Thursday, January 16, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiTrung Quốc đã “tẩy não” người dân về Biển Đông ra sao?

Trung Quốc đã “tẩy não” người dân về Biển Đông ra sao?

BienDong.Net: Từ việc đưa các nội dung sai lệch về Biển Đông vào chương trình giảng dạy từ nhiều năm trước, đến việc lưu hành bản đồ khổ dọc, chính quyền Bắc Kinh rõ ràng đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến dịch tuyên truyền, nhồi nhét vào tâm trí người dân nước này những quan niệm sai lầm về chủ quyền của Trung Quốc.

BDN xin trân trọng giới thiệu bài phân tích về âm mưu này của Trung Quốc do báo quốc nội Petrotimes thực hiện.

Từ sách giáo khoa “tẩy não”

Tiến sỹ Christopher Robert thuộc Trường Đại học New South Wales của Australia từng đưa ra nhận định: “Trong vài chục năm gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã “cấy” vào đầu người dân nước này một suy nghĩ là Biển Đông thuộc chủ quyền “không thể tranh cãi” của Trung Quốc”. Ông dẫn lời một giáo sư Trung Quốc cho biết “Nếu bạn đề nghị một người Trung Quốc 50 tuổi vẽ bản đồ nước này, họ sẽ chỉ vẽ tấm bản đồ chỉ có Trung Quốc đại lục. Nhưng nếu bạn đưa ra một đề nghị tương tự với một người Trung Quốc 25 tuổi thì tấm bản đồ do họ vẽ ra sẽ xuất hiện cả Biển Đông”.

Đó thực sự là “thành quả” đáng nể của chiến dịch tuyên truyền, “tẩy não” mà chính quyền Bắc Kinh đã âm thầm tiến hành từ cách đây hàng chục năm và quả thật, không còn gì bá đạo hơn thế trong truyền thông!

Dù có những lúc “giấu mình, chờ thời” như chủ trương của Đặng Tiểu Bình, nhưng phải nói rằng, từ trước đến nay, giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa bao giờ che giấu tham vọng đối với Biển Đông, dù cho họ chẳng nắm trong tay thứ bằng chứng nào có giá trị pháp lý để chứng minh cái gọi là “chủ quyền” của họ ở khu vực này, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Chính quyền Bắc Kinh đã áp đặt tham vọng và quan điểm cứng rắn về Biển Đông vào hệ thống giáo dục nước này. Các sách giáo khoa địa lý, lịch sử của Trung Quốc đều chứa chấp những thông tin sai lệch, nhồi nhét vào tâm trí học sinh nước này quan niệm cho rằng, điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc kéo dài tới bãi ngầm James (Trung Quốc gọi là bãi Tăng Mẫu), cách bờ biển Malaysia có 80 km! Và một khi đã hiểu như thế thì “chủ nghĩa dân tộc”, ý thức về “chủ quyền quốc gia” trong mỗi lớp học sinh được “nhồi nhét” quan niệm này cũng rất cao.

Bằng chứng là trong thời gian Trung Quốc và Philippines bùng phát căng thẳng tranh chấp bãi cạn Scarborough năm 2012, một cuộc khảo sát do Thời báo Hoàn cầu tiến hành cho thấy, 80% người dân Trung Quốc ở 7 thành phố lớn đã ủng hộ chính phủ sử dụng biện pháp quân sự để “đáp trả sự khiêu khích của nước ngoài đối với chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.

… đến bản đồ “khổ dọc”

Trong câu chuyện mới nhất, Trung Quốc đã làm cả cộng đồng quốc tế và ngay cả chính người dân nước này bất ngờ khi công bố và chính thức lưu hành tấm bản đồ khổ dọc.

 

Bản đồ “đường 10 đoạn” của Trung Quốc mới phát hành

Vốn là, bản đồ Trung Quốc từ xưa đến nay luôn được đặt trong một hình chữ nhật có chiều ngang lớn hơn chiều dọc. Chiều ngang dài 5.200km, chạy từ bờ sông Áp Lục ở phía Đông bắc đến cao nguyên Tây Tạng ở phía Tây. Chiều dọc chỉ kéo dài từ cao nguyên Nội Mông ở phía Bắc đến đảo Hải Nam là điểm tận cùng ở phía Nam, dài hơn 3.000km.

Ấy vậy mà trong tấm bản đồ do Nhà xuất bản bản đồ ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc chính thức phát hành ngày 23/6 vừa qua, cả chiều ngang, chiều dọc đều được nới dài ra một cách phi lý. Không chỉ “nuốt trọn” Biển Đông, biển Hoa Đông, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản, mà tấm bản đồ mới còn gộp luôn toàn bộ bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và các bộ phận của bang Jammu và Kashmir của nước này vào cái gọi là “lãnh thổ” của Trung Quốc.

Đáng chú ý, “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tuyên bố đơn phương trên Biển Đông đã có thêm 1 đoạn, nằm ở gần Đài Loan (Trung Quốc). Theo tấm bản đồ mới, khu vực “đường 10 đoạn” đã bao gồm hơn 130 đảo lớn, nhỏ trên Biển Đông. Nó đã chiếm tới hơn 90% diện tích Biển Đông, thay vì hơn 80% với “đường 9 đoạn”. Tỷ lệ vùng biển và các đảo trên Biển Đông lúc này đã tương đương với phần đất liền của Trung Quốc. Hình dáng Trung Quốc trong bản đồ theo đó cũng biến đổi từ hình “con gà trống” sang “con đại bàng”.

Bản đồ Trung Quốc chuẩn giống hình con gà trống

Đến lúc này thì người ta không thể không đặt câu hỏi, tại sao bản đồ hành chính của một quốc gia lại có thể thay đổi chóng mặt như vậy?

Xin đừng nhầm rằng đây chỉ là sản phẩm của một nhà xuất bản cấp tỉnh, bởi nó đã được Cục thông tin địa lý & đo lường Quốc gia Trung Quốc phê chuẩn và chính thức phát hành.

Tổng biên tập Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam Lei Yixun phát biểu trên Tân Hoa xã rằng: “Bản đồ mới giúp chính xác hóa những quan niệm sai lầm về chủ quyền của Trung Quốc và thúc đẩy nhận thức, nâng cao ý thức của công chúng về chủ quyền lãnh thổ trên đất liền và trên biển. Đồng thời, nó có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”.

Còn Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong cuộc họp báo hôm 26/6 đã “hồn nhiên” lý giải “Mục đích của tấm bản đồ mới là phục vụ người dân Trung Quốc, cho nên, bên ngoài đừng chú ý quá nhiều”.

 

Bản đồ Trung Quốc gộp cả “đường đứt đoạn” phi lý và phi pháp giống hình chim đại bàng

Trung Quốc không muốn bên ngoài chú ý nhiều, nhưng cộng đồng quốc tế không thể không lên tiếng trước sự phi lý trong tấm bản đồ khổ dọc mới phát hành của nước này.

Ngày 26/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Russel đã phát biểu: “Hành động của Trung Quốc không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế của nước này trên trường quốc tế. Với tư cách là một cường quốc đang trỗi dậy, họ cần kiềm chế hành vi của mình”.

Trưởng văn phòng báo chí của Tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr thì nói: “Họ đã vẽ ra một “đường 9 đoạn”. Bây giờ nó lại được biến thành 10 đoạn. Theo lịch sử đường này dưới thời Trung Hoa Dân Quốc là 11 đoạn. 11 biến thành 9 và bây giờ lại thành 10. Tất cả những bản hình vẽ này đều bị bác bỏ bởi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982”.

Trong khi đó, ông Charles Jose, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines khẳng định: “Tấm bản đồ bản thân nó sẽ không mang lại lãnh thổ cho ai. Nếu không chúng ta đều có thể vẽ ra một phiên bản bản đồ của chính mình. Cũng chính vì vậy, mỗi tấm bản đồ đều cần phải dựa trên luật pháp quốc tế”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buối sáng ngày 25/6 đã dẫn lời ông Lý Vân Long – chuyên gia nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Hạ Môn, Trung Quốc nhận xét: “Bản đồ này được một nhà xuất bản cấp tỉnh như một phép thử dư luận quốc tế nhằm giúp Bắc Kinh tránh được sự phản đối dữ dội từ các nước láng giềng. Nếu không có nước nào phản ứng gay gắt, đây sẽ là cơ hội để chính quyền Trung Quốc chính thức hợp thức hóa bản đồ này”.

Tờ báo này cũng dẫn nhận định của Tiến sỹ Stephen Ortmann: “Không có ai sử dụng bản đồ cho các mục đích chính trị nhiều như chính phủ Trung Quốc”.

Còn tờ Wall Street Journal cho hay: “Sự hoài nghi về tấm bản đồ mới không chỉ đến từ cộng đồng quốc tế. Ngay cả người dân Trung Quốc cũng chỉ trích sự xuất hiện của tấm bản đồ này”. Nhà bình luận các vấn đề quốc tế Wu Ge trên trang Weibo cá nhân nhận định: “Liệu có ích lợi gì khi cho công bố những tấm bản đồ này. Việc làm này của nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam chỉ nhằm khuếch trương chủ nghĩa yêu nước mù quáng”.

Trong khi đó, tạp chí uy tín Foreign Policy thì không ngại ngần đặt câu hỏi một cách châm biếm: “Hey Beijing, is that a map in your pocket?” (tạm dịch: Này, Bắc Kinh, bản đồ trong túi anh à?”.

Không biết, ngày mai, tháng sau, năm sau nữa, học sinh Trung Quốc sẽ được học gì vể lãnh thổ nước mình, nếu như bản đồ hành chính quốc gia chỉ là là một thứ đồ chơi, thích vẽ gì thì vẽ và cốt chỉ để thỏa mãn ý đồ chính trị chính quyền Bắc Kinh.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới