Các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có thể được áp đặt bởi một cơ quan tài phán, trọng tài quốc tế.
Tham dự trực tuyến Hội thảo Quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực” do Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức hôm 25/7 tại Hội trường Dinh Thống Nhất, Giáo sư Jay L.Batongbacal, Tiến sĩ khoa Luật Đại học Philippines đã có bài tham luận quan trọng đưa ra những ý tưởng mới.
Ông tập trung xem xét triển vọng của việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời chống lại những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đánh giá hoạt động xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo mà Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp ở Biển Đông, Tiến sĩ Jay L. Batongbacal cho rằng hoạt động bồi lấp rầm rộ của Trung Quốc đã được thực hiện với tốc độ đáng báo động, gây tác hại lớn đến môi trường biển, tạo ra thách thức trực tiếp với việc giải quyết công bằng và khách quan các tranh chấp trên Biển Đông.
Tiếp theo vụ hạ đặt giàn khoan 981 bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái, hoạt động bồi lấp đảo nhân tạo năm nay chỉ ra sự bắt đầu các hành động đơn phương chưa từng có tiền lệ, kể cả về tốc độ, quy mô và phạm vi ở biển Đông.
Đối mặt với những hành động leo thang này trong lúc thiếu vắng lựa chọn sử dụng vũ lực ngăn chặn hành vi đơn phương gây hấn tương tự trong tương lai, câu hỏi đặt ra là liệu có biện pháp đối kháng nào về pháp lý có thể được thực thi ngăn chặn Trung Quốc hay không? Câu trả lời là có. Đó là một thủ tục tiền trọng tài cần được chuẩn bị kỹ lưỡng với yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà có thể áp đặt ngay lập tức khi xảy ra những hành động đơn phương leo thang đó.
Nhìn chung các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có thể được áp đặt bởi một cơ quan tài phán, trọng tài quốc tế để bảo vệ, duy trì quyền lợi của các bên, và/hoặc nhằm bảo vệ môi trường biển chống lại những tác hại nghiêm trọng trong khi tranh chấp đang chờ được phân xử bởi cơ quan trọng tài.
Hành động bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo Trung Quốc đang tiến hành bất hợp pháp rõ ràng đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường biển kể từ khi toàn bộ hệ sinh thái của một số rạn san hô bị triệt tiêu. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời vẫn có thể sử dụng để chống lại bất kỳ việc tiếp tục các hoạt động bồi lấp, xây dựng cải tạo mà Trung Quốc có thể làm trong tương lai, cũng như chống lại các hành vi đơn phương làm phương hại đến nguồn tài nguyên đang được Trung Quốc thực hiện bây giờ, hoặc có thể được thực hiện trong tương lai có thể đoán trước.
Pháp luật quốc tế hiện hành về các biện pháp khẩn cấp tạm thời
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời là những biện pháp mà các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng từ đầu thế kỷ 20 nhằm duy trì hiện trạng (status quo) giữa các bên trong một thủ tục trọng tài. Quy chế Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hiện đang quy định các biện pháp này tương tự như các biện pháp áp đặt khẩn cấp tạm thời hoặc lệnh cấm thực hiện một số hành động cụ thể do các tòa án quốc gia thường áp dụng trong lúc chờ đợi kết quả của quá trình kiện tụng.
Trung Quốc bồi lấp, xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp trên đá Chữ Thập nằm trong huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam.
Cơ chế giải quyết tranh chấp trong Phần XV của UNCLOS cũng quy định các biện pháp bảo đảm tạm thời như những biện pháp đối kháng có thể được đưa ra theo bất kỳ một cơ chế nào trong số những cơ chế bắt buộc dẫn đến những kết quả ràng buộc. Nhìn chung có hai loại biện pháp tạm thời được quy định tại Điều 290 của UNCLOS như sau:
(a) Các biện pháp do một tòa án hoặc một cơ quan tài phán có thẩm quyền tài phán banh hành đối với các bên tranh chấp đang chờ quyết định, và
(b) Các biện pháp được quyết định bởi Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc là một tòa án hoặc tòa trọng tài khác do các bên thỏa thuận trong khi chờ đợi thành lập một tòa trọng tài để giải quyết vụ tranh chấp đó.
Trong cả hai trường hợp khi mà những biện pháp tạm thời được quy định trước khi cơ quan trọng tài ra phán quyết cuối cùng, cơ sở của việc đưa ra những biện pháp tạm thời là thẩm quyền mang tính chất “hiển nhiên” (prima facie) và dựa trên tính chất khẩn thiết của tình hình mà các biện pháp tạm thời được yêu cầu áp dụng.
Điều này ngụ ý, việc chứng minh sự thiết lập thẩm quyền ban hành những biện pháp khẩn cấp tạm thời là dễ dàng hơn so với việc chứng minh thẩm quyền phân xử vụ việc tranh chấp. Thẩm phán Thomas Mensah của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) giải thích: Khi xem xét vấn đề thẩm quyền, ITLOS áp dụng theo các thực tiễn pháp lý đã được xác lập lâu dài trong đó khẳng định rõ, vấn đề cần được quyết định không phải có một bằng chứng cuối cùng về thẩm quyền mà là xem xét dựa trên bằng chứng có sẵn.
ITLOS đã không ngần ngại áp dụng các biện pháp tạm thời trong các vụ kiện Southern Bluefin Tuna giữa New Zealand với Nhật Bản, Úc với Nhật Bản; vụ MOX Plant giữa Ireland với Vương quốc Anh. Thậm chí vụ kiện đang được giải quyết Arctic Sunrise giữa Hà Lan với Nga thì việc Nga không tham gia vụ kiện không ngăn được ITLOS ra quyết định các biện pháp tạm thời theo hướng ủng hộ Hà Lan.
Ngay trong khu vực Đông Nam Á, vụ kiện Land Reclamation giữa Malaysia và Singapore đã không đi đến một quyết định thỏa hiệp giữa hai bên, ITLOS vẫn thông qua bỏ phiếu đa số tuyệt đối ủng hộ biện pháp tạm thời trên cơ sở dựa vào những tác động của việc cải tạo đối với môi trường biển trong những vùng biển hẹp giữa hai bên.
Tựu chung lại, việc sử dụng các biện pháp đối kháng chống lại bất kỳ hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo có quy mô tương tự như những công trình Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp hiện nay ở Biển Dông là khả thi. Ngay khi có dấu hiệu đầu tiên của việc di chuyển các tàu thuyền và công cụ phục vụ việc bồi lấp đảo nhân tạo, một đề nghị áp dụng các biện pháp tạm thời có thể được đệ trình ngay lập tức lên Tòa án Quốc tế về Luật Biển ITLOS trong khi chờ đợi thành lập một tòa trọng tài theo Phần XV của UNCLOS.