BienDong.Net: Không chỉ gây lo ngại cho các nước láng giềng liên quan đến những tranh giành lãnh thổ, tiết lộ của báo chí Châu Âu gần đây còn cho thấy một thực tế gây sửng sốt: Trung Quốc đang tiến hành trên qui mô lớn hoạt động gián điệp kinh tế và dùng tiền để thao túng chính khách địa phương.
RFI dẫn báo Pháp Libération số ra mới đây cho biết: « Trung Quốc tiến hành hoạt động gián điệp trên quy mô lớn » tại Pháp. Một tài liệu mật tổng hợp tình hình của Tổng cục phản gián Pháp – DGSI – cảnh báo về các phương pháp hoạt động tình báo kinh tế của Trung Quốc, trên mọi lĩnh vực.
Về mặt chính thức, quan hệ giữa Pháp và Trung Quốc có vẻ thuận buồm xuôi gió và theo lời Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhân chuyến công du Bắc Kinh vừa qua, thì không có gì đáng lo ngại cả.
Thế nhưng, cơ quan phản gián Pháp lại không nghĩ thế. Họ nhận định Trung Quốc rất « xông xáo » trong lĩnh vực tình báo kinh tế.
Theo Cơ quan phản gián Pháp, Trung Quốc « rất giỏi trong việc đánh cắp các thiết bị thử nghiệm và tin tặc », chừng nào chưa bị bắt thì không gì có thể ngăn chặn được họ. Tình báo Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến các đổi mới công nghệ, trong lĩnh vực hàng không, không gian, y sinh. Cục 2 của quân đội Trung Quốc trực tiếp chỉ đạo các hoạt động này.
Một mối quan tâm khác của chính quyền Trung Quốc là theo dõi, giám sát các nhân vật đối lập chính trị. Giới lãnh đạo Bắc Kinh rất lo ngại phong trào Pháp Luân Công, vấn đề người Tây Tạng, các hiệp hội ủng hộ cuộc đấu tranh của người Tây Tạng, các cộng đồng người Đài Loan, Duy Ngô Nhĩ….
Báo Libération cho biết ngay cả Tổng cục phản gián Pháp cũng đã từng bị tình báo Trung Quốc thâm nhập. Cách nay vài năm, một lãnh đạo của DGSI dường như đã tỏ ra « mềm yếu » trước một đối tượng Trung Quốc làm việc cho cơ quan tình báo của Bắc Kinh.
Tài liệu của phản gián Pháp nêu rõ, các nhân viên tình báo Trung Quốc hoạt động với « vỏ bọc » ngoại giao trong sứ quán Trung Quốc tại Paris và các cơ quan lãnh sự ở Marseille, Strasbourg (nơi có Nghị viện Châu Âu), Lyon và Polynésie thuộc Pháp. Bắc Kinh cũng thường xuyên điều phái các nhân viên tình báo dưới danh nghĩa sinh viên, thực tập sinh, thành viên các phái đoàn thương mại và những người này là « những bậc thày về trò giả vờ đi lạc đường trong các cuộc viếng thăm nhà máy ». Các dự án liên doanh nghiên cứu giữa các tập đoàn bào chế dược phẩm cũng là đối tượng nhòm ngó của tình báo kinh tế Trung Quốc.
Một nhân viên phản gián Pháp nói với báo Libération, « trên thực tế, tình báo Trung Quốc « vẫn hoạt động với tâm lý như thời chiến tranh lạnh », « bất kể lúc nào, mọi thành viên của cộng đồng người Trung Quốc, đặc biệt là các sinh viên đang theo học đại học, các thực tập sinh trong những doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn » cũng có thể được sử dụng để thu thập thông tin. Do vậy, rất khó ngăn chặn các hoạt động này. Việc chỉ định các đại diện những hiệp hội sinh viên, giới nghiên cứu Trung Quốc tại Pháp, lãnh đạo các viện Khổng Tử, đều phải có sự chấp thuận của sứ quán Trung Quốc.
Do không có đủ người để theo dõi, giám sát, DGSI tìm cách cảnh báo, kêu gọi tinh thần cảnh giác trước nguy cơ tình báo kinh tế trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn.
Cũng do thiếu phương tiện và nhân lực, từ năm 2011, cơ quan phản gián và hiến binh Pháp đã không còn hợp tác với nhau nữa trong việc điều tra, ngăn chặn hoạt động tình báo kinh tế.
Để khắc phục tình trạng này, DGSI tìm cách thiết lập mối quan hệ làm việc với giới lãnh đạo các trường đại học, các viện công nghệ hoặc các doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn.
Vấn đề người Trung Quốc ở Châu Âu không dừng ở đó. Đầu năm nay, ngay tại thời điểm các đảng phái chính trị ở Anh bắt đầu cuộc chạy đua nước rút cho cuộc tranh cử vào Quốc hội thì nổ ra vụ bê bối hối mại quyền thế của các nghị sĩ nổi tiếng Jack Straw và Malcolm Rifkind, khiến hai chính trị gia này phải nhanh chóng tuyên bố rút khỏi chính trường.
Sự việc được khơi mào từ một phóng sự điều tra của tờ Daily Telegraph cùng thực hiện với kênh truyền hình Channel 4 và phát trong chương trình Dispatches chuyên phanh phui các góc khuất của quyền lực trên thế giới. Họ cài phóng viên vào tiếp cận hai chính trị gia gạo cội là ông Jack Straw của Công đảng và Sir Malcolm Rifkind của đảng Bảo Thủ. Hai ông đã làm chính trị từ rất lâu, và đều từng giữ chức Bộ trưởng khi chính phủ của họ cầm quyền.
Trong đoạn phim quay lén trong phòng làm việc của hai ông trong Quốc hội, hai vị này đã hứa hẹn sẽ giúp đối tác gặp những đối tác cần thiết, đổi lại bằng những khoản tiền lớn.
Trong trường hợp của ông Rifkind, đối tác là một công ty của Trung Quốc. Tờ Daily Telegraph trình bày lời chào mời của ông rằng, với số tiền 5.000 bảng Anh một ngày, công ty Trung Quốc nọ có thể gặp tất cả những nhân vật quan trọng đang nắm giữ hệ thống an ninh hạt nhân trên thế giới, vì lẽ ông từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và ngoài vị trí là Chủ tịch Ủy ban an ninh Quốc hội, ông còn là thành viên của các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Hội đồng chuyên trách các nghị trình toàn cầu về hạt nhân.
Trong cuộc trao đổi, ông Rifkind còn tiết lộ về mối quan hệ với cựu Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhóm quan hệ bao gồm 22 Ngoại trưởng trên thế giới.
Trong bối cảnh Trung Quốc luôn sẵn sàng dùng tiền để mua quan hệ và đổ tiền vào cả những chương trình chính thức như Viện Khổng Tử lẫn những món quà ngoại giao và mối quan hệ cá nhân, phóng sự này chỉ ra một nguy cơ rất lớn cho các nước nhỏ đang có tranh chấp hoặc nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, vì các nước này sẽ yếu thế trong ngoại giao, khi Trung Quốc có được những mối quan hệ trực tiếp tại các cấp cao nhất trong chính trường Anh, Mỹ và các cường quốc, cả trong đảng cầm quyền lẫn bên phía đối lập.
Theo RFI, đây là câu chuyện sẽ tiếp tục gây tranh cãi cho dù dư luận nước Anh bắt đầu lắng dịu sau khi hai nghị sĩ Jack Straw và Malcolm Rifkind tuyên bố từ chức để trút bớt gánh nặng cho đảng của họ trong chiến dịch tranh cử sôi động.
BDN