BienDong.Net: Tháng 10/2013, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường có chuyến thăm quan trọng đến Việt Nam. Thủ Tướng Lý và người đồng cấp của Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thảo luận về sự hợp tác trong tương lai trên nhiều lĩnh vực và thống nhất thành lập 3 nhóm công tác về hợp tác trên đất liền, hợp tác tiền tệ và hợp tác hàng hải. Theo các phương tiện truyền thông của Trung Quốc, có “bước đột phá trong quan hệ hợp tác song phương”.
Căng thẳng leo thang hiện nay trên Biển Đông, bắt nguồn từ việc Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào khu vực vùng biển tranh chấp, dấy lên những hoài nghi nghiêm túc về thất bại trong việc tạo dựng lòng tin chiến lược giữa Bắc Kinh và Hà Nội.Cần nhớ rằng quan hệ song phương Việt Nam – Trung Quốc đã có những bước tiến rõ rệt kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ năm 1991. Năm 1999, hai nước hoàn thành việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ và một năm sau đó cũng đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới ở vịnh Bắc Bộ.
Năm 2000, Trung Quốc và Việt Nam đã hệ thống hóa quan hệ song phương qua bản Tuyên bố chung về Hợp tác toàn diện trong Thế kỷ mới. Văn bản này thiết lập khuôn khổ cho quan hệ dài hạn cấp Nhà nước. Trung Quốc cũng đã ký những thỏa thuận tương tự với tất cả các thành viên khác thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Năm 2006, Việt Nam và Trung Quốc lập Ban chỉ đạo chung về Hợp tác Song phương cấp phó Thủ tướng để điều phối tất cả các lĩnh vực trong quan hệ hai nước. Ban chỉ đạo họp định kỳ, luân phiên ở Bắc Kinh và Hà Nội.
Tháng 6/2008, sau cuộc gặp thượng đỉnh của lãnh đạo đảng tại Bắc Kinh, quan hệ song phương chính thức được nâng tầm thành đối tác chiến lược, và một năm sau được nâng lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Tranh chấp lãnh thổ trên Biên Đông tiếp tục là trở ngại chính trong quan hệ song phương giữa hai nước. Tháng 10/2011, tại Bắc Kinh, trong một bước tiến lớn, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Thỏa thuận những Nguyên tắc Cơ bản cho giải quyết vấn đề trên biển. Bắc Kinh và Hà Nội đã cam kết “tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên chấp nhận được đối với những tranh chấp trên biển trên cơ sở luật pháp quốc tế” và giải quyết những tranh chấp trên biển “thông qua các cuộc đàm phán và thương lượng hữu nghị”.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí “tích cực thảo luận các biện pháp chuyển tiếp và tạm thời mà không ảnh hưởng đến các quan điểm và chính sách của hai bên, bao gồm việc nghiên cứu và thảo luận về sự hợp tác cùng phát triển”. Tóm lại, về bề ngoài Hà Nội và Bắc Kinh đã thành công trong việc tách các tranh chấp lãnh thổ trên biển giữa hai nước ra khỏi mối quan hệ hợp tác song phương lớn hơn.
Tháng 10/2013, Thủ tướng Lý và Thủ tướng Dũng cam kết “thực hiện nghiêm chỉnh” Thỏa thuận năm 2011 và theo đuổi hợp tác hàng hải theo nguyên tắc “từng bước” và “dễ trước, khó sau”. Hai nhà lãnh đạo cũng đã khẳng định vai trò của cơ chế đang thực hiện cấp chính phủ trong đàm về biên giới và lãnh thổ. Họ cũng đã nhắc lại điểm chủ chốt trong Thỏa thuận 2011 đã nói ở trên, đó là theo đuổi “những giải pháp cơ bản, có thể chấp nhận được mà không ảnh hưởng đến quan điểm và chính sách của mỗi bên”.
Đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định thỏa thuận thực hiện theo Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và “dựa trên sự đồng thuận, hai bên sẽ làm nhiều hơn để đạt được Bộ quy tắc ứng xử” trên Biển Đông. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thống nhất “kiểm soát chặt chẽ những tranh chấp trên biển và không có thêm bất kỳ những động thái nào gây phức tạp và mở rộng tranh chấp”. Về vấn đề này, hai bên cam kết tận dụng những đường dây nóng đã được thiết lập giữa các Bộ ngoại giao và Bộ Nông nghiệp của hai nước.
Hai tháng sau chuyến thăm của Thủ tướng Lý, Việt Nam và Trung Quốc họp phiên toàn thể của các ủy ban cấp chính phủ về biên giới và lãnh thổ. Cuộc họp nhất trí thành lập Nhóm công tác để thảo luận về hợp tác cùng phát triển trên biển với phiên họp đầu tiên dự kiến vào năm 2014.
Lòng tin chiến lược có thể được mô tả là mối quan hệ phát triển giữa hai nước thường xuyên tác động qua lại. Điều này mang lại tập quán tham vấn và khả năng dự báo chính xác hơn về ứng xử của mỗi bên.
