Saturday, April 27, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNghi ngờ con số tăng trưởng của Trung Quốc

Nghi ngờ con số tăng trưởng của Trung Quốc

Trung Quốc là nền kinh tế mới nổi, họ tự tin vào sức hấp dẫn của mình nên  lờ đi việc số liệu thiếu chính xác.

Giới quan sát hoài nghi về tính xác thực của số liệu Trung Quốc, nhất là sau cơn khủng hoảng của thị trường chứng khoán nước này

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) chia sẻ quan điểm xung quanh những tranh cãi về tính chính xác của số liệu Trung Quốc.

PV: – Trung Quốc vừa công bố con số tăng trưởng GDP nước này trong quý 2/2015 là 7% làm dấy lên cuộc tranh luận về tính chính xác của số liệu này. Trước đó, vào năm 1998 – thời điểm sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và rất nhiều nền kinh tế ở khu vực rơi vào tình trạng suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng đến 7,8%, trong khi nhiều chuyên gia cho rằng con số thực tế chỉ gần 5%. Một trường hợp khác vào đầu những năm 2000, Trung Quốc công bố mức tăng trưởng 8 – 9%, song theo một số chuyên gia, nước này thực tế tăng trưởng đến gần 10%.

Thưa ông, vì sao giới phân tích lại luôn nghi ngờ về tính xác thực của số liệu Trung Quốc như vậy?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Thứ nhất, từ lâu giới quan sát đã nghi ngờ những con số của Trung Quốc. Người ta luôn đặt câu hỏi: Trung Quốc tính toán như thế nào, dựa trên phương pháp nào, quy trình nào… để có những con số đó? Bất kỳ nước nào khi làm thống kê cũng phải dựa trên một phương pháp tính toán thống nhất của quốc tế, theo một quy trình bảo đảm nghiêm túc, khi đó con số mới được quốc tế thừa nhận. Trung Quốc đã không chỉ rõ được điều này.

Thứ hai, cách tổ chức thực hiện thống kê của Trung Quốc không rõ ràng: con số thống kê của Trung ương và địa phương luôn chênh nhau, bao giờ con số của địa phương cũng cao hơn Trung ương. Điều này cho thấy sự thiếu độc lập của cơ quan thống kê, làm thống kê theo chỉ đạo chính trị của địa phương, địa phương cần thành tích thì báo cáo con số đẹp. Trung Quốc phải làm rõ điều này thì người ta mới tin được.

Thứ ba, việc nghi ngờ tính xác thực của số liệu Trung Quốc xuất phát từ cảm nhận thực tế. Khi phóng viên, các chuyên gia kinh tế đi khảo sát thực tế và nhận thấy nền kinh tế Trung Quốc có nhiều vấn đề nhưng con số báo cáo lại rất đẹp, không phù hợp với thực tế. Ví dụ, chứng khoán Trung Quốc có thời điểm sụt giảm tới 30%, các vấn đề về nông dân, sản xuất…, những con số kia liệu đã phản ánh đúng tình hình thực tế?

Trung Quốc cũng chưa bao giờ giải thích cho rõ về những con số này, chưa đánh tan được sự nghi ngờ ấy.

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, Việt Nam cũng đã vấp phải tình trạng này. Ban đầu người ta cũng không tin tưởng số liệu thống kê nhưng dần dần Việt Nam đã có sửa chữa. Theo đó, các địa phương sẽ không được tự tính GDP nữa mà để Tổng cục Tống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán, công bố nhằm tránh tình trạng trùng lặp, thiếu khách quan. Thủ tướng từng kêu cách tính GDP của Việt Nam không giống ai, nhưng Việt Nam đang dần sửa chữa và sự sửa chữa này được thế giới ghi nhận.

PV: – Trong trường hợp Trung Quốc không sai thì những nghi ngờ về số liệu nói trên có ảnh hưởng như thế nào đến cái nhìn của các nước đối với nền kinh tế Trung Quốc và tới chuyện đầu tư vào Trung Quốc, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thường không trông chờ vào con số thống kê của nước sở tại mà họ phải đi khảo sát thực tế, chịu tốn kém và mất thời gian để có được con số chính xác. Điều nguy hiểm nhất khi số liệu thống kê thiếu chính xác chính là làm suy giảm lòng tin của các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế quốc tế đối với nước sở tại.

Sự thiếu chính xác trong số liệu Trung Quốc, nếu có, sẽ tác động đến đến kinh tế Trung Quốc nhiều hơn là kinh tế toàn cầu. Nó làm cho giá méo mó, nhiều khi từ những con số đó nhà quản lý đưa ra những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án không chính xác. Hiện tượng này từng xảy ra đối với thị trường bất động sản Trung Quốc. Việc dự báo thiếu chính xác khiến thị trường này phát triển quá nóng để rồi sau đó “vỡ bong bóng”, những thành phố vừa xây xong đã bị bỏ hoang, trở thành “thành phố ma”, người gánh chịu thiệt hại chính là người dân, doanh nghiệp của Trung Quốc. 

Đối với quốc tế, sự sai lệch trong số liệu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có nhưng không nhiều. Một số nhà đầu tư không am hiểu, tin cậy vào các con số của Trung Quốc nên đầu tư để rồi thất vọng. Còn các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)… vẫn có tính toán riêng của mình. Dĩ nhiên, sự thiếu chính xác trong số liệu Trung Quốc ít nhiều ảnh hưởng đến những tính toán của họ nhưng dù sao, các tổ chức này vẫn có cách tính riêng ở mức độ nào đó để có cái nhìn chuẩn mực, đúng đắn và khách quan hơn. 

PV: – Thực tế, tình trạng số liệu Trung Quốc thiếu chính xác đã được nhắc nhở từ lâu nhưng dường như Trung Quốc không thể cải thiện điều này. Đó là vì Trung Quốc quá tự tin vào sức hút của môi trường đầu tư hay Trung Quốc muốn sửa cũng không được, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Tôi cho rằng, người Trung Quốc biết rõ con số của mình đúng hay không đúng, đặc biệt là những người trực tiếp làm công tác thống kê. Tuy nhiên, việc tính toán số liệu thế nào là do chủ trương của cấp cao hơn. Thường thì người muốn có con số cao để lấy thành tích là họ chứ không phải là người dân. Đối với người dân, con số xấu đẹp, cao thấp thì cuộc sống của họ vẫn cứ thế. Nhưng với nhà lãnh đạo, con số cao thì được thành tích cao, được đề bạt, cất nhắc lên vị trí cao hơn.

Vì vậy, vấn đề chính là các nhà lãnh đạo có muốn có bức tranh thực hay không, nếu muốn thì việc sửa đổi đương nhiên là phải làm. Còn sức hấp dẫn của Trung Quốc về khách quan là rất lớn. Đây là nền kinh tế mới nổi, đang phát triển mạnh, sức hấp dẫn luôn luôn có nên các doanh nghiệp nước ngoài luôn muốn vào Trung Quốc làm ăn.

PV: – Trung Quốc muốn chuyển nền kinh tế sang công nghệ cao kèm với đó là những tiêu chuẩn quốc tế để được công nhận là nền kinh tế dẫn đầu. Để làm được như vậy, Trung Quốc phải khắc phục hình ảnh không đáng tin như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Nam: – Trung Quốc muốn trở thành nền kinh tế phát triển, đáng tin cậy để doanh nghiệp nước ngoài vào hợp tác, làm ăn thì khắc phải làm điều đó. Trung Quốc đang có thế mạnh là nền kinh tế mới nổi nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, họ tự tin vào sức hấp dẫn này nên lờ chuyện số liệu thiếu chính xác đi. Nhưng đến một lúc nào đó, khi sức cạnh tranh đã lớn mạnh hơn, làm ăn không dễ dàng nữa, các nhà đầu tư cần một con số thực sự để tính toán phương án đầu tư, cạnh tranh đem lại lợi nhuận, Trung Quốc sẽ buộc phải làm rõ sự thật nếu muốn nhà đầu tư tin cậy, làm ăn lâu dài. 

RELATED ARTICLES

Tin mới