Friday, April 26, 2024
Trang chủThâm cung bí sửNhững xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc...

Những xung đột về pháp lý của Việt Nam và Trung Quốc ở Biển Đông (Kỳ 4)

Một mặt, việc hội nhập có thể là không bình thường, thông thường luật tập quán quốc tế bao gồm các nguyên tắc tổng quát chứ không phải là các quy định chính xác, gồm cả các đơn vị đo đạc, là những thứ đặc trưng cho luật thành văn, chẳng hạn các hiệp ước, chỉ ràng buộc các bên hữu quan. Mặt khác, Công ước Luật biển có lẽ là một trường hợp duy nhất có sự tham gia rộng rãi của các quốc gia vào việc soạn thảo và về mức độ nhất trí mà Công ước đạt được. Các toà án nhanh chóng thừa nhận rằng, một vài đơn vị đo đạc nêu trong Công ước – như lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền về kinh tế 200 hải lý, và ranh giới tối thiểu của “thềm” – hội nhập vào luật tập quán quốc tế.

Hơn nữa, các quy định từ mục (4) đến mục (7) của Điều 76, và mức độ nhất trí cao đối với chúng, chắc chắn cho thấy rõ là không có một sự nhất trí nào về các quy tắc ngăn cấm các quốc gia khẳng định các đặc quyền ở phía ngoài ra tới các ranh giới mà các điều khoản này cho phép quy định một cách rõ ràng. Vì lẽ luật tập quán quốc tế cho phép làm những gì không bị ngăn cấm, nên một yêu sách bất kỳ nào đó do một quốc gia đưa ra, khi được thực hiện một cách bất hợp pháp, thì sẽ là hoàn toàn không có cơ sở.

Đối với những vấn đề nói trên, có khả năng các tòa án (một lần nữa, nếu và khi vấn đề này nổi lên) sẽ quyết định là các quy định nêu trong mục (4) đến mục (7) của Điều 76 đã được hội nhập vào luật tập quán quốc tế. Trong bất kỳ sự kiện nào, ngay cả khi các toà án quyết định là các quy tắc chính xác, bao gồm cả các đơn vị đo đạc, của các quy định đó không tạo thành quan hệ pháp lý của một luật có tính ràng buộc, thì chúng tôi vẫn tin chắc rằng, các tòa án sẽ quyết định một quốc gia có thể mở rộng các đặc quyền của họ ra ngoài 200 hải lý, khi áp dụng học thuyết về “sự kéo dài tự nhiên” một khi đặc điểm độ sâu và hay địa chất của khu vực đó là thích ứng. Ít nhất, các quy tắc chính xác trong mục (4) đến mục (7) của Điều 76 sẽ liên quan nhiều đến việc minh chứng cho những nguyên tắc chỉ đạo, ngay cả khi tự chúng không liên quan đến vấn đề này. Một quốc gia sẽ được quyền mở rộng các đặc quyền của họ ra tới chân dốc lục địa (giả sử điểm đó có thể xác định được tại một khu vực cụ thể), cũng như tới một khoảng cách nào đó nằm ngoài chân dốc, bao gồm cả bờ lục địa. Tóm lại, rõ ràng tòa án không thể tuyên bố rằng một quốc gia, khi đưa ra yêu sách của họ phù hợp với các quy tắc chính xác nêu trong Điều 76, là quốc gia vi phạm một quy tắc nào đó của luật tập quán quốc tế trù định không cho quốc gia đó làm như vậy.

5. Các tiêu chuẩn hoạch định

Hoàn toàn phù hợp với nội dung Công ước và hình thức giải quyết của tòa án, mục tiêu của việc hoạch định ranh giới biển, cho dù đã giải quyết xong bằng thỏa thuận hay bằng tài phán, là “nhằm đạt được một giải pháp công bằng”. Trong việc xác định các ranh giới cụ thể nào đó, vấn đề thường vấp phải là các tiêu chuẩn. Đòi hỏi cao nhất khi vận dụng vào các tiền lệ pháp là liệu có một mức độ hợp lý nào về tỷ lệ giữa chiều dài các đường bờ biển của các quốc gia hữu quan (các đường thẳng vạch theo xu thế chung của đường bờ biển) và phạm vi không gian biển thuộc về mỗi quốc gia.

