Trung Quốc đang thúc đẩy để đạt được sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực “yết hầu Ấn Độ Dương”, động thái được đánh giá là sẽ tạo ra hàng loạt biến đổi về địa chính trị.
Binh sĩ hải quân Trung Quốc quan sát từ trực thăng trong một nhiệm vụ hộ tống ở Vịnh Aden, ngày 26/8/2014. Ảnh: Xinhua
Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, trong khi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “lời qua tiếng lại” đầy căng thẳng xoay quanh vụ Su-24 Nga bị bắn hạ, thì hôm 26/11, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi David Rodriguez tuyên bố, Trung Quốc sắp đặt căn cứ quân sự tại Djibouti.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đính chính rằng nước này “chỉ xây dựng cơ sở tiếp tế nhằm phục vụ cho biên đội tàu hộ vệ tại Vịnh Aden”.
Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) thừa nhận, không thể phân biệt một cách tuyệt đối sự khác nhau về hình thức giữa “cơ sở tiếp tế hậu cần” và “căn cứ quân sự”. Sự tách biệt này chủ yếu nằm ở “mục đích sử dụng căn cứ”.
Nói cách khác, Đa Chiều bình luận, truyền thông Trung Quốc gần như đã xác nhận việc xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti.
Hôm 7/11 vừa qua, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) Phòng Phong Huy đã có chuyến công du Djibouti để “chốt” các thỏa thuận chi tiết về việc đặt căn cứ ở nước này với thời hạn thuê 10 năm.
Djibouti nằm ở vị trí “yết hầu” thông giữa Hồng Hải và Vịnh Aden của Ấn Độ Dương. Ảnh: operationworld.org
Djibouti là quốc gia nhỏ ở bờ Đông châu Phi có dân số chỉ khoảng 920.000, diện tích cả nước là 23.000 km vuông. Dù vậy, Djibouti có vị trí địa lý “vô cùng trọng yếu”. Mỹ, Pháp và Nhật Bản đều đặt các căn cứ quân sự của mình tại đây.
Nguồn thu nhập của Djibouti cũng đến từ việc cho thuê căn cứ quân sự, đồng thời thông qua đó bảo đảm được an ninh quốc gia.
Căn cứ Djibouti sẽ trở thành căn cứ quân sự công khai tại nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc, nằm ở bờ Nam eo Bab-el-Mandeb, vị trí “yết hầu của Hồng Hải” nối vào vịnh Aden của Ấn Độ Dương, “tiêu binh trên con đường vận chuyển dầu mỏ”. Mọi tàu bè đi qua kênh đào Suez đều phải qua Djibouti.
Đa Chiều chỉ ra, nếu tình hình Djibouti xuất hiện bất ổn thì có khả năng làm đứt đoạn toàn bộ tuyến hàng hải từ châu Âu sang Đông Á thông qua Ấn Độ Dương, buộc các tàu biển phải đi đường vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi.
Chính vì vị trí chiến lược trọng yếu này, các nước lớn phương Tây đều tìm cách tăng cường sức mạnh ở Djibouti.
Hồi năm 2006, Mỹ đã mở rộng quy mô căn cứ quân sự của mình ở quốc gia châu Phi lên gấp 6 lần. Đến 2014, Washington tiếp tục gia hạn 10 năm thuê căn cứ tại đây với mức giá 63 triệu USD/năm.
Đối với Trung Quốc, một khi mở được căn cứ quân sự tại Djibouti, nước này sẽ có “ưu thế độc nhất vô nhị” trong khu vực, Đa Chiều đánh giá.
Trong gần 10 năm qua, thế lực của Bắc Kinh đã “gia tăng một cách đột biến” tại Ethiopia – quốc gia giáp Djibouti phía Tây và Nam, khi chiếm lĩnh gần như toàn bộ thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng của nước này.
Về phía Đông, Djibouti tiếp giáp Somali, trong khi hạm đội tàu hộ vệ của Trung Quốc thường xuyên hoạt động ở vùng biển ngoài khơi quốc gia này. Theo thông tin từ chính phủ Trung Quốc, quân đội của họ đã tuần tra ở đây trong vòng 7 năm qua.
