Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiÂM MƯU CỦA TRUNG QUỐC TRONG THỰC HIỆN SÁNG KIẾN “CON ĐƯỜNG...

ÂM MƯU CỦA TRUNG QUỐC TRONG THỰC HIỆN SÁNG KIẾN “CON ĐƯỜNG TƠ LỤA TRÊN BIỂN”

BienDong.Net: Thời gian qua, Trung Quốc ráo riết thúc đẩy việc triển khai sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” thông qua việc triển khai đồng loạt các hoạt động đối ngoại vận động các nước ủng hộ cho sáng kiến “con đường tơ lụa nói chung” và “con đường tơ lụa trên biển” nói riêng.

Trung Quốc tận dụng mọi diễn đàn đa phương để nêu sáng kiến về “con đường tơ lụa” và tranh thủ các cuộc tiếp xúc song phương để vận động các nước ủng hộ sáng kiến này, thậm chí dùng các lợi ích kinh tế để lôi kéo các nước hưởng ứng sáng kiến này của Trung Quốc. Mới đây, Trung Quốc còn đệ trình lên UNESCO xem xét công nhận “con đường tơ lụa” là di sản thế giới.

“Con đường tơ lụa mới” được những người lãnh đạo ở Bắc Kinh đưa ra nằm trong việc triển khai chính sách đối ngoại chung của Trung Quốc ở thời kỳ mới khi Trung Quốc đang bước ra khỏi giai đoạn “giấu mình chờ thời”. Trong cuốn “Chính sách đối ngoại của Trung Quốc: một kỷ nguyên mới”, Anne – Marie Brady nhận định: “Chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang ở điểm ngưỡng giữa một mặt là quyết liệt và chủ động với mặt khác là mơ hồ và phi đối kháng. Khi chưa thay đổi được tình hình, Trung Quốc tận dụng tối đa trật tự hiện hành và theo đuổi lợi ích một cách kín đáo; nhưng khi có thể thay đổi luật chơi, Trung Quốc hành động rất mạnh mẽ”. Cách tiếp cận này đang được Trung Quốc áp dụng cho “con đường tơ lụa trên biển”. Cho đến nay, sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” được Trung Quốc nêu ra ở tất cả các cấp, kể cả người lãnh đạo cao nhất Tập Cận Bình, song nội hàm của “con đường tơ lụa trên biển” không rõ ràng và rất mơ hồ; trong sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc nhấn nhiều đến mặt hợp tác, “cùng thắng” nhằm thể hiện tính phi đối kháng của sáng kiến để đánh lừa các nước liên quan bởi ẩn chứa bên trong sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” là một âm mưu sâu xa về vấn đề chủ quyền lãnh thổ, biển đảo.

“Con đường tơ lụa trên biển” là một trong những biện pháp để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” hay “Chấn hưng Trung Hoa” do người đứng đầu Trung Quốc Tập Cận Bình nêu ra. Tập muốn thông qua đây để tạo dấu ấn trong lịch sử Trung Quốc. Trong bài viết đăng trên tạp chí “Thế giới Đương đại Trung Quốc” số 389, tháng 4/2014, Thái Bằng Hồng nhận định “Con đường tơ lụa trên biển vừa là một bộ phận cấu thành quan trọng của việc tôn vinh văn minh Trung Hoa và thực hiện Giấc mộng Trung Hoa, vừa phản ánh tương lai kinh tế to lớn của một đợt cải cách mới và khu vực ven biển Trung Quốc mở rộng sang các nước ven Biển Đông Nam Á, thậm chí Ấn Độ Dương”

Trung Quốc coi “Con đường tơ lụa trên biển” tồn tại trên 2.000 năm, là biểu trưng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế và văn hóa Trung Quốc mà đỉnh cao là thời nhà Minh, khi GDP của Trung Quốc chiếm 1/3 GDP toàn thế giới và ảnh hưởng của Trung Quốc vươn tới tận Địa Trung Hải và Châu Phi. Theo cách nhìn của Trung Quốc, sự tồn tại của “con đường tơ lụa trên biển” được thể hiện qua chuyến tuần dương của Trịnh Hòa là biểu tượng của trật tự thế giới thời phong kiến mà Trung Quốc là một “quốc gia trung tâm của thế giới” được các nước trong khu vực và trên thế giới kính trọng, thần phục.

