BienDong.Net: Nhân việc Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra Báo cáo Các giới hạn trên Biển số 143 phản bác yêu sách “đường chín đoạn”, Biển Đông.net xin gửi đến quý độc giả những ý kiến của các luật sư, chuyên gia và các nhà nghiên cứu quốc tế về “đường chín đoạn” đã được tập hợp trong thời gian qua.
1. “Đường chín đoạn” hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Ông Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á, Trung tâm Stimson: “Theo luật quốc tế, “đường chín đoạn” không có một cơ sở thực sự nào cả. Hầu hết các chuyên gia luật quốc tế hoặc chuyên gia về biển đều tin rằng Trung Quốc không thể biện minh “đường chín đoạn” bằng bất cứ cách nào dưới ánh sáng của Công ước Luật Biển, đặc biệt là các quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình…“Đường chín đoạn” chắc chắn là một sự đe dọa đối với quyền của các quốc gia ven biển bởi vì theo như Công ước Luật Biển, mọi quốc gia đều có quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, và trong trường hợp “đường chín đoạn” của Trung Quốc và các nước láng giềng, “đường chín đoạn” đó đã cắt sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của hầu hết các quốc gia ven biển láng giềng với Trung Quốc”.
Giáo sư Dmitry Valentinovich Mosyakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các quốc gia Đông Nam Á, Úc và châu Đại dương, Viện Nghiên cứu Phương Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga: “Tôi cho rằng đường chín đoạn không phù hợp với luật quốc tế. Không hiểu sao ở Trung Quốc, họ nhìn bản đồ, sau đó lấy 1 cây bút chì và vẽ ra “đường chín đoạn”. Kiểu vậy! Họ không thể dựa vào luật quốc tế, vào lịch sử, vào hoàn cảnh chính trị đương thời, vào mối quan hệ…. Tôi nghĩ đó là ý chí của một số người, họ cho rằng 80% diện tích của Biển Đông là của họ và họ lấy bút chì vẽ ra “đường chín đoạn” rồi gọi đó là lãnh thổ của mình”.
Giáo sư Clive Symmons, Trường Luật, Đại học Trinity, Dublin, Ireland: “Theo tôi, điều gây nhiều tranh cãi nhất đó là những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông là yêu sách về các quyền lịch sử hay về danh nghĩa lịch sử. Quyền lịch sử mà Trung Quốc nhắc đến có nội hàm rộng hơn nhiều so với những quy định pháp lý trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Một lần nữa, yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc không có giá trị pháp lý vì các quyền lịch sử ngày nay đã thật sự bị loại bỏ bởi những điều khoản ngoài Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.
2. Sự mập mờ, không minh bạch của yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông.
Tiến sĩ Leszek Buszynski, Đại học Quốc gia Úc: “Đường chín đoạn” rất yếu về mặt giá trị pháp lý, do một số lý do như sau: Trước hết, tọa độ của “đường chín đoạn” phải được xác định một cách rõ ràng nếu Trung Quốc muốn dựa trên “đường chín đoạn” để đưa ra yêu sách của mình; thứ hai, “đường chín đoạn” được đưa ra một cách tùy tiện, vô căn cứ. Liệu rằng đường này xác định một khu vực nào đó nhất định, chứ không phải là khu vực khác, chúng ta không ai chắc về điều đó. Vì vậy, “đường chín đoạn” được vẽ ra không dựa trên cơ sở cụ thể nào”.
Ông Subhash Kapila, Cố vấn các vấn đề chiến lược và quan hệ quốc tế cho Nhóm phân tích Nam Á (SAAG) của Ấn Độ: “‘Đường chín đoạn’ mà Trung Quốc yêu sách là đường yêu sách đơn phương mà Trung Quốc vẽ trên một tấm bản đồ. Đường yêu sách này không hề có toạ độ và cố tình được để mập mờ nhằm phục vụ lợi ích của Trung Quốc trong một khoảng thời gian nhất định. Theo hướng này, tôi cũng muốn nói thêm rằng Trung Quốc không hề tin vào đường ranh giới địa lý và luôn yêu sách các đường biên giới lịch sử và đường biên giới chiến lược. Vì vậy, “đường chín đoạn” chủ yếu mang tính lịch sử và chiến lược mà Trung Quốc muốn để kiểm soát toàn bộ Biển Đông”.
Tạp chí Luật quốc tế Châu Á số tháng 1 năm 2012, đã đăng bài viết “Đường đứt đoạn ở Biển Đông: phân tích luật pháp về giá trị bản đồ” của Giáo sư Erik Franckx và Marco Benatar, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Brussel, Bỉ. Bài viết đi sâu phân tích tính phi lý của “đường lưỡi bò” như sự thiếu thống nhất, không có sự chú thích rõ ràng, mạch lạc với ý định không rõ ràng và đặc biệt là sự không chính xác về mặt kỹ thuật trong các bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” để rút ra kết luận về khía cạnh luật pháp quốc tế “đường lưỡi bò” không có cơ sở chắc chắn. “Tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” do các học giả đưa ra cũng như Công hàm mập mờ của Trung Quốc ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này. Bên cạch cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong Công hàm như “các vùng biển liên quan” hay “các vùng biển phụ cận”, gây khó hiểu. Các thuật ngữ đó không hề có trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Tạp chí Luật quốc tế của Mỹ số 1 năm 2013, đã đăng bài viết “Phân tích pháp lý về yêu sách các quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông” của ông Pierre Marie Dupuy, Giáo sư công pháp quốc tế Đại học Paris. Bài viết đưa ra nhiều lập luận chứng minh cho sự mơ hồ của yêu sách “đường lưỡi bò” và nhận định rằng “Trong bối cảnh phạm vi các yêu sách biển của Trung Quốc không được rõ ràng, việc công bố bản đồ “đường lưỡi bò” vào năm 2009 có thể được nhìn nhận như một mưu toan nhằm làm rõ hơn phạm vi các yêu sách này. Tuy nhiên, không những không tạo ra được sự minh hoạ tốt hơn về các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, bản đồ này lại tạo thêm những nghi ngờ hơn nữa về phạm vi và các luận giải pháp lý của Trung Quốc”.