Đường cách đều và tính tỷ lệ

Tại nơi có tranh chấp mà các quốc gia hữu quan nằm đối diện nhau qua một vùng biển (“các quốc gia nằm đối diện nhau”), hơn là tiếp giáp nhau trên cùng một bờ biển (“các quốc gia có bờ biển tiếp giáp”), tòa án sẽ buộc phải bắt đầu nhiệm vụ của mình bằng việc thiết lập một đường cách đều, coi đó như một ranh giới giả định, giữa hai quốc gia này. Tất nhiên, đườn cách đều chỉ là một phương pháp có thể được sử dụng cho mục đích đó; các phương pháp khác được sử dụng trong việc hoạch định giữa các quốc gia tiếp giáp nhau hoàn toàn không thể áp dụng cho việc hoạch định giữa các quốc gia nằm đối diện nhau. Ngoài ra, đối với các quốc gia nằm đối diện nhau, nhìn chung, việc sử dụng đường cách đều trong việc hoạch định sẽ bảo đảm tạo ra các kết quả công bằng và hợp lý. Tòa án đã giải thích như vậy trong phán quyết đầu tiền về thềm lục địa. Vụ thềm lục địa biển Bắc.

Khu vực thềm lục địa ở phía ngoài các quốc gia nằm đối diện nhau, và vốn đã thuộc các quốc gia đó, có thể bị mỗi quốc gia coi đó là phần kéo dài tự nhiên lãnh thổ của họ. Những sự kéo dài này gặp nhau và chồng lần lên nhau, và do đó chỉ có thể được hoạch định bằng phương pháp trung tuyến (đường cách đều); và, bỏ qua sự hiện diện của các đảo nhỏ, các đá và những địa hình lồi lõm nhỏ của bờ biển mà ảnh hưởng làm biến dạng một cách mất cân đối của chúng có thể bị các phương pháp khác loại trừ, một đường như thế phải đem lại việc phân chia đồng đều một khu vực liên quan cụ thể… Bởi vậy, loại trường hợp này khác với trường hợp các quốc gia nằm tiếp giáp trên cùng một bờ biển mà không có bờ biển trực tiếp đối diện ở phía trước nó, và không tạo ra loại vấn đề tương tự…

Phán quyết gần đây nhất về ranh giới biển của tòa án cũng có kết quả tương tự: “Hiển nhiên (prima facie), việc hoạch định theo trung tuyến giữa các bờ biển đối diện nhau, nhìn chung, tạo ra một giải pháp công bằng, cụ thể nếu các bờ biển này nằm gần như song song với nhau”.

Phương pháp phổ biến mà các tòa án thường sử dụng để hoạch định ranh giới biển là, thiết lập một ranh giới giả định, và trong trường hợp các quốc gia nằm đối diện nhau, ranh giới này sẽ được xây dựng trên cơ sở đường cách đều. Sau đó, tòa án sẽ kiểm định ranh giới giả định này trên quan điểm công bằng. trong việc kiểm định đó, như nêu ở trên, đòi hỏi cao nhất là liệu có một mức độ hợp lý nào về tỷ lệ giữa và trong số các chiều dài bờ biển của các quốc gia hữu quan (các đường thẳng vạch theo xu thế chung của đường bờ biển) và phạm vi không gian biển thuộc về mỗi quốc gia. Nguyên tắc này được đảm bảo bởi hai yếu tố khác.

  1. Tính tỷ lệ không bao giờ là căn cứ cho việc vạch ranh giới; vấn đề hoạch định biển không phải là công việc tạo ra một “tỷ lệ chia công bằng” bằng cách đơn giản vẽ ra các con đường để dành cho mỗi quốc gia một “phần chia đúng”. Khác với điều đó, các ranh giới dự kiến phải bắt nguồn từ việc xem xét các yếu tố địa hình của khu vực (ví dụ, đường cách đều) và rồi sự công bằng sẽ được kiểm tra bằng phép tính tỷ lệ”.
  2. Tính tỷ lệ không nhất thiết phải hoàn toàn chính xác, một phép tính tỷ lệ gần đúng và xấp xỉ là tất cả những gì được đòi hỏi.

Tại những nơi thích ứng, tòa án tiến hành xem xét tính tỷ lệ trên cơ sở số học. Trước hết, tòa án xác định chiều dài bờ biển của các bên được coi là xác đáng (chẳng hạn theo các đường xu hướng chung), có thể hay không bao gồm toàn bộ đường bờ biển của các bên. Thứ hai, tòa án quyết định phạm vi nào của vùng biển được coi là cần thiết phải hoạch định. Thứ ba, trên cơ sở các ranh giới giả định được xem xét, tòa án xác định diện tích vùng biển dành cho mỗi bên là bao nhiêu. Cuối cùng, tòa án so sánh tỷ lệ giữa hai yếu tố của địa hình (chiều dài bờ biển và diện tích vùng biển dành cho mỗi bên) và xác định một mức độ hợp lý nào đó về tỷ lệ này. Nếu không đạt được kết quả, tòa án sẽ xem xét việc điều chỉnh lại ranh giới giả định này sao cho thích hợp, để bảo đảm một mức độ tỷ lệ có thể chấp nhận được.

Vấn đề các đảo nhỏ (hòn hoặc “đá”)

Trong khi vạch ranh giới theo các đường cách đều, việc xem xét tính công bằng và tính tỷ lệ có nghĩa là các tòa án thường bỏ qua các điểm cơ sở là các đảo nhỏ, đặc biệt là khi chúng không có người ở và không có tầm quan trọng về kinh tế, và chúng nằm xa lục địa của quốc gia sở hữu chúng, và nếu có hiệu lực thì chúng sẽ có đủ tư cách có không gian biển nhưng lại phạm vào thềm lục địa của quốc gia khác. Theo các nguyên tắc công bằng và tỷ lệ, những đảo nhỏ như thế đôi khi gọi là hòn hay đá, chúng không được phép có ảnh hưởng lớn tới giá trị thực chất của một không gian biển như để đối trọng lại một quốc gia láng giềng có yêu sách vững chắc đối với không gian biển đó, và rõ ràng không gian biển đó không tương xứng với kích thước và tầm quan trọng của các đảo này.

Các tòa án vừa kiên định vừa nhấn mạnh trong việc liên kết và áp dụng các quy tắc này. Như đã đề cập ở phần trên, trong phán quyết đầu tiên về ranh giới biển, Vụ thềm lục địa biển Bắc năm 1969, Tòa án quốc tế đã tuyên bố rằng trong việc vạch đường cách đều “sự hiện diện của các đảo nhỏ, các đá và các điểm ít nhô ra của bờ biển” mà còn chưa rõ “ảnh hưởng về tính mất cân đối” sẽ bị bỏ qua.

Trong vụ Libi/Manta, Tòa án quốc tế đã áp dụng quy tắc đó đối với đảo Phinphla (Filfla) không có người ở của Manta, ngay cả khi đảo đó chỉ nằm cách lãnh thổ chính của Manta có 3 hải lý. Tòa tuyên bố rằng:

Tính vô tư của đường cách đều phụ thuộc vào việc liệu người ta có sử dụng cách hành văn của Tòa án trong phán quyết năm 1969 (biển Bắc) như trích dẫn ở trên hay không để phòng ngừa ảnh hưởng làm mất cân xứng của “các đảo nhỏ, các đá và các điểm lồi lõm nhỏ của bờ biển” nào đó. Vì thế, Tòa án xét thấy công bằng là không tính đến Phinphla trong việc tính toán trung tuyến tạm thời giữa Manta và Libi.

(Còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới