Sunday, October 13, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLIỆU TRUNG QUỐC CÓ THIẾT LẬP VÙNG NHẬN DẠNG PHÒNG KHÔNG Ở...

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ THIẾT LẬP VÙNG NHẬN DẠNG PHÒNG KHÔNG Ở BIỂN ĐÔNG HAY KHÔNG?

BienDong.Net: Sau khi Trung Quốc đơn phương thiết lập khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Hoa Đông, các nước trong và ngoài khu vực, kể cả Mỹ đang rất lo ngại việc Trung Quốc tiếp tục lấn tới để thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Các nhà nghiên cứu phân tích đã đưa ra các dự báo khác nhau về khả năng Trung Quốc lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Mặc dù việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ ở Hoa Đông đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước trong và ngoài khu vực, trong đó Mỹ phản ứng rất gay gắt và không chấp nhận những kiểm soát của Trung Quốc đối với ADIZ do Trung Quốc thiết lập, tuy nhiên khi bị các phóng viên chất vấn về khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn ngạo mạn tuyên bố “Trung Quốc sẽ công bố vào thời gian thích hợp sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị liên quan”. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh cũng ngang ngược nói rằng “Trung Quốc có quyền quyết định thời gian và địa điểm thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới”. Những phát biểu này cho thấy Trung Quốc đang toan tính cho việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông để qua đó khẳng định các yêu sách về chủ quyền và yêu sách về các vùng biển phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông; Trung Quốc đã lên kế hoạch và đang tích cực triển khai các công việc chuẩn bị để thực hiện âm mưu đen tối này. Nếu điều này xảy ra thì an toàn hàng không quốc tế trên bầu trời Biển Đông và tự do, an ninh an toàn hàng hải trên Biển Đông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Báo Asahi của Nhật đưa tin các quan chức không quân của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã soạn thảo các đề xuất về thiết lập vùng nhận diện phòng không bao trùm phần lớn Biển Đông, trong đó đưa quần đảo Hoàng Sa vào trung tâm ADIZ này. Dự thảo đề xuất này đã được trình lên các quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc vào tháng 5/2013. Dự thảo này nói rằng ADIZ ở Biển Đông có phạm vi tối thiểu là bao trùm lên không phận quần đảo Hoàng Sa và có thể mở rộng ra phần lớn khu vực Biển Đông. Bắc Kinh hiện đang cân nhắc phạm vi của ADIZ ở Biển Đông và xem xét thời gian đưa ra tuyên bố thiết lập ADIZ này.

Với những tuyên bố hết sức ngang ngược nói trên, Trung Quốc đang thách thức cả cộng đồng quốc tế và làm cho tình hình Biển Đông thêm căng thẳng. Trước thái độ hung hăng của Trung Quốc, các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực tìm cách ngăn chặn không để Trung Quốc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông.

Tại Hội nghị cấp cao giữa ASEAN – Nhật Bản hồi tháng 12 năm 2013, Lãnh đạo nhiều nước ASEAN và Nhật Bản đã lên tiếng phê phán trực tiếp hay gián tiếp hành động đơn phương thiết lập ADIZ của Trung Quốc. Tuyên bố chung của Lãnh đạo các nước ASEAN và Nhật Bản đã kêu gọi việc đảm bảo tự do và an ninh, an toàn hàng không ở bầu trời Biển Đông và biển Hoa Đông.

Tại cuộc họp hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 01/2014 ở Mianma, Ngoại trưởng các nước ASEAN cũng đã thảo luận vấn đề này và tính đến một hành động chung để ngăn chặn việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên bầu trời Biển Đông. Đây có thể tiếp tục là một chủ đề sẽ được tiếp tục bản thảo tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN (Hội nghị cấp cao ASEAN; Hội nghị ASEAN với các đối tác; ARF và Diễn đàn Đông Á…) trong năm 2014.

Mỹ là nước có tiếng nói công khai mạnh nhất phản đối việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông. Ngày 30/01/2014, ông Evan Medeiros, Giám đốc cao cấp về Châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia mạnh mẽ tuyên bố: “nếu Trung Quốc tiếp tục thiết lập ADIZ mới thì đó là một sự khiêu khích, gây bất ổn và sẽ khiến Mỹ phải có những thay đổi về sự hiện diện và bố trí quân sự ở Châu Á”; đồng thời nhấn mạnh quan điểm hết sức rõ ràng: “Mỹ chống lại việc Trung Quốc thiết lập ADIZ mới tại các khu vực khác, bao gồm cả Biển Đông”. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf ngày 31/01/2014 cảnh báo: “mặc dù thông tin về việc Trung Quốc thiết lập ADIZ chưa được kiểm chứng, nhưng Mỹ coi một hành động như vậy của Trung Quốc là khiêu khích và đơn phương, gây căng thẳng và tạo ra sự hoài nghi lớn về cam kết của Trung Quốc trong xử lý các tranh chấp lãnh thổ thông qua con đường ngoại giao. Quan điểm rõ ràng của Mỹ là các bên cần kiềm chế tuyên bố ADIZ hay bất kỳ quy định hành chính nào hạn chế hoạt động của các bên khác trong các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực”.

