Wednesday, April 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiDu lịch Việt thua Campuchia

Du lịch Việt thua Campuchia

Trong cuộc đua marathon du lịch, Việt Nam ngày càng đuối sức so với các nước cùng khu vực, nên cần phải thay đổi chiến thuật. 

Campuchia, Lào và cả Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam về lượng khách

Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tuy là nước có cửa ngõ biên giới với Việt Nam nhưng trong tháng 2/2016, có chưa đến 10.000 lượt người Campuchia sang Việt Nam. Tính chung hai tháng đầu năm nay, tổng lượng khách từ nước này cũng chỉ có hơn 23.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước thông tin trên, là người nhiều kinh nghiệm về du lịch Lào, Campuchia, ông Nguyễn Văn Mỹ – Ủy viên Ban chấp hành Hiệp Hội Lữ hành Việt Nam cho biết: “Đây là chuyện hết sức bình thường, bởi vì, thứ nhất, khách Campuchia qua Việt Nam chủ yếu là khách có thu nhập trung bình, có nhu cầu đi khám bệnh, tham quan chùa chiền ngắn ngày.

Nhưng giờ đây, dịch vụ y tế của Campuchia đã được nâng cấp, nên số lượng người qua Việt Nam thăm khám giảm mạnh.

Thứ hai, du lịch biển của Campuchia đã được chú trọng nhiều hơn, họ khai thác rất nhiều bãi biển đẹp, trong khi, nếu sang Việt Nam thì phải đi rất nhiều chặng, đến TPHCM rồi lại đi xe ra Vũng Tàu, Phan Thiết.

Thêm vào đó, nếu như trước đây, người Campuchia thích qua cao nguyên Lâm Đồng cụ thể là Đà Lạt để tận hưởng không khí trong lành, ngắm hoa, thì giờ đây họ cũng đã có cao nguyên Bokor rất đẹp.

Để thấy, du lịch Campuchia đang ngày càng phát triển và hoàn thiện, nên lượng khách họ qua Việt Nam giảm là hoàn toàn hợp lý.

Thứ ba, việc làm hộ chiếu đi ra nước ngoài của người dân Campuchia vô cùng khó khăn và đắt đỏ, một hộ chiếu giá cũng khoảng 100 USD là bình thường, nên người dân cũng nhiều phần ái ngại.

Thế nhưng cái chính tôi quan tâm không phải lượng khách Campuchia giảm sút, mà tôi thấy lo lắng hơn đó chính là trong khi giá trị du lịch của chúng ta chỉ tăng 0,9%, thì giá trị du lịch Campuchia tăng 11%”.

Đặc biệt, trước nghịch lý du khách quốc tế đến Việt Nam thì giảm, nhưng lượng khách Việt Nam ra nước ngoài ngày càng tăng, bình quân mỗi năm có khoảng 5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, chi tiêu hơn 6 tỉ USD, ông Mỹ phân tích:  “Tôi nghĩ đây cũng là việc dễ hiểu, bởi vì, nguồn cung ở trong nước không đáp ứng được nhu cầu, nên du khách muốn đi tìm những địa điểm mới, đi tìm những gì khác biệt.

Hơn nữa, giá thành các tour đi nước ngoài lại rẻ hơn, chất lượng tốt hơn nội địa, nên không lẽ gì ngườiViệt lại không đi”.

Ở một khía cạnh khác, theo ông Mỹ, trong du lịch hiện tại bao gồm cả Lữ hành, Khách sạn và Nhà hàng. Lữ hành lại chia thành nội địa và quốc tế. Quốc tế bao gồm Inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) và Outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài và khách nước ngoài từ Việt Nam đến nước thứ 3).

Trong kinh tế, xuất khẩu là chuẩn để đánh giá tiềm lực. Với du lịch, việc xếp hạng cũng dựa chủ yếu vào khách inbound, những người mang ngoại tệ vào cho đất nước. Năm 2015, du lịch nội địa của Việt Nam tăng hơn 15%, ước đạt 45 triệu lượt khách.

Du lịch Outbound tăng hơn 20%, khoảng 6 triệu lượt khách. Ngược lại du lịch Inbound khựng lại, chỉ tăng gần 0,9%; chưa thể vượt mốc 8 triệu lượt khách. Đây là mức tăng thấp nhất từ 2009.

Biểu đồ tăng trưởng du lịch Inbound đang tuột dốc thê thảm, bất trị như xe đứt thắng. Năm 2010 tăng 35%, 2011 – 19%, 2012 – 14%, 2013 – 11%, 2014 – 4%”.

Bản thân ông Mỹ cũng đặt ra câu hỏi: Vậy vì đâu nên nỗi?

Theo ông Mỹ, đa phần chúng ta đổ cho kinh tế khó khăn, giá dầu sụt giảm. Nhưng khó khăn cả thế giới, không riêng gì Việt Nam.Thống kê 2015 cho biết, khách Nga giảm 7,1%; khách Trung Quốc giảm 8,5%, khách Campuchia giảm 43,8%.

Khách đến Việt Nam tăng mạnh nhất là châu Phi với 44,3%, tiếp theo là Hàn Quốc 31,3% và Singapore là 16,9%.

Trong khi Việt Nam chững lại thì các nước Asean vẫn tăng trưởng tốt. Lào gần 4,3 triệu lượt khách, tăng 5%. Campuchia cán mốc 5 triệu lượt khách, tăng 11%. Singapore (chỉ lớn hơn đảo Phú Quốc của Việt Nam) hơn 17 triệu lượt khách, tăng 14%.

