ảnh: Thuận Thắng

Viện Hải Dương học ra đời từ năm 1922, là cơ quan nghiên cứu khoa học về biển có bề dày lịch sử lâu dài nhất nước ta. Đây là nơi quản lý, lưu giữ có hệ thống các công trình, kết quả nghiên cứu về biển Việt Nam. Từ khi mới ra đời, hoạt động khảo sát, nghiên cứu của Viện đã gắn liền với vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Chỉ trong vòng 6 năm, từ năm 1927 đến năm 1933 tàu De Lanessan đã 3 lần đến vùng biển Trường Sa để khảo sát, điều tra. Ngoài những nghiên cứu về hải dương học và khai thác phốt phát trên đảo, năm 1938, Viện đã thành lập một trạm quan trắc hải dương học tại đảo Pattle trong quần đảo Hoàng Sa (sau này vì chiến tranh nên trạm này tạm dừng hoạt động).

alt 

Mốc chủ quyền Việt Nam trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa (ảnh BienDong.Net)

Thời gian đầu thế kỷ 20, các hoạt động của De Lanessan đã thu nhiều kết quả, tuy nhiên sau đó tàu này phải về Sài Gòn để sửa chữa. Thế chiến II bùng nổ phần nào làm các hoạt động nghiên cứu của Viện Hải dương học gặp khó khăn. Tuy vậy, các thế hệ nhân viên của Viện vẫn luôn gắn bó với công việc tìm hiểu, làm rõ nhiều vấn đề khoa học về biển đảo Việt Nam.

Ngoài ra, các mẫu sinh vật, địa chất được lấy từ 2 quần đảo trên và khu nuôi sinh vật biển sống tại vùng biển thuộc 2 quần đảo cũng được trưng bày. Trong đó nổi bật là bom núi lửa, tức tảng dung nham có hình thoi hoặc hình quả lê từ miệng núi lửa tung lên trời rồi rơi xuống đất đông cứng lại lấy ở đảo Phan Vinh năm 1989, vỏ sò dài 1 m, nặng 145 kg lấy từ đảo Sinh Tồn năm 1991, mẫu cá mặt trăng đuôi nhọn lấy từ Trường Sa năm 1998, mẫu cá thu Song khổng lồ nặng 70 kg dài 4 m lấy ở Trường Sa đầu năm 2011… Một số sinh vật như loài cá Demo (khoang cổ) có bố mẹ lấy từ Trường Sa, được Viện đem về nhân giống, sinh sản nhân tạo và nhiều loài san hô, cá quý hiếm khác cũng được Viện đem ra trưng bày.

TS Bùi Hồng Long – viện trưởng Viện Hải dương học – cho biết: “Để góp phần thực hiện Chiến lược biển đến năm 2020, Viện sẽ là địa chỉ cho các du khách, nhà khoa học đến nghiên cứu, tìm hiểu biển đảo Việt Nam. Phòng trưng bày tài nguyên biển Hoàng Sa – Trường Sa sẽ giúp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu hơn về hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, có những nhận thức đúng đắn về biển, đảo qua đó nâng cao lòng tự hào dân tộc, ý thức về chủ quyền quốc gia. Trong tương lai chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng đường hầm, biến phòng trở thành trung tâm trưng bày, để Hoàng Sa – Trường Sa không còn xa nữa mà luôn gần gũi quanh chúng ta”.

BDN (biên tập theo Tuổi Trẻ và TTVH)

RELATED ARTICLES

Tin mới