Một tuần trước hạn chót 15/12/2014 phải đệ trình lên Tòa Trọng tài Liên Hợp Quốc bản phản biện liên quan vụ kiện do Philippines khởi xướng, Trung Quốc (07/12) ra tuyên bố tái khước từ vụ kiện và khẳng định Tòa không có thẩm quyền thụ lý. Bối cảnh động thái này càng đáng chú ý hơn khi Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 05/12/2014 công bố một báo cáo nghiên cứu được đánh giá là hậu thuẫn đắc lực cho các kiến nghị pháp lý của đồng minh Philippines.
Đánh lạc hướng dư luận, Trung Quốc mưu toan thay đổi luật pháp quốc tế
Mặc dù mang nội dung phản biện nhưng hình thức đưa ra quan điểm của Trung Quốc là một tuyên bố lập trường (position’s paper) chứ không phải là bản phản biện (counter memorial) theo yêu cầu trong phán quyết số 2 vào tháng 6/2014 của Tòa.
Như thế, Bắc Kinh trước hết muốn phủ nhận đang tồn tại một thủ tục tố tụng liên quan đến mình, và quan trọng hơn, muốn tạo ra “kênh riêng” để tự do diễn giải một số chủ đề pháp lý theo ý mình.
Tuyên bố phiên bản tiếng Anh của Trung Quốc gồm 6 phần, 93 điểm, dài tương đương hơn 27 trang A4 [1] với những diễn giải khá lạ lẫm, nhưng tựu trung gồm các lập luận chính:
Một, các kiến nghị pháp lý của Philippnes có mối quan hệ bản chất với và nhất thiết dẫn đến việc xác định chủ quyền đối với các thực thể địa chất biển và việc phân định biển, nên Tòa không có thẩm quyền xem xét theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Hai, vì Philippnes và Trung Quốc chưa hề đàm phán, thương lượng (negotiation) về tranh chấp trên biển, nên việc Manila khởi kiện đã vi phạm quy định của UNCLOS về việc chỉ được khởi kiện khi thương lượng thất bại và vi phạm cam kết trong Tuyên bố về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) về việc giải quyết tranh chấp qua thương lượng.
Theo tinh thần của UNCLOS, một quốc gia không được sử dụng cơ chế trọng tài bắt buộc (compulsory arbitral) khi chưa sử dụng các cơ chế trọng tài khác, nên vụ kiện của Philippines càng thiếu cơ sở.
Ba, theo quy định của UNCLOS, Trung Quốc được miễn ràng buộc với vụ kiện do có Tuyên bố bảo lưu năm 2006.
Lập luận “Một,… ” ở trên là xương sống cho toàn bộ tuyên bố lập trường của Trung Quốc. Nước này sẽ có lý nếu kiến nghị của Philippines ít nhiều dẫn đến việc Tòa cần phải xác định một trong hai hoặc cả hai yêu tố là chủ quyền đối với các thực thể địa chất và đường ranh giới giữa các quốc gia trên biển.
Việc Philippines khởi kiện cũng sẽ là sai luật nếu trên thực tế đàm phán Trung Quốc – Philippnes về tranh chấp trên biển chưa được xúc tiến hoặc đang diễn ra mà không gặp bế tắc.
Chính vì thế trong tuyên bố lập trường, Trung Quốc bằng nhiều lý lẽ đã cố gắng phân tích, diễn giải rồi kết luận bản chất những kiến nghị của Philippines là vấn đề chủ quyền; đồng thời “chứng minh” những giao thiệp ngoại giao về tranh chấp biển giữa hai nước trong 20 năm qua không phải là “đàm phán”, “thương lượng”.
Nhưng chủ quyền cũng chính là khía cạnh mà Philippines rất lưu ý trong hồ sơ khởi kiện.
Ngay trong phần đầu của Tuyên bố khởi kiện, Manila khẳng định không chút mập mờ về việc kiến nghị Tòa đưa ra phán quyết cho 3 nội dung: (1) “Đường chín đoạn” của Trung Quốc không phù hợp với UNCLOS; (2) Quy chế pháp lý của các thực thể địa chất biển; (3) Philppines được hưởng quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS. [Điểm I.6.].[2]
Cẩn thận hơn, Manila khẳng định thêm rằng nước này không kiến nghị Tòa xác định chủ quyền đối với các đảo và các đường biên giới biển [Điển I.7].[3]
Bên cạnh đó, Tuyên bố khởi kiện của Philppines dành dung lượng từ Đoạn 25 đến Đoạn 30 [4] để liệt kê và chứng minh các hoạt động đàm phán, thương lượng (thất bại) với Trung Quốc ít nhất từ năm 1995.
Ảnh: Rappler.
Điểm mấu chốt trong chiến thuật của Trung Quốc là quy kết “động cơ” của Philippines, đánh lạc hướng dư luận quốc tế, mà nếu được hưởng ứng, nó không chỉ mang lại lợi thế tuyên truyền cho Bắc Kinh mà còn có ý nghĩa là các quy định pháp lý được thừa nhận rộng rãi hiện nay đã bị hướng lái sang nội dung khác.
“Đòn đánh chặn” bất ngờ từ Washington
Khi Mỹ nhiều luần tuyên bố ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc, ít ai nghi ngờ Washington sẽ tư vấn pháp lý, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin tình báo… một cách kín kẽ cho đồng minh, nhưng cũng ít người có thể hình dung ra việc Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ công bố báo cáo ” Ranh giới trên biển/Số 143/Trung Quốc: Các yêu sách biển trên Biển Đông” [5] hai ngày trước khi Trung Quốc ra tuyên bố lập trường.