Thái Lan bị đánh bom khủng bố nhưng tăng mạnh nhất, hơn 20%. Lần đầu tiên, Thái Lan đe doạ giành ngôi đầu của Malaysia với 29,6 triệu lượt khách. Nhật Bản dẫn đầu với mức tăng trưởng kỷ lục 47%. Cả thế giới, gặp đủ thứ khó khăn vẫn tăng trưởng 4,4%.

“Cứ đà này, chừng 3 – 4 năm nữa; Campuchia, Lào và cả Myanmar sẽ qua mặt Việt Nam về lượng khách. Xét về mặt hiệu quả đón khách du lịch trên dân số của Asean, Việt Nam hiện chỉ xếp trên Indonesia”, ông Mỹ lo ngại.

Vì sao khách quốc tế ngán du lịch Việt?

Chỉ rõ về những lý do khiến cho du khách quốc tế ngán ngại khi du lịch Việt Nam, ông Mỹ nói: “Đầu tiên là nạn ăn xin, bán hàng rong chèo kéo, móc túi, cướp giật, chặt chém và trấn lột.

Tiếp theo là vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm. Cuối cùng là giao thông hỗn loạn, kẹt xe, ách tắc, trạm thu phí dày đặc, nguy cơ tai nạn.

Có thể bổ sung thêm là tinh thần và thái độ phục vụ, thủ tục rườm rà. Ngay tại những nơi được xem là bộ mặt quốc gia như cửa khẩu quốc tế, dịch vụ cũng rất kém, định giá tùy tiện, cao hơn các nước trong khu vực. Sản phẩm dịch vụ thì trùng lặp, nghèo nàn, không có gì khác biệt, có thể nói là thua toàn tập”.

Nhìn nhận về việc Tổng cục du lịch cho rằng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam còn gặp nhiều cản trở về visa, ông Mỹ cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở việc đó, thì du lịch inbound của Việt Nam chắc chắn sẽ tụt hậu.

Nếu Việt Nam miễn visa cho toàn thế giới, lượng khách quốc tế đến Việt cũng chưa thể sánh với Singapore (17,1 triệu), chứ không nói đến Thái Lan hay Malaysia.

Ông Mỹ phân tích: “Visa đi Mỹ rất khó và đắt, người Việt vẫn ùn ùn rồng rắn xếp hàng đăng ký. Các nước Kyrgyzstan, Dominica, Ecuador, Panama miễn visa cho hộ chiếu phổ thông Việt Nam nhưng thử hỏi có bao nhiêu người Việt du lịch đến đó. Cho thấy, ở đây không phải là vấn đề visa, mà là dịch vụ nơi mà du khách sẽ đến”.

Làm sao rút ngắn khoảng cách

Tiếp cận vấn đề ở góc độ khác, khi nhắc đến giải pháp cho du lịch Việt, ông Mỹ chỉ rõ: “Năm 2016, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8,5 triệu khách quốc tế, tăng khoảng 7%.

Để đạt được mục tiêu, Bộ VHTT&DL đã công bố “Chương trình Du lịch quốc gia 2016 – Phú Quốc và Đồng bằng sông Cửu Long” gồm 56 sự kiện. Nghe có vẻ hoành tráng và bài bản, nhiều người tin là du lịch Việt Nam 2016 sẽ có bứt phá.

Nhưng thực tế, Việt Nam năm nào cũng có chương trình Du lịch quốc gia. Năm 2015 là “Nối kết các di sản thế giới”, tổ chức tại Thanh Hóa cũng rất tầm cỡ với 6 sự kiện, nhưng du lịch inbound 2015 chỉ tăng gần 0,9%.

Có người nhận định, chưa có lễ hội nào ở Việt Nam thật sự thành công về du lịch, tất cả đều na ná giống nhau theo công thức. Nội dung và hình thức đều nghèo nàn, chỉ có kinh phí là hoành tráng”.

Theo bản thân ông Mỹ qua nhiều năm làm trong ngành du lịch, ông nhận thấy, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến toàn xã hội. Để tăng tốc là bài toán khó, nước nào cũng vậy. Với du lịch inbound Việt Nam, để rút ngắn khoảng cách với top đầu của Asean và không để top sau qua mặt lại càng khó hơn.

Tuy nhiên, không phải không có lời giải, thực tế đã chỉ rõ, muốn du lịch phát triển và tăng tốc, phải có lộ trình dứt điểm cụ thể các vấn nạn. Không thể hô hào suông hết năm này sang năm khác, càng không thể khỏa lấp các yếu kém bằng những biện pháp tinh thần kiểu lễ hội.

“Việc cần làm là mỗi tỉnh, mỗi địa phương phải chọn một vài việc cụ thể, mỗi năm làm dứt điểm những việc đó, thì chỉ cần 5 năm là du lịch Việt Nam lột xác, cụ thể là chúng ta phải bắt đầu từ yếu tố con người.

Nhà vệ sinh là chuyện nhỏ mà cả chục năm hô hào vẫn chưa giải quyết xong thì đừng mơ tăng tốc, vì thế, phải loại bỏ ngay chế độ trách nhiệm chung chung, hết đùn lại đẩy và chưa có cơ chế giám sát hiệu quả công việc.

Du lịch như một cuộc đua Marathon quốc tế trường kỳ, thời gian vô định, nhưng đích đến từng năm thì rõ ràng, đáng buồn trên đường đua, so với các nước cùng khu vực, Việt Nam đang ngày càng đuối sức.

Để không tụt hậu, cần phải thay đổi chiến thuật, thay đổi cả huấn luyện viên thì may ra mới rút ngắn khoảng cách với bạn bè”, ông Mỹ cho hay.

RELATED ARTICLES

Tin mới