Cary Huang và Zhen Liu cho rằng, ông Tập Cận Bình đang lặp lại con đường tương tự như các hoàng đế nhà Hán.
South China Morning Post ngày 28/1 đăng bài phân tích của hai tác giả Cary Huang và Zhen Liu nhận định, kế hoạch lớn đằng sau chiến lược ngoại giao đô la của Trung Quốc là nhằm chuyển bớt căng thẳng kinh tế trong nước ra ngoài, tạo thế để cạnh tranh vị trí siêu cường với Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã để lại ấn tượng mạnh về chiến lược “ngoại giao đô la” trong thời gian gần đây, với hàng chục chuyến công du hải ngoại và ký kết các hợp đồng giao dịch hàng tỉ USD, một nỗ lực dùng tiền để “kết giao bạn bè” với thế giới.
“Có tiền là có bạn”
Từ khi lên nắm quyền, người ta thấy ông Tập Cận Bình đã xuất hiện khắp nơi trên thế giới, từ Hoa Kỳ đến Anh, sang Pháp, châu Phi và Trung Đông. Truyền thông chủ yếu chú ý tới những hình ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc mỉm cười, vẫy tay từ cầu thang máy bay bước xuống, nhưng đằng sau những chuyến đi này là cả một loạt giao dịch quy mô lớn.
Cary Huang và Zhen Liu cho rằng, ông Tập Cận Bình đang lặp lại con đường tương tự như các hoàng đế nhà Hán, triều đại Trung Quốc bắt đầu “mở rộng” lãnh thổ lần đầu tiên sang phía Tây và xuống phía Nam. Ngày nay, ông Tập Cận Bình có kế hoạch của mình để mở rộng ảnh hưởng cho Trung Quốc trở thành siêu cường toàn cầu.
Ông đề xuất ý tưởng làm sống lại Con đường Tơ lụa cổ xưa, trải dài từ Tây An, kinh đô cũ của Trung Quốc cổ đại đến tận thành Rome. Đi cùng ý tưởng và tầm nhìn này, ông Tập Cận Bình đã có những cam kết đầu tư khổng lồ dọc theo Con đường Tơ lụa.
Trong khi người Trung Quốc tin rằng, tiền có thể làm ra bè bạn, các nhà quan sát gọi chiến lược này của ông Tập Cận Bình là “ngoại giao đô la”. Trung Quốc có tiền để tiêu, và cũng có động lực để tiêu tiền. Bắc Kinh muốn tận dụng tối đa hơn 3 ngàn tỉ USD dự trữ ngoại hối.
Chuyến đi gần đây tới Trung Đông, ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung 20 tỉ USD với Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Qatar, đồng thời cam kết viện trợ nhân đạo 230 triệu nhân dân tệ cho khu vực.
2015 là một năm đặc biệt bận rộn đối với ông Tập Cận Bình. Ông đã đi thăm 14 quốc gia, hội đàm với lãnh đạo từ 74 nước, có những nhà lãnh đạo ông đã gặp nhiều lần trong năm. Trong cơn lốc ngoại giao này, Trung Quốc đã cam kết hàng trăm tỉ USD đầu tư trực tiếp, vốn vay và viện trợ.
Ông Tập Cận Bình đã cam kết hơn 200 tỉ USD trong các giao dịch thương mại, đầu tư nhà nước, các khoản cho vay và viện trợ khi đi thăm Pakistan, Nga, Belarus, Mỹ, Anh và Nam Phi trong năm ngoái. Trong đó Pakistan 46 tỉ USD, Nga 25 tỉ USD, Belarus 15,7 tỉ USD, Mỹ 27,1 tỉ USD để mua các sản phẩm của Hoa Kỳ bao gồm 300 chiếc máy bay Boeing.
Ở Anh, ông Tập Cận Bình cam kết sẽ đầu tư 62 tỉ USD vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm một nhà máy điện hạt nhân và hợp tác năng lượng với tập đoàn BP. Tại châu Phi, ông hứa sẽ cung cấp 60 tỉ USD tài trợ phát triển ngành nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tạo thế cạnh tranh vị trí siêu cường toàn cầu với Hoa Kỳ
Zhu Zhiqun, một Giáo sư khoa học chính trị Trung Quốc từ Đại học Bucknell nói rằng, kể từ khi nhậm chức ông Tập Cận Bình đã mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc bằng các hợp đồng thương mại và đầu tư với các nước ở mọi ngóc ngách của thế giới.
“Chính sách ngoại giao đô la của ông Tập Cận Bình nhất quán với chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc bắt đầu vào những năm 1990. Nó tập trung vào việc đảm bảo nguồn lực, mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy quyền lực mềm của Trung Quốc”, ông Zhu Zhiqun bình luận.
Học giả này dự đoán, Bắc Kinh sẽ tăng cường đầu tư ở châu Phi, Trung Á và Mỹ Latinh khi Bắc Kinh tiếp tục chính sách duy trì và phát triển quan hệ với các nước đang phát triển. Một số khoản đầu tư cũng được Trung Quốc sử dụng như phần thưởng cho các nước “bạn bè thân thiết”.
Một số nhà phân tích cho biết, hoạt động đầu tư ra bên ngoài ngày càng tăng của Trung Quốc là một nỗ lực để Bắc Kinh xuất khẩu công suất công nghiệp dư thừa của mình, đồng thời nuôi dưỡng cải cách cơ cấu kinh tế trong nước, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Họ tin rằng nhiệm vụ được ông Tập Cận Bình đặt ra là mở rộng thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc và giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các quốc gia này.
Benjamin Herscovitch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách Trung Quốc từ Bắc Kinh nhận định: “Sử dụng ngoại giao kinh tế là một phương tiện Trung Quốc sử dụng để giảm bớt căng thẳng kinh tế trong nước.”
Matt Ferchen, một học giả Trung tâm Carnegie – Tsinghua cho rằng, nhiều sáng kiến kinh tế quốc tế của ông Tập Cận Bình như AIIB hay Một vành đai, một con đường tập trung vào việc thúc đẩy phát triển. Đặc biệt là lĩnh vực tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, những ý tưởng này là một sự kết hợp giữa tầm nhìn chiến lược thúc đẩy lợi ích kinh tế, ngoại giao của Trung Quốc với nỗ lực thay đổi cấu trúc nền kinh tế trong nước.
Nhưng mặt khác, một mục tiêu quan trọng của ông Tập Cận Bình trong chiến lược này là cạnh tranh ảnh hưởng với Hoa Kỳ trong việc thiết lập các quy tắc và tiêu chuẩn toàn cầu. Ví dụ điển hình cho điều này chính là việc ông Tập Cận Bình đã khởi xướng 2 ngân hàng, BRICS và AIIB, đồng thời khởi động Con đường Tơ lụa.
Tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc là một phần trong chiến lược mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Tập Cận Bình để tạo nên một trạng thái bình thường mới ngang bằng với Washington, thậm chí vượt cả Mỹ.
Tuy nhiên, dù Trung Quốc đã trở thành một cường quốc ngoại giao trong thời gian ngắn hay chưa, thì sự hiện diện của Trung Quốc giờ đây đã có thể cảm nhận thấy ở mọi ngóc ngách của thế giới. Ngay cả khi Bắc Kinh thành công, họ cũng phải trả giá khá lớn. Hiện vẫn chưa có câu trả lời về những cái giá Trung Quốc sẽ phải trả để đạt được mục tiêu này.