Quyết định của Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) là ngoài dự đoán, khiêu khích và, theo ý kiến chuyên môn của tôi, là bất hợp pháp, mặc dù có tranh luận quốc tế đáng kể về vấn đề này. Tuy nhiên, những hành động này đã làm suy yếu những nỗ lực tạo dựng lòng tin chiến lược giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Trung Quốc.
Những hành động của Trung Quốc nằm ngoài dự đoán bởi Việt Nam không có khiêu khích nào để biện minh cho những hành động của Trung Quốc. Như đã nói ở trên, hai bên đã chấp thuận những nguyên tắc và cơ chế giải để quyết vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ song phương.
Những hành động của Trung Quốc có tính khiêu khích vì đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa một giàn khoan vào khu vực EEZ của nước khác mà không xin phép trước trước. Thêm vào đó, giàn khoan được hộ tống bởi một hạm đội hải quân của Quân đội Nhân dân Trung Quốc, các tàu cảnh sát biển và các tàu cá. Quy mô của hạm đội nhanh chóng được tăng từ 50 tàu lên đến 100 tàu trong vài ngày. Trung Quốc còn triển khai máy bay quân sự và máy bay khác.
Khi Việt Nam phản ứng bằng cách điều đến đó những chiếc tàu cảnh sát biển nhỏ hơn nhiều để đối phó với Trung Quốc và yêu cầu họ di chuyển ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã phản ứng rất hiếu chiến. Những tàu lớn của Trung Quốc đã cố ý đâm va tàu Việt Nam với mục đích gây ra những thiệt hại buộc các tàu Việt Nam phải rút lui. Tàu cảnh sát biển Trung Quốc cố ý dùng vòi rồng công suất cao xối vào ăng-ten thông tin liên lạc của các tàu Việt Nam. Sau cùng, Trung Quốc đã lột bỏ bạt phủ các khẩu pháo và vũ khí khác trên tàu của họ và cố ý chĩa chúng sang các tàu cảnh sát biển Việt Nam vẫn giữ vũ khí dưới lớp bạt bảo vệ.
Xét về mặt tối thiểu, quyết định này của Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế. Rõ ràng là Việt Nam và Trung Quốc có quyền hợp pháp thiết lập các vùng EEZ theo Công ước quốc tế về Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS). Và cũng rõ ràng là những vùng EEZ này chồng lấn. Trong những trường hợp như vậy, luật pháp quốc tế cấm cả hai bên xâm phạm những sắp đặt tạm thời, kiềm chế việc đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và không thay đổi hiện trạng.
Trung Quốc không thừa nhận họ có tranh chấp với Việt Nam. Người phát ngôn của Trung quốc ngay từ đầu đã tuyên bố rằng giàn khoan nằm trong “những vùng lãnh hải” của Trung Quốc, nhưng cũng nói rằng giàn khoan cách đảo Tri Tôn 17 hải lý, và các vùng lãnh hải chỉ rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở của mọi quốc gia.
Ngày 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chính thức điều chỉnh yêu sách trước đó của họ liên quan vùng lãnh hải và hiện tại tuyên bố rằng giàn khoan dầu trên nằm trong các vùng biển tiếp giáp của Trung Quốc. Cùng thời điểm đó, người phát ngôn cũng nêu rõ rằng giàn khoan cách bờ biển Việt Nam khoảng 170 hải lý. Đáng chú ý, vùng tiếp giáp của Trung Quốc là một dải từ mép ngoài lãnh hải đến 24 hải lý, làm cho việc tranh chấp thêm phức tạp.
Tuy nhiên, theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng tiếp giáp là để cho phép một nước ven biển “tiến hành kiểm soát cần thiết để ngăn chặn sự vi phạm các luật và quy định về hải quan, tài chính, di cư hoặc vệ sinh trong lãnh thổ hoặc lãnh hải của nước đó”.
Xét từ góc độ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền và quyền tài phán, rõ ràng là Trung Quốc đã hành động đơn phương trong việc chủ tâm khẳng định “chủ quyền” của họ. Khi có tranh chấp, theo luật biển UNCLOS, các bên được yêu cầu sử dụng các biện pháp tạm thời cho đến khi tranh chấp được giải quyết và không làm thay đổi hiện trạng, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.
Việt Nam đã thể hiện lập trường rất hòa giải. Việt Nam đã kiên trì kêu gọi qua đường dây nóng với Trung Quốc và đề nghị Trung Quốc tiếp đặc phái viên nhằm thảo luận về cách thức kiểm soát khi chưa giải quyết được những căng thẳng hiện nay. Thiệt hại trước tiên của căng thẳng hiện nay là lòng tin chiến lược giữa Hà Nội và Bắc Kinh.
Carlyle A. Thayer là Giáo sư danh dự Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc tại Canberra.
BDN (biên dịch)