Quốc gia lân cận khác với Djibouti là Sudan cũng được nhận định là “phạm vi ảnh hưởng truyền thống” của Trung Quốc.
Đa Chiều cho hay, việc Bắc Kinh đặt căn cứ tại Djibouti không chỉ phục vụ mục đích tiếp tế cho các hạm đội của họ, mà quan trọng hơn là gia tăng và kết hợp các ưu thế về ảnh hưởng ở châu Phi thành một thể thống nhất.
Trung Quốc sẽ gia tăng hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương và Đông Phi, cũng như tuyến lưu thông Âu-Á quan trọng nhất thế giới. (Ảnh: Xinhua)
Ảnh hưởng quốc tế mà căn cứ quân sự Trung Quốc đem lại
Theo Đa Chiều, thứ nhất, lực lượng của Trung Quốc tại khu vực eo biển Bab-el-Mandeb sẽ tăng đáng kể, sức mạnh và khả năng tuần tra liên tục của biên đội tàu hộ vệ Trung Quốc được nâng cao.
Tiếp đó, với vị trí địa lý quan trọng như đã nêu, căn cứ này cho phép Bắc Kinh “lần đầu tiên áp đặt ảnh hưởng lên con đường vận chuyển dầu trên biển”.
Cuối cùng, do Djibouti giáp Ấn Độ Dương, không lực Trung Quốc có thể tiến vào vùng biển này mà không cần qua Vịnh Melaka của Malaysia.
Đa Chiều cho biết, cho đến nay Trung Quốc vẫn phủ nhận sự tồn tại của “chiến lược chuỗi ngọc trai”, tức gia tăng ảnh hưởng địa chính trị thông qua tiếp cận các cảng và sân bay, phát triển các quan hệ ngoại giao và hiện đại hoá quân sự từ biển Đông thông qua eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương, và đến vịnh Ba Tư.
Ở một mức độ nào đó, “chiến lược chuỗi ngọc trai” được phương Tây xem như một phần của “thuyết mối đe dọa Trung Quốc”, và việc Bắc Kinh tìm mọi cách gia tăng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương đang chứng minh thực tế này.
Sự kiện Trung Quốc tiến tới lập căn cứ quân sự ở châu Phi cũng tạo ra ảnh hưởng lớn đối với tình hình quốc tế.
Đa Chiều nhận định, sự xuất hiện của PLA là một tín hiệu cho thấy một sự can thiệp đầy khó chịu vào khu vực eo Bab-el-Mandeb, vốn được xem là “sân nhà” của Mỹ và đồng minh.
Tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh tại kênh đào Suez cũng sẽ được nâng lên, thậm chí nước này kỳ vọng sẽ ngang tầm Mỹ, Pháp.
Djibouti còn có thể trở thành “trạm quan sát” để làm tiền tiêu giúp Trung Quốc từng bước tiến vào khu vực Trung Đông, điều mà nước này đến nay vẫn e ngại là sẽ bị “cuốn vào cục diện do phương Tây làm chủ”.
Hôm 22/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Seattle trong chuyến công du Mỹ về vấn đề “quản lý toàn cầu” rằng: “Bất kể thể chế quản lý chính trị toàn cầu biến đổi ra sao, chúng tôi đều sẽ tích cực tham dự, thúc đẩy trật tự thế giới phát triển theo hướng hợp lý, công bằng hơn”.
Và động thái mới đây tại Djibouti có thể xem là hành động quân sự thực tế để chứng minh tuyên bố “nâng tầm ảnh hưởng quốc tế” của ông Tập.
Đa Chiều kết luận, có thể dự đoán rằng, các “điểm nóng” chính trị toàn cầu trong tương lai không xa sẽ chứng kiến sự can thiệp với tần suất dày hơn của PLA. Tình hình này sẽ thúc đẩy cục diện quốc tế giữa các nước lớn phát sinh những biến đổi bất ngờ hơn nữa.