Saturday, April 27, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệc mở rộng thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc...

Việc mở rộng thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc đẩy Việt Nam tìm đến với Mỹ

BienDong.Net: Hà Nội – Việc Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan khổng lồ tại khu vực tranh chấp trên Biển Đông đang giúp định hình lại mối quan hệ giữa hai cựu thù – Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Bị quốc gia láng giềng do cộng sản cầm quyền lấn át, Việt Nam đã quay sang Mỹ để tạo đối trọng với các thủ đoạn bành trướng, hiếu chiến của Trung Quốc, nước đã bảo vệ việc triển khai giàn khoan nước sâu trị giá 1 tỉ USD trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bằng cách sử dụng vòi rồng tấn công các tàu tuần tra của Việt Nam, đâm và làm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam.

“Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực và sự tham gia của các quốc gia và đối tác, trong đó có Mỹ – đối tác toàn diện của Việt Nam, để góp phần giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hòa bình”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam Hà Huy Thông mới đây cho biết.

Dưới chính sách “xoay trục” hướng tới Châu Á chậm chạp của chính quyền Obama, phản ứng của Washington chỉ là những cam kết và thiếu những hành động cụ thể. Các quan chức từ lâu đã nói rằng mục đích của “xoay trục” là tái tập trung sự chú ý và các nguồn lực vào khu vực, không phải để thách thức Trung Quốc, nước đã sử dụng vị thế sức mạnh quân sự và kinh tế hàng đầu Châu Á để ép buộc các nước láng giềng nhỏ hơn.

Hơn nữa, sự hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông – tuần trước Trung Quốc thông báo nước này đang di chuyển giàn khoan thứ hai đến khu vực – tạo cho Hà Nội và Washington động lực để tái định hình mối quan hệ vốn đã có sự tiến triển quan trọng kể từ khi các máy bay trực thăng Mỹ di tản những người Mỹ cuối cùng khỏi Sài Gòn 39 năm trước. Sau khi đạt được các mối quan hệ tốt đẹp về kinh tế, Việt Nam và Mỹ đang xem xét các mối đe dọa tiềm ẩn trong khu vực với một tinh thần tương tự.

Phát biểu hồi cuối tháng trước trong cuộc gặp với các quan chức Việt Nam tại Hà Nội, Thượng nghị sỹ Benjamin L. Cardin, đảng Dân chủ bang Maryland, thành viên Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, cho biết: “Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những căng thẳng đang diễn ra tại Biển Đông, và những hành động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp trong khu vực dấy lên những nghi vấn nghiêm trọng về cam kết của nước này đối với hòa bình và an ninh trong khu vực”.

Mỹ có quan hệ đồng minh trong khu vực với Úc, Nhật, Hàn Quốc, Philippines và Đài Loan, trừ Việt Nam – nơi mà hơn 58.000 lính Mỹ bị giết và hàng chục nghìn người khác bị thương khi cố ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á trong cuộc chiến kéo dài gần 10 năm.

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1995, Washington và Hà Nội đã phát triển quan hệ theo định hướng đối tác chiến lược tiềm năng. Việc ký kết Hiệp định thương mại song phương vào năm 2001 đã giúp cho thương mại giữa hai nước tăng vọt từ 1,5 tỉ USD vào năm 2001 lên hơn 29 tỉ USD vào năm 2013.

Việt Nam cũng là một phần trong các kế hoạch tăng trưởng kinh tế chủ chốt của Mỹ tại Châu Á. Cùng với 9 quốc gia khác, Mỹ và Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định kinh tế có mục đích thiết lập các tiêu chuẩn mới nhằm thúc đẩy các mối quan hệ mạnh mẽ hơn nữa giữa Mỹ với Châu Á trong thế kỷ 21.

Trong khi đó, Việt Nam đã tạo dựng những dấu mốc hướng tới quan hệ chiến lược gần gũi hơn. Năm ngoái, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có chuyến thăm Mỹ, trong khi các quan chức khác mong muốn Mỹ có vai trò tích cực hơn đối với an ninh quốc gia của Việt Nam.

Hà Nội đang tiến đến gần hơn các ưu tiên của Washington trong các vấn đề quan trọng khác. Tháng trước, Việt Nam tuyên bố sẽ tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt (PSI), hành động này khác hẳn với sự phản đối trước đây của Việt Nam đối với nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt do Mỹ và các đồng minh khởi xướng. Động thái này đã mở ra cánh cửa cho hai bên tiến hành giám sát hàng hải chung, một mối quan hệ đối tác tiềm tàng không thoát khỏi sự chú ý của Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, ngoài các cuộc thảo luận song phương về quốc phòng, sáng kiến chống khủng bố và thực thi pháp luật, lộ trình cho quan hệ đối tác chiến lược Việt – Mỹ dường như đã khả thi hơn.

Chắc chắn vẫn còn có sự phản đối đối với mối quan hệ thân thiết hơn giữa hai cựu thù. Và Washington vẫn mong được chứng kiến những cải cách sâu rộng hơn ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nhân quyền.

Bất chấp các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông, những người bảo thủ trong Bộ Chính trị Việt Nam vẫn lo ngại về hậu quả tiêu cực từ phía Trung Quốc nếu họ quay sang Washington.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phương, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington, cho rằng: “Nhiều lãnh đạo Việt Nam luôn giữ ý thức cảnh giác vì Trung Quốc lúc nào cũng ở sát nách, ngay cả khi Mỹ có thể rời khỏi khu vực này. Hà Nội không mong muốn khiêu khích Bắc Kinh thêm, nếu còn có thể tính được”.

James Borton – The Washington Times

BDN (biên dịch)

RELATED ARTICLES

Tin mới