Ngày 04/02/2014, trả lời câu hỏi phóng viên trong một cuộc họp báo, Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định: “Chính quyền Obama đã bày tỏ quan điểm rõ ràng là sẽ không công nhận một ADIZ do Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông, giống như ở Hoa Đông. Chính phủ Mỹ sẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào, bao gồm cách thức tiến hành các chiến dịch quân sự tại khu vực nếu như Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Mỹ cho rằng một hành động như vậy của Trung Quốc là không phù hợp với ổn định khu vực và sẽ làm gia tăng căng thẳng, tăng nguy cơ tính toán sai, đối đầu hoặc tại họa; một hành động như vậy của Trung Quốc còn đe dọa gây cản trở tự do bay trong không phận quốc tế tại Biển Đông. Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc không thiết lập ADIZ ở Biển Đông”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc trung tuần tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry đã đề cập một cách hết sức thẳng thắn với những người Lãnh đạo ở Bắc Kinh, trong đó có Chủ tịch Tập Cận Bình về những hành động đơn phương của Trung Quốc làm cho tình hình biển Hoa Đông và Biển Đông căng thẳng thời gian. Ông John Kerry nhấn mạnh với các nhà Lãnh đạo Trung Quốc rằng Mỹ không chấp nhận khu vực nhận diện phòng không do Trung Quốc đơn phương thiết lập ở biển Hoa Đông; đồng bày tỏ quan ngại về những thông tin liên quan đến khả năng Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Chắc chắn đây sẽ còn là đề tài Mỹ sẽ tiếp tục đề cập trong các cuộc tiếp xúc Mỹ – Trung trong thời gian tới, bao gồm cả cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Âm mưu khống chế bầu trời và vùng biển ở Biển Đông của Trung Quốc để thực hiện mục tiêu xây dựng cường quốc biển là không thay đổi, do vậy ý đồ thiết lập ADIZ ở Biển Đông cũng không thay đổi. Nhiều chuyên gia cho rằng không sớm thì muộn Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, khả năng về không quân còn hạn chế của Trung Quốc chưa cho phép Trung Quốc kiểm soát nổi được toàn bộ vùng trời rộng lớn trên Biển Đông. Hơn thế nữa, Biển Đông liên quan đến nhiều nước ASEAN, Trung Quốc cần phải tính toán không để việc gây hấn với các nước láng giềng ven Biển Đông để không làm xấu thêm hình ảnh của Trung Quốc.

Ông Carl Thayer, Giáo sư Học viện Quốc phòng Úc nhận định: “Trung Quốc có thể thiết lập ADIZ tại vùng đảo Hải Nam rộng lớn của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, việc mở rộng vùng nhận diện phòng không ra toàn bộ ‘đường lưỡi bò’ vẫn là một câu hỏi lớn. Vấn đề chính của Trung Quốc trong việc lập ADIZ ở Biển Đông là khu vực này rộng lớn hơn so với ADIZ mà Trung Quốc mới thiết lập tại biển Hoa Đông. Bên cạnh đó, Biển Đông liên quan đến nhiều nước hơn so với khu vực biển Hoa Đông. Ngoài ra, việc thiết lập một ADIZ mới ở Biển Đông sẽ đi ngược lại những dấu hiệu được gọi là ‘thiện chí’ của Trung Quốc với các nước ASEAN thời gian gần đây”.

Tuy nhiên, phản ứng mạnh mẽ của các nước, nhất là của Mỹ buộc Trung Quốc phải cân nhắc thận trọng việc thiết lập khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Trước thái độ quyết liệt của cộng đồng quốc tế, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phải lấp liếm rằng: “Trung Quốc chưa cảm thấy mối đe dọa về an ninh hàng không từ các nước ASEAN và lạc quan về mối quan hệ với các nước láng giềng và tình hình chung ở khu vực Biển Đông”.

Phát biểu của ông Hồng Lỗi chỉ là sự ngụy biện cho những âm mưu đen tối của Bắc Kinh. Các nước ASEAN cần hết sức cảnh giác và cần tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ tại các diễn dàn khu vực trong thời gian tới để ngăn chặn việc Trung Quốc thiết lập ADIZ ở Biển Đông.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới