Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC), vào thứ Tư ngày 2-3-2016, đã nhất trí ủng hộ biện pháp cấm vận mới đối với Bình Nhưỡng, gồm việc điều tra tất cả tàu hàng hóa vào – ra khỏi Bắc Triều Tiên; cấm Bắc Triều Tiên bán các khoáng chất quý, ngăn chặn bán hoặc cung cấp nhiên liệu máy bay cho nước này…
Reuters cho biết Bộ Vận tải Trung Quốc đã đưa vào danh sách đen 31 con tàu Bắc Triều Tiên. Ít nhất 3 con tàu Bắc Triều Tiên đã bị từ chối cập cảng Trung Quốc. Gần đây nhất là tàu hàng Grand Karo, bị cấm cập cảng Rizhao thuộc tỉnh Sơn Đông.
Tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) cho biết thêm, Trung Quốc bắt đầu ngưng nhập than từ Bắc Triều Tiên từ đầu tháng 3-2016. Các ngân hàng ở Đan Đông (Liêu Ninh) cũng được lệnh ngưng chuyển kiều hối cho Bắc Triều Tiên.
Có vẻ Bắc Kinh “hợp tác tốt” với cộng đồng quốc tế trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, một báo cáo Liên Hiệp Quốc (LHQ) chưa được công bố mà Foreign Policy tiếp cận được đã cho thấy trò lá mặt lá trái của Bắc Kinh như thế nào.
Báo cáo LHQ, được Foreign Policy tiết lộ (7-3-2016), cho biết Bình Nhưỡng đã chuyển hàng trăm triệu đôla qua một chi nhánh ngân hàng Trung Quốc ở Singapore để né luật cấm vận.
Cụ thể, một hãng vận tải hàng hải Trung Quốc tên Chinpo Shipping đặt tại Singapore đã sử dụng tài khoản họ tại một chi nhánh thuộc Bank of China để giấu những khoản thanh toán liên quan hoạt động chuyên chở vũ khí lẫn hàng hóa của Bình Nhưỡng.
“Điều tra của tiểu ban LHQ cho thấy, CHDCND Triều Tiên đã thành công trong việc thoát cấm vận và tiếp tục dùng hệ thống tài chính, hàng không và các tuyến vận tải container quốc tế để giao dịch các mặt hàng bị cấm” – báo cáo viết – “Tiểu ban nhận thấy không có dấu chỉ nào cho thấy nước này có ý định từ bỏ các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân”.
Hoạt động lén lút của Chinpo được phơi bày khi công tố Singapore tham gia điều tra.
Tài liệu từ công tố Singapore cho biết Chinpo đã thực hiện 605 cuộc chi trả với tổng cộng hơn 40 triệu USD từ tháng 4-2009 đến tháng 7-2013, trong đó có vụ Chinpo chuyển khoản hơn 72.000USD cho một hãng vận tải hàng hải Panama để che giấu chi phí hàng hải cho tàu Chong Chon Gang mà Bắc Triều Tiên dùng buôn lậu vũ khí.
Tháng 1-2016, thẩm phán Singapore Jasvender Kaur phạt Chinpo 128.000USD tội phạm luật cấm vận. Cần nhắc lại, Chong Chon Gang là một trong những con tàu Bình Nhưỡng “nổi tiếng” thế giới.
Năm 2009, nó đụng độ và “va chạm vũ khí” với cướp biển Somali. Tháng 2-2003, nó bị Iran tạm giam tại cảng Bandar Imam Khomeini. Tháng 2-2010, nó bị Ukraine giam tại cảng Oktyabrsk (trên tàu lúc ấy có chất thay thế heroine, rượu, thuốc lá, đạn AK-47). Tháng 3 cùng năm, nó bị Ai Cập rượt đuổi.
Và ngày 15-7-2013, Chong Chon Gang bị Panama bắt tại cảng quốc tế Manzanillo. Khi nhân viên chức trách Panama lên tàu, thủy thủ đoàn đã chống trả dữ dội và thuyền trưởng toan tự tử.
Khám tàu, một tên lửa được phát hiện giấu trong đống bao đường nâu. Ngoài ra, còn có hai bộ nguồn tên lửa đối không, 9 tên lửa phòng không được tháo rời, hai chiến đấu cơ Mikoyan-Gurevich MiG-21, 15 động cơ máy bay…
Panama đã trục xuất hầu hết trong 35 thủy thủ Chong Chon Gang về Cuba và các nước khác vào ngày 30-1-2014. Thuyền trưởng và 2 sĩ quan được giữ lại, đối mặt bản án buôn lậu vũ khí. Bình Nhưỡng nộp 666.666USD để lấy lại tàu.
Theo luật sư Mỹ Sandy Baggett, Chánh công tố trong vụ Chinpo, một viên chức ngoại giao Bắc Triều Tiên đã đến Singapore mỗi năm để lấy tiền mặt từ tài khoản Chinpo tại chi nhánh Bank of China.
UNSC áp đặt lệnh cấm vận Bình Nhưỡng lần đầu tiên năm 2006, sau vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của nước này. Các biện pháp tiếp theo của UNSC đã tội phạm hóa việc tài trợ những hoạt động liên quan cung cấp hoặc giúp đỡ đối với chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tháng 6-2009, UNSC lập tiểu ban chuyên gia giám sát việc thực hiện lệnh cấm vận. Tiểu ban gồm đại diện nhiều nước lớn trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, Bắc Kinh thường xuyên miễn cưỡng theo dõi tiến trình thực hiện cấm vận và tất nhiên, Bắc Kinh luôn lấp liếm khi những vụ việc liên quan đến các công ty của Trung Quốc dính líu với Bắc Triều Tiên.
Trong vụ Bank of China, giới ngoại giao Bắc Kinh nói rằng bằng chứng duy nhất đến từ bên công tố Singapore và đáng lý tiểu ban UNSC phải dựa vào giới chức trách Trung Quốc. Bắc Kinh cũng câu giờ trong việc ủng hộ những đề xuất củng cố lệnh cấm vận.
Khi tiểu ban UNSC yêu cầu phong tỏa đại lý hàng hải Cơ quan quản lý hàng hải (OMM) của Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh gần như không phản ứng gì. Tháng 7-2014, UNSC quyết định áp đặt lệnh cấm vận OMM. Tuy nhiên, lúc đó OMM đã nhanh chóng thành lập một mạng các công ty mới.
Tháng 2-2015, tiểu ban UNSC đề nghị UNSC cấm vận 34 thực thể đang được giao dịch mà OMM thực hiện, giới ngoại giao Trung Quốc tại New York đã đẩy lùi lại ý kiến trên, nói rằng họ không có thẩm quyền được trao từ Bắc Kinh để trừng phạt các công ty liên quan.
Hơn 1 năm sau, cho đến khi Bình Nhưỡng thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa, Trung Quốc mới đồng ý giải pháp nặng tay hơn mà trước đó họ từ chối.
Như nhận xét của John Park, chuyên gia Bắc Triều Tiên thuộc Viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) và Harvard Kennedy School, Trung Quốc thật ra đã lợi dụng kẽ hở trong luật cấm vận để thắt chặt và phát triển việc làm ăn với các doanh nghiệp Bắc Triều Tiên hơn là khước từ.
Hoạt động giao dịch tại khu vực biên giới hai nước gần như vẫn bình thường, theo Reuters. Hàng xuất khẩu Trung Quốc chiếm ít nhất 3/4 thị trường Bắc Triều Tiên. Mậu dịch song phương hàng năm trị giá khoảng 6 tỉ USD.
Trung Quốc vẫn là nguồn chính cung cấp tất cả mặt hàng thiết yếu cho đời sống Bắc Triều Tiên, từ dầu thô đến nhiên liệu máy bay. Nhiều công ty Trung Quốc đang khai thác khoáng sản tại Bắc Triều Tiên. Và mặc dù giới truyền thông Trung Quốc luôn “chỉ trích” lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ cắt đứt quan hệ với Bình Nhưỡng.
Tháng 10-2015, Bắc Kinh đã cử “đại sứ thiện chí” Lưu Vân Sơn, nhân vật đầu tiên trong Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc đến Bình Nhưỡng kể từ khi Kim Jong-un ngồi ghế lãnh đạo.
Rất không hài lòng với loạt hành động bất thường của Kim Jong-un nhưng Bắc Kinh không bao giờ có thể thả tay khỏi Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng luôn là một “nhân tố” rất quan trọng đối với cán cân chính trị không chỉ với bán đảo Triều Tiên mà còn với khu vực.