Nhà sử học người Scotland Norman Stone đã chỉ ra những rủi ro mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang đưa quốc gia này vào bằng các chính sách ngoại giao đầy mạo hiểm.
Một số phương tiện truyền thông châu Âu gần đây đề cập đến tham vọng “khôi phục Đế quốc Ottoman” của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, Sputnik News (Nga) đưa ra luận điểm đối lập rằng Erdogan “chưa thuộc hết lịch sử” và nhắc ông không nên khiêu khích Nga, quốc gia từng “vài chục lần chiến thắng Ottoman trong quá khứ”.
Sputnik dẫn quan điểm của nhà sử học người Sotland Norman Stone trên tờ The Guardian (Anh), bằng việc “thổi lửa” cho cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Erdogan đã không lường trước được hậu quả đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tình hình xung đột ở Trung Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều diễn biến mới, các bên tham gia mới và không ít đối thủ của Ankara đang trỗi dậy.
Theo ông Stone, Erdogan đã huyễn hoặc bản thân như một “lãnh đạo thần thánh” với nhiệm vụ gây dựng “các thế hệ sùng đạo” và giúp đỡ các đồng minh thuộc phong trào Anh em Hồi giáo trong nội chiến Syria.
“Rõ ràng Daesh (tức Nhà nước Hồi giáo IS) đã nhận được sự trợ giúp từ Thổ Nhĩ Kỳ, bởi mục tiêu chính của Erdogan là lật đổ lãnh đạo Syria Bashar al-Assad bằng bất cứ giá nào,” Norman Stone chỉ ra.
Theo nhà sử học này, “chủ nghĩa mạo hiểm của Erdogan đã khá thành công tính đến hiện tại, nhưng nó cũng tương đương với một khởi đầu ‘phi thường’ trong chính sách ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí đi cùng rủi ro là sự hủy diệt của cả quốc gia.”
Ông Erdogan (trái) và Tổng thống Nga Vladmir Putin. Ảnh: Getty Images
Theo Sputnik, có một phức cảm tự ti và tự đại đằng sau chính sách của Erdogan và nó thúc đẩy nhà lãnh đạo này thực hiện những bước đi mạo hiểm.
Sau khi không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24/11, Ankara đã nhanh chóng đón nhận “cơn thịnh nộ” từ Moscow, dù mới chỉ ở mức độ chỉ trích và các lệnh trừng phạt kinh tế.
Sputnik cho rằng, vẫn có thái độ thách thức trong hành động của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mà nếu Nga phản ứng “theo kiểu Mỹ” bằng cách lập vùng cấm bay ở Syria, Erdogan có thể dễ dàng đánh bại các đối thủ của mình (ở Syria).
Tuy nhiên, Nga dường như đã làm Ankara thất vọng. Trong khi đó, một số quốc gia phương Tây hầu như đã “quên” cái tên al-Assad và bắt đầu hợp tác với Moscow để tiêu diệt kẻ thù đáng sợ hơn, IS.
Trong bối cảnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã tự đưa mình vào thế bị cô lập về ngoại giao, dù vẫn có những tiếng nói ủng hộ từ NATO.
Theo Norman Stone, người ta chỉ có thể dự đoán kết quả của tình trạng bế tắc giữa Ankara và Moscow, nhưng dù thế nào thì những hậu quả đó rất có thể sẽ khiến các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ phải hoài niệm về quá khứ.
Ông viết: “Trong thời đại hoàng kim của đế chế Ottoman vào thế kỷ XVI, Nga chỉ là ‘một tiếng ồn ở phương Bắc’. Nhưng nếu đụng vào đó, Tổng thống Erdogan sẽ nhận thấy một sự dữ dội lớn hơn nhiều.
Trong khi phá vỡ chính sách đối ngoại truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta quên rằng cái chết ‘thổi đến’ không phải từ phía Tây, mà là phía Đông – Iran và Syria, những đạo quân từng 2 lần tiến tới Istanbul trong thế kỷ XIX.”
Stone kết luận: “Nếu có bài học cho một nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ thì đó là: Đừng chọc giận Nga!”