Đây là món quà tuyệt vời của Washington dành cho Manila, bởi trong đó lần đầu tiên Chính quyền Mỹ nêu quan điểm chính thức về sự thiếu thuyết phục của “đường chín đoạn”.
Không xác định chủ quyền và phân định biển, báo cáo phân tích cặn kẽ rồi kết luận “đường chín đoạn” thiếu cơ sở khoa học dù Trung Quốc sẽ diễn giải nó là đường tuyên bố về chủ quyền đối với các đảo trên Biển Đông và các vùng nước chúng được hưởng, đường biên giới quốc gia hay ranh giới vùng nước lịch sử.
Kết luận trên như một “đòn đánh chặn” nhằm vào Trung Quốc, bởi nó hiển hiện một thông điệp không chỉ với dư luận, với Bắc Kinh mà với cả các thẩm phán của Tòa: Báo cáo bác bỏ lập luận “Một,… “ của Trung Quốc nêu trên bởi nó chứng minh được “đường chín đoạn” trái với UNCLOS trong khi vẫn giữ trung lập về vấn đề chủ quyền và ranh giới biển.
Bên cạnh đó, nhiều cách diễn giải trong báo cáo đã ngầm trả lời cho các kiến nghị số (2) và (3) của Philippines ở trên: Quốc gia ven Biển Đông có quyền thụ hưởng hầu như trọn vẹn vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa bởi hầu hết các cấu tạo địa chất trên biển ít có cơ sở được hưởng quy chế “đảo” theo Điều 121 UNCLOS.
Dư luận sẽ không ngạc nhiên khi báo cáo của Washington dự tính tương đối chuẩn xác các lập luận của Bắc Kinh và đưa ra được những phản bác có tính thuyết phục cao. Bởi đây không chỉ vì Philippines – đồng minh số một của Mỹ trong ASEAN, mà còn vì lợi ích quốc gia của Mỹ trên các vùng biển Châu Á.
Đã từ lâu Mỹ và Trung Quốc bất đồng về cách diễn giải và áp dụng luật pháp quốc tế về biển, trong đó có UNCLOS, dẫn đến những đối đầu đáng tiếc trên Biển Đông, như vụ va chạm giữa máy bay EP3 của Mỹ và J – 811 của Trung Quốc năm 2001, vụ đối đầu giữa tàu Impeccable của Mỹ và đội tàu Trung Quốc năm 2009 và mới đây là vụ máy bay Su – 27 bám quá sát máy bay P – 8 của Mỹ tháng 8/2014.
Giúp Philippines thắng kiện cũng là tự giúp Mỹ trong việc kiềm chế tham vọng diễn giải luật pháp quốc tế theo ý mình của Trung Quốc.
Tác động lớn nhất
Trong ít ngày tới, các thẩm phán của Tòa Trọng tài sẽ tìm hiểu các lập luận pháp lý liên quan vấn đề Biển Đông của Trung Quốc từ nhiều nguồn, mà Tuyên bố lập trường ở trên là một căn cứ quan trọng, để từ đó làm cơ sở chất vấn ngược lại Manila.
Thời gian để Philippines chuẩn bị và trả lời Tòa có thể kéo dài vài tháng. Sau đó, Tòa sẽ xem xét thẩm quyền của mình đối với vụ kiện. Nếu Tòa có thầm quyền, thời điểm Tòa đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện sớm hay muộn tùy thuộc vào tình hình thực tế, nhưng có thể muộn nhất vào cuối năm 2015 hoặc đầu năm 2016.
Theo đánh giá của Gregory B. Poling trong một bài viết trên CSIS.org ngày 09/12/2014 [6], phán quyết cuối cùng của Tòa, nếu có, khả năng sẽ là phán quyết có tác động lớn nhất kể từ khi một Tòa được thành lập theo UNCLOS. Bởi dù nội dung ra sao, nó sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc, Mỹ, Philippines, Việt Nam, các quốc gia ASEAN khác có tranh chấp và nhiều nước liên quan trong khu vực.
Nếu phán quyết có lợi cho Philippines, bối cảnh sau vụ kiện sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia ASEAN khác, nhất là Việt Nam, trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thông qua một cơ chế tài phán quốc tế.
Nếu diễn biến tố tụng của vụ kiện hoặc phán quyết cuối cùng của Tòa có lợi cho Trung Quốc, đây nhất định là một chỉ dấu nổi bật cho thấy sự thay đổi trong “luật chơi” quốc tế, ít nhiều bắt nguồn từ sự nổi lên của một cường quốc vừa thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới./.
BDN
[2] Xem tài liệu tại địa chỉ: https://www.google.com.vn/url?sa=t&rct=j&q=&esrc=s&source=web&cd=1&cad=rja&uact=8&ved=0CBsQFjAA&url=http%3A%2F%2Fwww.dfa.gov.ph%2Findex.php%2Fcomponent%2Fdocman%2Fdoc_download%2F56-notification-and-statement-of-claim-on-west-philippine-sea%3FItemid%3D546&ei=-XuIVPbMK-PTmgWAyoKYBA&usg=AFQjCNHII04H6rZcxRQcXNdbxoaA2SYQXQ&sig2=AegxTJckEpf-lX9a31fG4A
[3] Như 2.
[4] Như 2.