Ông Pierre Marie Dupuy, Giáo sư công pháp quốc tế Đại học Paris: “Vấn đề rất lớn mà yêu sách này của Trung Quốc đặt ra, đó là nó được bao phủ bởi sự mập mờ, và càng ngày thì chúng ta càng không xác định được bản chất cũng như nội hàm của yêu sách này. Điều chắc chắn đó là yêu sách này trước tiên là yêu sách về chủ quyền lãnh thổ rồi sau đó mới là yêu sách biển. Về phạm vi, nó bao gồm một phần rộng lớn của Biển Đông. Vì thế, một vấn đề đặt ra là yêu sách này phù hợp như thế nào với quyền của các tất cả các quốc gia ven biển khác. Trong luật pháp quốc tế, chúng ta không thể đưa ra một phán quyết mang tính chính trị; và cũng càng không thể chỉ dựa vào một yêu sách chỉ xoay quanh thuật ngữ “lịch sử”. Thực sự Trung Quốc là một nước lớn và mạnh tồn tại trong khu vực từ hàng nghìn năm nay. Nhưng cũng thực sự là các quốc gia khác trong khu vực cũng có quyền của mình đối với các không gian biển nhất định được xác định trên cơ sở các quy định của Luật biển mà ngày nay đã được pháp điển hóa trong Công ước Luật biển, kết quả của một cuộc đàm phán thực chất trong vòng hơn 10 năm. Các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippines hay Việt Nam đều là thành viên của Công ước này. Vì thế đây chính xác là Luật sẽ được áp dụng cho các nước này”.
Ngay cả các học giả Trung Quốc và Đài Loan cũng phải thừa nhận về sự thiếu minh bạch trong yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Giáo sư Dustin Kuan – Hsiung Wang, Giám đốc, Viện Khoa học Chính trị, Đại học Quốc gia Đài Loan cho rằng: “Về cơ bản, có rất nhiều hiểu lầm về đường chữ U. Đầu tiên, tôi phải nói rằng đó không phải là một đường biên giới. Nếu đó là một đường biên giới thì nó cần phải được vẽ nét liền, chứ không phải 11 nét đứt. Thứ hai, vùng nước bên trong hoàn toàn không phải là vùng nội thủy. Nếu đó là vùng nội thủy thì khi đó, không một ai có thể hưởng quyền tự do qua lại trong vùng nước bên trong đường chữ U. Và thứ ba, đó hoàn toàn không phải là ranh giới ngoài của Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa bởi vì đường chữ U được xuất hiện vào năm 1947, và vào thời điểm đó, chưa xuất hiện bất kỳ ý tưởng nào về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”.
3. Yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của họ ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Giáo sư Erik Franckx, thành viên Toà Trọng tài thường trực, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và Châu Âu, Đại học Brussel, Bỉ: “Rất khó để chứng minh yêu sách này theo luật quốc tế hiện đại, nhất là khi không ai biết chính xác nội dung của yêu sách này là gì. Tất cả những gì Trung Quốc làm là đính kèm tấm bản đồ vào tài liệu họ gửi lên Liên hợp quốc, và điều đó đã châm ngòi cho cộng đồng quốc tế vì Trung Quốc là nước duy nhất ở cấp độ quốc tế muốn tận dụng yêu sách này. Việc Trung Quốc làm rõ yêu sách này có nghĩa gì rất quan trọng vì nếu không thì sẽ đặt các nước khác vào một tình huống khó khăn do không biết phải hiểu đường chín đoạn này như thế nào”.
Tiến sĩ Chris Robert, Giảng viên cao cấp về Chính trị và an ninh Châu Á, Quyền Phó Giám đốc trường An ninh quốc gia, Đại học Quốc gia Úc: “Theo luật pháp quốc tế, nếu Bắc Kinh không làm rõ thêm yêu sách của họ thì tôi thấy rất khó tìm ra bất cứ giá trị pháp lý nào cho yêu sách của Trung Quốc. Họ vẫn chỉ kiên trì cố gắng đưa ra những lý lẽ dựa trên vùng đặc quyền kinh tế, dựa trên việc liệu nó có được mở rộng từ các đảo như các yêu sách họ đã đưa ra. Về điểm này, như thể có một ai đó đã vẽ ra “đường chín đoạn” và họ không có bất kì giá trị pháp lý nào cho nó dựa theo luật pháp quốc tế”.
BDN