Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiThông điệp Putin: Trừng phạt là thời cơ cho kinh tế Nga

Thông điệp Putin: Trừng phạt là thời cơ cho kinh tế Nga

Trong Thông điệp LB Nga 2015, ông Putin trình bày ít vấn đề nhưng sâu hơn so với Thông điệp năm ngoái, trong đó mũi nhọn là về kinh tế.

Như thông lệ hàng năm, vào lúc 12h00 ngày 3-12 theo giờ Moscow (tức 16h00 giờ Việt Nam) tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang (LB) gửi Quốc hội, trước sự chứng kiến của hàng nghìn đại biểu và phóng viên các hãng thông tấn Nga và toàn thế giới.

Trong bối cảnh nước Nga và tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là về vấn đề cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội…, bản Thông điệp LB năm nay được dư luận chung rất quan tâm đón đợi.

Khác với Thông điệp LB năm ngoái, năm nay ông Putin trình bày ít vấn đề nhưng sâu hơn, không tập trung vào mảng quan hệ với phương Tây mà chú trọng vào mũi nhọn là về kinh tế Nga và vấn đề chống khủng bố ở Syria, cùng những khúc mắc trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước hết, chúng ta xem xét những vấn đề về kinh tế Nga.

Trừng phạt và giá dầu ảnh hưởng lớn đến kinh tế Nga

Về vấn đề kinh tế, trong Thông điệp thường niên, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, trừng phạt của phương Tây có thể còn kéo dài, Mỹ và EU sẽ tìm mọi cách để làm cho Nga suy yếu và LB Nga cần sẵn sàng với điều đó.

Ngoài những biện pháp trừng phạt đã áp đặt do sự kiện Ukraine, Hoa Kỳ đang xem xét những biện pháp trừng phạt kinh tế chống Nga, với những cáo buộc vô căn cứ về việc Moscow vi phạm Hiệp định về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF).

Vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller tuyên bố, nước này đang cân nhắc về khả năng áp đặt những biện pháp kinh tế và quân sự chống LB Nga bởi Hoa Kỳ thấy “dường như Nga đã vi phạm Hiệp ước INF”.

Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định nào được thông qua, gây ra thái độ bất mãn của nhiều thành viên Quốc hội, đặc biệt là các nghị sĩ Cộng hòa đang gay gắt chỉ trích chính quyền Tổng thống đương nhiệm Barack Obama là đang triển khai một chính sách “ngoại giao yếu ớt”.

Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng giá dầu thấp và những hạn chế từ bên ngoài có thể còn tiếp diễn trong thời gian dài. Nhưng điều đó không có nghĩa là Nga phải trấn an và chờ đợi tất cả thay đổi một cách thần kỳ, hoặc chỉ đơn giản là khoanh tay đợi tăng giá dầu.

Ông nhấn mạnh, về nguyên tắc, phương pháp tiếp cận như vậy là không thể chấp nhận. Nga cần sẵn sàng đón nhận thực tế là thời kỳ giá nguyên liệu thấp và có thể là cả những ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài sẽ còn kéo dài nữa. Tuy nhiên, Nga đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Đòn trừng phạt mà phương Tây áp đặt hơn 1 năm rưỡi qua không thể khiến nền kinh tế Nga sụp đổ, thậm chí dầu rớt giá thảm hại cũng không làm Nga bị kiệt quệ. Trái lại, cấm vận và những khó khăn đã khiến Nga bước ra khỏi cái bóng của dầu mỏ và khí đốt, phát triển đa dạng nền kinh tế.

Như vậy, đòn trừng phạt của phương Tây vừa đem lại những khó khăn, thách thức nhưng cũng đem lại cho Moscow những cơ hội chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế mà nếu nắm bắt được, kinh tế Nga chắc chắn sẽ hồi phục và phát triển rất bền vững.

Nga không sa vào khủng hoảng và đang vượt qua khó khăn

Tổng thống Nga khẳng định, hiện nền kinh tế đất nước tuy có suy thoái tạm thời nhưng không sa vào khủng hoảng. Sự suy giảm đó là so sánh với giai đoạn phát triển mạnh trước đây, còn trong thực tế, nền kinh tế Nga đang có những bước tiến so với cùng kỳ này năm trước.

Cấm vận tạo ra cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước, ví dụ như Nga đã hoàn thành bước đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, tới năm 2020 cả nước có thể đảm bảo tự cung tự cấp toàn bộ lương thực và phần nào là những sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt khác – Tổng thống Putin tuyên bố.

Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, hiện có không ít cơ sở để dự đoán kinh tế Nga hồi phục sẽ trở thành hiện thực.

Ví dụ như ngay cả việc “đóng cửa” du lịch với Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù có hại nhưng cũng không phải là không đem lại lợi ích cho Nga, bởi khoản tiền dự kiến dành cho các khu nghỉ dưỡng ở nước ngoài sẽ được người dân đem ra chi tiêu trong nước.

Hay việc tạm dừng dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” cũng là một ví dụ. Dự án này là giành cho tầm nhìn xa, việc nó bị đình chỉ, trước mắt không gây thiệt hại cho kinh tế Nga mà còn là cơ hội để Moscow xem xét lại các quan điểm về đối tác kinh tế chiến lược, trong mối quan hệ ràng buộc với yếu tố-địa chính trị.

RELATED ARTICLES

Tin mới