Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiDù sao Trung Quốc vẫn phải đối diện vụ kiện “đường lưỡi...

Dù sao Trung Quốc vẫn phải đối diện vụ kiện “đường lưỡi bò”!

BienDong.Net: Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm 03/06/2014 đã yêu cầu Trung Quốc, trong vòng 60 ngày, cung cấp các luận cứ và bằng chứng để biện hộ cho các đòi hỏi về chủ quyền của họ ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh một lần nữa từ chối tham gia vụ kiện mà Manila đã khởi xướng từ năm ngoái.

Theo RFI, trong một thông cáo, tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, đề nghị, từ nay đến 15/12/2014, phía Trung Quốc cần cung cấp các luận cứ và bằng chứng cụ thể phản bác đề nghị của phía Philippines.


Hồi đầu năm 2013, chính phủ Philippines đã đệ đơn, đề nghị tòa án Liên Hiệp Quốc xem xét tính pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên bản đồ đường chín đoạn ở Biển Đông – còn gọi là bản đồ hình lưỡi bò.

Theo bản đồ này Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hơn 80% diện tích Biển Đông.

Hôm 4/6, các quan chức Philippines một lần nữa, kêu gọi Trung Quốc tham gia vụ kiện để có được một giải pháp hòa bình và bền vững cho các tranh chấp lãnh thổ.

Sau khi chính thức đệ đơn kiện Trung Quốc, ngày 30/03/2014 vừa qua, Philippines đã hoàn tất Bộ hồ sơ khoảng 4.000 trang cung cấp luận cứ và bằng chứng phản bác các đòi hỏi phi lí về chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thông cáo hôm 3/4 của tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng cho biết tháng trước, chính phủ Trung Quốc đã gửi thông báo nhắc lại rằng Bắc Kinh «không chấp nhận vụ kiện lên tòa án trọng tài do Philippines khởi xướng», nhưng theo các thẩm phán của tòa án trọng tài, thì thông báo nói trên không liên quan gì đến việc Trung Quốc chấp nhận hoặc tham gia thủ tục kiện.

Mặt khác, tòa án trọng tài cũng nêu khả năng tiếp tục nghe phía Philippines trình bày luận cứ của mình – cho dù Trung Quốc không tham gia – và xác định các bước tiếp theo vào một thời điểm thích hợp, sau khi tham khảo ý kiến các bên liên quan.

Từ đầu tháng Năm, Trung Quốc đã đưa giàn khoan dầu vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm cho tình hình ở Biển Đông càng thêm căng thẳng.

Trong bối cảnh đó, nhân chuyến công du Philippines vào tháng trước, lần đầu tiên, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố là Hà Nội đang xem xét các hành động pháp lý chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Nói với hãng tin Mỹ Bloomberg, ông Dũng cho biết: “Đấu tranh pháp lý theo luật pháp quốc tế là một biện pháp hòa bình. Lãnh đạo Việt Nam đang cân nhắc giải pháp này”.

Theo giới quan sát, nếu Việt Nam kiện, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ chống lại, giống như trường hợp đối với Philippines.

Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, nhưng cũng ẩn chứa nguy cơ xung đột do những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ.

Dư luận cho rằng để duy trì hòa bình và an ninh trên Biển Đông, các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển.

Mặc dù ở thế yếu, nhưng trước đối thủ khổng lồ, với việc đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế, Philippines đã và đang dồn đối thủ của mình vào thế bị động.

Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc là vô lí, bất công, bất hợp pháp, bất chấp mọi luật lệ quốc tế hiện hành.

Nó được sử dụng để chèn ép, bắt nạt các nước láng giềng nhỏ và yếu hơn họ rất nhiều.

Để duy trì lợi thế của mình, Trung Quốc luôn đòi giải quyết các tranh chấp trên biển theo kiểu song phương nhằm dễ bề áp đặt sức mạnh của họ.

Vụ kiện của Philippines đánh trúng vào điểm yếu nhất trong đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nơi thực tế cho thấy Trung Quốc hoàn toàn cô độc, không được ai ủng hộ.

Trung Quốc có thể tuyên bố không tham gia phiên tòa, nhưng họ không thể ngăn phiên tòa tiếp tục, bất chấp mong muốn của họ.

Và như vậy, yêu cầu chính đáng của Philippines đề nghị công lý phán xử yêu sách đường 9 đoạn sẽ như vết thương nhức nhói đeo bám Bắc Kinh, như “kính chiếu yêu” – theo cách nói của người Trung Quốc – làm lộ nguyên hình tham vọng bành trướng bá quyền của họ trước thế giới.

Đường 9 đoạn tham lam không có chỗ đứng trong trật tự pháp lí quốc tế, và nó sẽ không tránh khỏi sự phán quyết của công luận rộng rãi cho dù Trung Quốc chỉ muốn lặng lẽ thực thi nó theo kiểu “lấy thịt đè người”.

Trong bối cảnh đó, điều hợp lí là Việt Nam nên mạnh mẽ công khai tuyên bố đứng bên cạnh Philippines trong vụ kiện lịch sử này.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới