Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBáo Singapore: Duyệt binh Trung Quốc và tín hiệu đáng lo ngại...

Báo Singapore: Duyệt binh Trung Quốc và tín hiệu đáng lo ngại về tương lai

Trong thế kỷ 21 nguy cơ xâm lăng từ Trung Quốc là điều đáng lo ngại với nhiều nước châu Á.

Lính Trung Quốc tập dượt cho duyệt binh ngày 3/9,

The Straits Times ngày 2/9 bình luận, cuộc duyệt binh khổng lồ trên quảng trường Thiên An Môn ngày mai được hiểu là để kỷ niệm quá khứ, nhưng với nhiều người ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chắc chắn nó sẽ được xem như một tín hiệu đáng lo ngại về tương lai. Trung Quốc nhấn mạnh rằng họ duyệt binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới II, nhưng trong thế kỷ 21 nguy cơ xâm lăng từ Trung Quốc là điều đáng lo ngại với nhiều nước châu Á.

Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ với một số nước láng giềng. Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đã có những phàn nàn về các hoạt động xâm nhập từ Trung Quốc được hỗ trợ bởi lực lượng quân sự vào những khu vực Bắc Kinh (nhảy vào) tranh chấp. Năm nay Trung Quốc đã bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) để củng cố yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) trên vùng biển cách xa họ cả ngàn dặm.

Khai thác chủ nghĩa quân phiệt có thể là một lựa chọn đầy rủi ro, nếu để nó đi sai đường nó có thể phá hủy trật tự quốc tế đã tạo nền tảng cho sự thành công tuyệt đẹp của nền kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua. Kể từ cuối những năm 1970 các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc hậu Mao đã nhận ra rằng việc chuyển đổi kinh tế của đất nước họ phụ thuộc vào toàn cầu hóa và quan hệ bình thường với các đối tác thương mại lớn.

Để phát triển kinh tế, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra khẩu hiệu “trỗi dậy hòa bình” rồi “thế giới hài hòa”. Tuy nhiên đến thời ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc có vẻ nghiêng về một cách tiếp cận “rắn” hơn trong các hoạt động (nhảy vào) tranh chấp lãnh thổ mà họ coi là một phần “lợi ích quốc gia cốt lõi” của mình. Đây là một sự phản ánh cả sức mạnh và điểm yếu.

Một mặt Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới bằng một số biện pháp. Tập Cận Bình và bộ máy lãnh đạo dưới quyền ông có thể cảm thấy rằng Trung Quốc bây giờ đủ mạnh để sử dụng sức mạnh trực tiếp hơn. Có những nhà tư tưởng chiến lược ở Trung Quốc còn công khai nói rằng họ không tin Hoa Kỳ sẵn sàng mạo hiểm trong một cuộc đụng độ với Trung Quốc ở Biển Đông hay eo biển Đài Loan.

Sự cám dỗ của chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc cũng có thể được củng cố bởi chuyển đổi kinh tế khó khăn mà nước này đang đối mặt. Nền kinh tế đang phát triển chậm lại và thị trường chứng khoán rối loạn mùa hè này. Chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình cũng gây ra không ít bức xúc, bất mãn của các quan chức hàng đầu khác.

Hơn 50 viên tướng Trung Quốc trực tiếp dẫn đầu các khối đội hình duyệt binh qua Thiên An Môn ngày mai. Ảnh: Đa Chiều/SCMP.

Những thảm họa chết người như vụ nổ nhà máy hóa chất ở Thiên Tân gần đây nhấn mạnh hai trong số những nguyên nhân lớn nhất của sự bất mãn phổ biến ở Trung Quốc hiện đại: Môi trường ô nhiễm đáng sợ và những quy định của luật pháp vẫn bị những người giàu có và có quyền lực quá xem thường.

Trong bối cảnh đó, một cuộc duyệt binh cổ vũ yêu nước có vẻ như chỉ để nhằm tập hợp sự ủng hộ cho các nhà lãnh đạo đang nắm quyền. Kể từ sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đảng Cộng sản Trung Quốc đã duy trì 2 trụ cột để duy trì quyền lực lãnh đạo: Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và chủ nghĩa dân tộc, cái ông Tập Cận Bình gọi là “phục hưng Trung Hoa”, “giấc mơ Trung Quốc, The Straits Times nhấn mạnh.

Với sự tăng trưởng sút kém, rõ ràng việc dựa hơn nữa vào chủ nghĩa dân tộc dễ trở thành một cám dỗ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên chơi dao sắc có ngày đứt tay. Các bằng chứng có thể được nhìn thấy qua việc gia tăng căng thẳng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đang trải qua quá trình sửa đổi hiến pháp để cho phép quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài.

Các quan chức Lầu Năm Góc liên tục nhấn mạnh một các gay gắt về việc phải duy trì hòa bình, ổn định và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Tuần này Úc công bố gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ. Ấn Độ, nước nhập khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới cũng có vẻ gần hơn với Mỹ. Đầu mùa hè này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino so sánh hành vi của Bắc Kinh ở Biển Đông với phát xít Đức.

Tất nhiên nếu so với sự hỗn loạn và bạo lực ở Trung Đông hoặc thậm chí là khủng hoảng ở Ukraine thì tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn tương đối yên tĩnh. Nhưng trong khi những căng thẳng ở châu Á thấp hơn Trung Đông hay Ukraine thì tác động ảnh hưởng của nó đang ngày càng tăng cao. Những căng thẳng quân sự có liên quan đến Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tập Cận Bình và các đồng nghiệp của ông chắc chắn biết rằng, một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng sẽ là một sai lầm bi thảm đối với Trung Quốc. Nguy cơ thực sự không phải là Trung Quốc sẽ chọn chiến tranh, nhưng các nhà lãnh đạo nước này có thể tính toán các phản ứng của các nước láng giềng và Mỹ khi một cuộc đụng độ quân sự bất ngờ trên biển leo thang thành một sự kiện quốc tế lớn.

Ngay cả khi một cuộc khủng hoảng nhanh chóng được xoa dịu, hậu quả chính trị có thể gây thiệt hại lâu dài đối với Trung Quốc và nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nên quên những mối nguy hiểm mà họ có thể gặp phải vào ngày mai.

RELATED ARTICLES

Tin mới