Việc khôi phục lại “con đường tơ lụa trên biển” thời cổ đại vừa là tham vọng của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh, vừa là biểu tượng cho chủ nghĩa dân tộc Đại Hán của Trung Quốc nên nó ẩn chứa rất nhiều điểm bất lợi cho các nước láng giềng xung quanh của Trung Quốc. Thực chất ý đồ của Trung Quốc trong ý tưởng xây dựng “con đường tơ lụa mới trên biển là:

Một là, tạo ra một trật tự mới trên biển mà các nước, trước hết là các nước láng giềng ven biển đi theo một quỹ đạo do Trung Quốc điều hành và chi phối. Sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” nằm trong kế hoạch tổng thể “chuỗi ngọc trai” nhằm đưa Trung Quốc trở thành cường quốc biển và xa hơn là để cạnh tranh vị trí siêu cường của Mỹ.

Hai là, “con đường tơ lụa trên biển” là công cụ ngoại giao để chứng minh sự trỗi dậy hòa bình và thực thi chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc. Qua việc sử dụng “con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc cố gắng tạo ra một hình ảnh mềm mại, thân thiện và hòa hữu cho sự trỗi dậy và mở rộng ảnh hưởng của mình.

Ba là, “con đường tơ lụa trên biển” tạo cơ hội cho Trung Quốc thúc đẩy chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” để khai thác các tài nguyên trên biển ở những khu vực mà “con đường tơ lụa trên biển” đi qua, nhất là nguồn năng lượng dầu, khí đáp ứng nhu cầu “khát” năng lượng của Trung Quốc.

Bốn là, sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” là để thực hiện mưu đồ về lãnh thổ và yêu sách biển đảo của Trung Quốc. Thực hiện thành công sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” sẽ tạo ra “danh chính, ngôn thuận” và điều kiện thuận lợi cho việc hiện diện ra các vùng biển của Trung Quốc, trước hết là khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, Ấn Độ Dương, giúp cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên biển và tăng cường ảnh hưởng về quân sự trên biển. Điều này sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực trên biển theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Thông qua “con đường tơ lụa trên biển” Trung Quốc sẽ biến những khu vực biển không tranh chấp thành khu vực tranh chấp để thực hiện yêu sách về chủ quyền và quyền chủ quyền trên biển.

Đặc biệt, đối với Biển Đông, Trung Quốc đã từng đưa ra lập luận rằng trước đây, trong quá trình thực hiện “con đường tơ lụa” trong thời kỳ cổ đại con tàu của Trịnh Hòa đã “xác lập và thực thi chủ quyền” đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để biện minh cho yêu sách về chủ quyền của họ. Trung Quốc sẽ tiếp tục sử dụng “con đường tơ lụa trên biển” mới để biện minh cho các hành động hung hăng ở Biển Đông làm cho tình hình Biển Đông nóng hơn và căng thẳng hơn.

Năm là, Trung Quốc sẽ sử dụng sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” để thực hiện chính sách chia để trị đối với các nước láng giềng. Có thể xuất hiện khả năng một số nước sẽ bị cuốn hút vào các lợi ích kinh tế trước mắt, sẵn sàng bỏ qua những vấn đề nguyên tắc và chuẩn mực của luật pháp quốc tế để ủng hộ cho sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc mà làm tổn hại đến lợi ích của các nước có tranh chấp về chủ quyền biển đảo với Trung Quốc. Mặt khác, không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ gia tăng sức ép và các hành động gây hấn với những nước không ủng hộ cho sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển”.

Sáu là, sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc được đưa ra còn nhằm mục tiêu đẩy Mỹ và các nước phương Tây ra khỏi khu vực. Sáng kiến này là nhằm đối trọng lại với chính sách “tái cân bằng chiến lược ở Châu Á – Thái Bình Dương” của Mỹ. Về mặt kinh tế, “con đường tơ lụa trên biển” là để chống lại Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Mỹ. Do vậy, có thể thấy “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc sẽ làm cho cuộc cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng ở khu vực giữa các nước lớn nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt.

Một khi “con đường tơ lụa trên biển” được hình thành Trung Quốc sẽ tự đặt ra những luật lệ mới để ép buộc các nước khác phải tuân thủ; Trung Quốc sẽ hành động đơn phương bỏ qua luật pháp quốc tế. Tình hình thực tế ở Biển Đông thời gian qua đã chứng minh điều này. Nhìn từ góc độ này thì “con đường tơ lụa trên biển” không chỉ là mối đe dọa về an ninh và chủ quyền lãnh thổ đối với các nước láng giềng, nhất là các nước đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông mà còn là mối đe dọa đối với tự do, an ninh, an toàn hàng hải trên biển.

Mặc dù, Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy cho “con đường tơ lụa trên biển”, nhưng đến nay các nước phản ứng một cách hờ hững đối với sáng kiến. Nguyên nhân là do những hành động cứng rắn hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông đang tạo ra mối lo ngại của các nước đối với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bành trướng Đại Hán của những người cầm quyền ở Bắc Kinh. Những hành động gây hấn của Trung Quốc đã làm xói mòn hình ảnh của Trung Quốc, không còn ai tin vào cái gọi là “sự phát triển hòa bình” hay “chính sách hữu hảo với các nước láng giềng” của Trung Quốc.

Tình trạng mất lòng tin đã làm cho các nước phản ứng dè dặt trước sáng kiến này của Trung Quốc, thậm chí cảnh giác bởi các nước đều nhận thấy đằng sau “con đường tơ lụa trên biển” là những mưu mô thâm hiểm của Trung Quốc. Chúng ta thấy rõ điều này qua phản ứng của các nước ASEAN đối với sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

Trung Quốc đã chính thức đưa ra tài liệu khái niệm về việc xây dựng “con đường tơ lụa trên biển tại cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN – Trung Quốc, nhưng chưa được các nước ASEAN hưởng ứng. Mỹ tỏ rõ thái độ ngăn chặn Trung Quốc phát huy vai trỏ ảnh hưởng qua sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực.

Đối với Việt Nam, sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” là thách thức đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam vì con tàu của Trịnh Hòa thời cổ đại là một lập luận liên quan đến chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Xét một cách khách quan thì một số khía cạnh kinh tế trong “con đường tơ lụa trên biển” nếu được triển khai theo đúng tôn chỉ hợp tác kinh tế bình đẳng cùng có lợi thì sẽ mang lại những lợi ích chung cho các nước trong khu vực. Nhưng bản chất của những người cầm quyền ở Bắc Kinh là nói một đằng làm một nẻo và ý đồ thâm độc của họ là thông qua các hoạt động kinh tế để “trói buộc” các nước liên quan đi theo quỹ đạo do Bắc Kinh vạch ra. Do vậy, Việt Nam cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác với sáng kiến này. Trong bối cảnh hội nhập toàn diện, Việt Nam có thể lựa chọn một số lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” để tham gia hợp tác. Kiên quyết không chấp nhận cả gói về sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các nước liên quan đến tranh chấp Biển Đông khác trong ASEAN vạch rõ mưu đồ thâm hiểm của Trung Quốc trong “con đường tơ lụa trên biển” vận động các nước ASEAN khác không ủng hộ cho sáng kiến này của Trung Quốc mà chỉ có thể trao đổi vấn đề hợp tác đối với từng lĩnh vực cụ thể. Việt Nam cần vận dụng triệt để nguyên tắc “đồng thuận trong ASEAN” để bác bỏ sáng kiến “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc. Mặt khác, cần tranh thủ lôi kéo các nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật, Úc, Hàn Quốc, các nước Châu Âu… thông qua các chương trình, sáng kiến hợp tác ở khu vực để đối trọng lại với “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc.

BDN

RELATED ARTICLES

Tin mới