Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiQUỐC HỘI HOA KỲ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG

QUỐC HỘI HOA KỲ THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ BIỂN ĐÔNG

BienDong.Net: Ngày 10/7/2014, Thượng viện Hoa Kỳ với sự nhất trí cao của 100 Thượng nghị sĩ đã thông qua Nghị quyết 412 về Biển Đông và biển Hoa Đông với tiêu đề “Tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ Hoa Kỳ đối với tự do hàng hải và việc sử dụng hợp pháp các vùng biển và vùng trời ở Châu Á – Thái Bình Dương, và việc giải quyết ngoại giao hòa bình các tranh chấp và yêu sách lãnh thổ”.

Nghị quyết do 5 Thượng Nghị sĩ gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương Ben Cardin, Chủ tịch Thường trực Thượng viện James Risch Patrick Leahy, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Thượng nghị sĩ John McCain chủ trì và nhận được sự đồng bảo trợ của 2 Thượng Nghị sĩ bà Dianne Feinstein và John Cornyn. Nội dung Nghị quyết tập trung vào các vấn đề đang nổi lên ở Biển Đông và biển Hoa Đông, cụ thể là:

– Khẳng định Hoa Kỳ có lợi ích an ninh quốc gia sâu sắc và ràng buộc đối với việc duy trì hòa bình, ổn định trong lĩnh vực hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và biển Hoa Đông; nhấn mạnh các yêu sách chủ quyền phải xuất phát từ cấu trúc đất, nếu không sẽ không phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặc dù, Hoa Kỳ không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng có lợi ích trong việc giải quyết hòa bình ngoại giao các tranh chấp chủ quyền theo luật pháp quốc tế, không cưỡng chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực.

– Tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp vùng biển, vùng trời ở Châu Á – Thái Bình Dương được quy định theo luật pháp quốc tế, không phải là thứ mà quốc gia này ban cho quốc gia khác; Chính phủ Hoa Kỳ bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) và ngăn cản Philippines tiếp cận bãi Cỏ Mây. Trong những năm gần đây, có nhiều sự cố nguy hiểm, gây bất ổn ở các vùng biển gần Philippines, Malaysia và Việt Nam; trong đó có sự gia tăng chưa từng có các hoạt động nguy hiểm của Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku.

Đặc biệt, trước hành động ngang ngược của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, Nghị quyết 412 đã bổ sung nội dung về vấn đề này, trong đó nêu rõ:

– Ngày 01/5/2014, Tập đoàn Dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã hạ đặt giàn khoan Hai Yang Shi You 981 cùng với trên 25 tàu của Trung Quốc tại lô 143 nằm cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

– Từ ngày 01 đến 09/5/2014, số lượng tàu của Trung Quốc hộ tống giàn khoan 981 đã lên tới trên 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự, hung hăng tuần tra và hăm dọa tàu cảnh sát biển Việt Nam, vi phạm các quy tắc về việc ngăn chặn các vụ đụng độ trên biển 1972 của Tổ chức Hàng hải quốc tế (COLREGS). Theo tin tức đưa, tàu Trung Quốc đã cố tình đam nhiều tàu Việt Nam, sử dụng trực thăng và vòi rồng để cản trở các tàu khác.

– Ngày 05/5/2014, các tàu của cơ quan an toàn hàng hải Trung Quốc đã thiết lập vành đai có bán kính 3 hải lý xung quanh giàn khoan 981, đe dọa an toan hàng hải trong khu vực và vi phạm các nguyên tắc đã được thừa nhận trong luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982.

– Các yêu sách chủ quyền và các hành động để hỗ trợ hoạt động của giàn khoan 981 không được làm rõ theo luật pháp quốc tế, là nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) 2002.

Nghị quyết 412 lên án các hành động cưỡng ép và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản hoạt động của máy bay quân sự và dân sự trong không gian bay quốc tế, làm thay đổi nguyên trạng và gây bất ổn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; thúc giục Chính phủ Trung Quốc không thực thi ADIZ ở biển Hoa Đông và không có các hành động khiêu khích tương tự ở các khu vực khác thuộc Châu Á – Thái Bình Dương; kêu gọi Chính phủ Trung Quốc rút giàn khoan Hai Yang Shi You 981 và các lực lượng chấp pháp kèm theo ra khỏi các vị trí hiện tại, kiềm chế không có các hoạt động hàng hải vi phạm COLREGS và ngay lập tức khôi phục trở lại nguyên trạng như trước ngày 01/5/2014.

Nghị quyết đề cập đến nội dung điều 5 Hiệp ước phòng thủ chung với Nhật Bản và Philippines; kêu gọi các bên làm rõ các yêu sách chủ quyền hoặc điều chỉnh yêu sách của mình theo luật pháp quốc tế; ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC); ủng hộ quyền của các nước có yêu sách chủ quyền sử dụng các cơ chế giải quyết hòa bình tranh chấp.

Đây là lần thứ 4 liên tiếp, Thượng Nghị viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết về Biển Đông với những lời lẽ mạnh mẽ phê phán trực diện các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Điều này thể hiện rõ sự lo ngại của chính quyền Hoa Kỳ đối với những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Những hành động này không chỉ gây tổn hại đến các nước ở khu vực mà còn đe dọa trực tiếp lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Trước đó, tại Đối thoại Kinh tế – Chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng đã thẳng thắn đề cập với phía Trung Quốc về các hành vi gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc của Hoa Kỳ.

Việc Nghị quyết 412 được thông qua ngay sau cuộc Đối thoại Kinh tế – Chiến lược giữa hai bên cho thấy có sự nhất trí cao trong Chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ trong chính sách với Trung Quốc; Hoa Kỳ không thể ngồi yên để nhìn Trung Quốc hoành hành và thực hiện mưu đồ bành trướng ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Nghị quyết 412 nêu đích danh vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hai Dương 981 là sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống lại sự bành trướng trên biển của Trung Quốc. Chính quyền Hà Nội cần tận dụng và tranh thủ quan điểm này của Hoa Kỳ để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.

Dẫu biết rằng quan hệ giữa Hà Nội và Washington còn có những khó khăn do những mặc cảm của quá khứ để lại và Hà Nội vẫn còn những lo ngại nhất định về cái gọi là “diễn biến hòa bình” từ Hoa Kỳ, song cuộc chiến đã lùi vào quá khứ trên 40 năm. Đã đến lúc Hà Nội cần phải gạt bỏ những mặc cảm của quá khứ để có cách tiếp cận mới trong việc thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ mọi mặt, kể cả quan hệ quân sự với Hoa Kỳ để chống chọi lại sự đe dọa từ phương Bắc. Riêng trên vấn đề Biển Đông có thể nói Hoa Kỳ là những người bạn, những người có chung một lợi ích là chống lại bá quyền Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới